Không phân biệt bằng tại chức - chính quy: Thứ trưởng Bộ Giáo dục lên tiếng

(Dân trí) - Trong quan niệm của nhiều người, chất lượng đào tạo giữa hệ chính quy và tại chức ở Việt Nam vẫn là một khoảng cách khá xa, từ đầu vào, thi cử đến đầu ra. Chính vì thế, trước đề xuất của Bộ GD&ĐT sẽ không phân biệt bằng chính quy và tại chức, nhiều người bày tỏ lo lắng “vàng thau lẫn lộn”.

Bằng đại học tại chức sẽ có giá trị giống như bằng đại học chính quy là nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi do Bộ GD&ĐT đề xuất.

Thông tin này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dân và các chuyên gia giáo dục những ngày qua. Tại “Hội nghị tham vấn chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học” chiều ngày 15/12 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT tổ chức, nội dung này được đưa ra bàn luận.


Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc (ngoài cùng bên trái) chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc (ngoài cùng bên trái) chủ trì Hội nghị.

Giảm thiểu tình trạng “sính” bằng cấp

PGS. Trần Văn Tớp (Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội) ủng hộ đề xuất không phân biệt bằng chính quy và bằng không chính quy.

Theo PGS. Trần Văn Tớp: Xã hội Việt Nam là xã hội “sính” bằng cấp nên người ta coi trọng bằng cấp, trong khi tuyển dụng vị trí làm việc phải xuất phát từ nhu cầu và năng lực ứng viên phù hợp với vị trí công việc. Cơ quan/ đơn vị tuyển dụng phải có phương pháp và cách thức tuyển dụng chọn đúng người phù hợp với yêu cầu, trong đó bằng cấp chỉ có thể là một điều kiện.

“Đối với nhiều nước vẫn tồn tại hình thức đào tạo full time (chính quy - tập trung) và part time (không tập trung - vừa học vừa làm) và họ không biệt bằng cấp giữa 2 hình thức đào tạo này. Nếu đảm bảo chất lượng đào tạo hệ tập trung và hệ không tập trung, xóa bỏ khoảng cách về bằng cấp giữa hình thức đào tạo tập trung với loại không tập trung là đúng, phù hợp với xu thế và triết lý đào tạo học tập suốt đời. Tôi cho rằng Luật cần xây dựng hiện đại, phù hợp với xu thế chung”, ông Tớp nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đại diện này cũng cho rằng trong hoàn cảnh, bối cảnh hiện nay của chúng ta việc đảm bảo chất lượng của hai hình thức đào tạo như nhau hiện tại là khó, thậm chí rất khó.

Bởi lẽ, để đảm bảo chất lượng của các loại hình đào tạo, thì mọi quy trình đào tạo phải giống nhau và có chất lượng như nhau từ tuyển sinh đầu vào đến quản lý đào tạo, chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, cách thức thi cử, đánh giá phải như nhau. Tuy nhiên hiện tại giữa 2 loại hình đào tạo này vẫn còn khoảng cách do cách thức tuyển sinh, quản lý đào tạo, do quan niệm xã hội và người sử dụng lao động, do thời gian tập trung cho việc học tập, do quan niệm của cả người học (sinh viên) và các cơ sở đào tạo (giảng viên, cán bộ quản lý).

Người học hệ không tập trung rất khó có đủ thời gian để đảm bảo học và tự học. Thời gian tập trung chỉ khoảng 5-6 tháng so với hệ chính quy là 19 tháng/1 năm. Sinh viên hệ không tập trung cần thời gian dài hơn khoảng 1,6 lần hoặc thời gian tự học phải gấp đôi so với hệ tập trung.

Một đại biểu khác cũng bày tỏ lo ngại về việc kiểm soát chất lượng đào tạo khi hai tấm bằng có hai hình thức đào tại khác nhau lại có giá trị ngang hàng nhau.

Về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Thường trực Tổ Biên tập dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi: Dự kiến quy định không phân biệt hai loại bằng chính quy và không tập trung cũng là nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 29 đã đề ra: “Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng và quản lý quá trình đào tạo, chú trọng quản lý chất lượng đầu ra”. Đồng thời, chuẩn bị cho sự thay đổi của giáo dục đại học trong những năm tới, khi mà công nghệ xâm nhập ngày càng sâu vào giáo dục đại học.

“Thực tế ở một số nước phát triển cho thấy, thời gian gần đây, tỷ lệ sinh viên theo học hình thức tập trung có xu hướng giảm và theo học hình thức không tập trung (bao gồm cả đào tạo từ xa) ngày càng tăng do có thể sử dụng các giải pháp công nghệ để hỗ trợ việc tổ chức đào tạo”, bà Phụng chia sẻ.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng mong tình trạng quá tôn sùng bằng cấp có thể được giảm thiểu nếu quy định không phân biệt hai loại bằng được thông qua. Các nhà sử dụng lao động sẽ chú trọng đánh giá thực lực của người ứng tuyển, bổ nhiệm.. thay vào việc chỉ căn cứ vào văn bằng như ở một số ngành, địa phương trong thời gian qua.

Các đại biểu góp ý tại Hội nghị.
Các đại biểu góp ý tại Hội nghị.

Xóa khoảng cách chất lượng giữa 2 hình thức đào tạo

PGS. Trần Văn Tớp phân tích: Nếu các trường muốn đảm bảo chất lượng đào tạo 2 hệ này, đảm bảo chuẩn và chất lượng đầu ra như của chính quy thì cần: Tuyển sinh chặt chẽ như tuyển sinh đại học tập trung và đặt điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng. Mặc dù hiện nay, quy chế tuyển sinh đã có rất nhiều tự chủ của cả các trường, có thể xét tuyển theo hồ sơ.

Tuy nhiên nhiều trường vẫn áp dụng thi tuyển hoặc dựa vào kết quả thi THPT quốc gia. Ngay cả khi xét tuyển theo hồ sơ, họ cũng nhằm vào đối tượng có học lực khá, giỏi. Vậy, nếu tuyển sinh chặt chẽ như đại học chính quy thì khó, thậm chí không thể tuyển sinh được. Ngay cả khi xét tuyển được thì khả năng tốt nghiệp cũng thấp do áp dụng thi cử, đánh giá như của hệ tập trung.

Các trường thấy cần siết chặt quá trình đào tạo để chất lượng hệ không chính quy không ảnh hưởng tới uy tín và chất lượng hệ chính quy của trường.

“Hiện nay, để quản lý 2 hệ này cũng có 2 quy chế quản lý đào tạo khác nhau. Vì vậy khi đề xuất này được chấp nhận thì có thể nói tất cả các khâu trong đào tạo hình thức tập trung và không tập trung phải giống nhau. Điều khác nhau duy nhất là thời gian”, ông Tớp nhấn mạnh.

Riêng đối với hệ đào tạo tiến sĩ, PGS. Trần Văn Tớp đề xuất chỉ nên quy định 1 hình thức đào tạo tập trung, không nên có hình thức đào tạo không tập trung. Bởi lẽ, nếu một người đi làm hoặc được cử đi làm nghiên cứu sinh thì nên toàn tâm, toàn ý thì mới có thể đảm bảo chất lượng đào tạo như yêu cầu.

Trước những băn khoăn của các đại biểu và dư luận về việc sẽ không biệt bằng chính quy và không chính quy, tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: “Hiện tại, trong Điều 6 Dự thảo Luật Giáo dục Đại học vẫn chưa đề cập cụ thể việc ghi hình thức đào tạo lên văn bản.

Ghi hay không ghi thì Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc tình hình thầy cô, các chuyên gia góp ý. Đa phần các nước trên thế giới không ghi rõ bằng chính quy và bằng không tập trung nhưng ở nước ta, xét thực tế vẫn còn nhiều lo ngại về chất lượng.

Hiện nay trong dự thảo luật chưa quy định rõ, ghi thế nào thì sau này Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quyết định cụ thể”.

Lệ Thu