1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Góp ý dự thảo sửa đổi bổ sung Luật GD Đại học:

Không khả thi nếu công nhận bằng đại học tại chức như chính quy

(Dân trí) - Dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi do Bộ GD&ĐT đề xuất đưa ra trong đó quy định bằng đại học tại chức có giá trị giống như bằng đại học chính quy vì chỉ có 1 loại văn bằng chuẩn. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, quy định này không khả thi với thời điểm hiện nay.

Bà Nguyễn Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT cho biết, Dự thảo Luật Giáo dục đại học đã đưa ra 2 hình thức đào tạo là tập trung và không tập trung. Theo đó, đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm hay đào tạo tại chức là đào tạo theo hình thức không tập trung.

Tuy nhiên, tập trung hay không tập trung đều được xây dựng trên cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra để cấp một văn bằng chuẩn. Do đó, hình thức đào tạo sẽ không được ghi trên văn bằng ĐH.


Không nên quy định bằng tại chức với bằng chính quy cùng một văn bằng chuẩn trong thời điểm hiện nay

Không nên quy định bằng tại chức với bằng chính quy cùng một văn bằng chuẩn trong thời điểm hiện nay

Góp ý về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, ở Việt Nam từ trước tới nay mặc dù Bộ GD&ĐT đã có quy định bằng đại học tại chức và bằng đại học chính quy là giống nhau nhưng thực chất 2 loại hình này đào tạo riêng biệt, khác hẳn nhau.

Chương trình vừa học vừa làm đã bị cắt xén đi rất nhiều về thời gian, chương trình, giảng viên, đánh giá, chất lượng đào tạo đều kém so với quy chuẩn đào tạo chặt chẽ của hệ chính quy.

Theo TS Khuyến, trước đây hệ vừa học vừa làm là “niêu cơm” của các trường đại học nên các trường ra sức tuyển sinh đào tạo tràn lan, buông lỏng quản lý, chất lượng vô cùng thấp mặc dù mấy đời bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết tâm xóa bỏ phân biệt văn bằng này rồi nhưng không thành, không làm nổi vì động vào "nồi cơm" của các trường.

TS Khuyến cho hay, tín hiệu vui cho việc xóa bỏ phân biệt bằng cấp hệ tại chức và hệ chính quy là các trường đại học đang triển khai đào tạo tín chỉ. Đây chính là tiền đề cho việc xóa bỏ này, chỉ khác nhau là hệ tại chức học ít chương trình hơn, ít thời gian hơn hệ tập trung.

Tuy nhiên, TS Khuyến băn khoăn đặt câu hỏi, nếu Bộ GD& ĐT quyết tâm đưa quy định công nhận bằng cấp của 2 hệ đào tạo này vào dự thảo Luật Giáo dục đại học thì có cho sinh viên 2 hệ này vào học cùng nhau không? Bộ chỉ đạo và giám sát như thế nào? Các trường xây dựng chất lượng chuẩn đầu ra ra sao?, Bộ đã làm những gì để công nhận văn bằng 2 hệ này trên cùng một chuẩn chưa? ...

"Hiện nay, Bộ mới kiểm định theo trường chứ chưa kiểm định theo chương trình. Do đó, Bộ có quyết tâm xóa bỏ phân biệt 2 hệ đào tạo này cũng khó khả thi vì ngay quy định vừa học vừa làm của Bộ hiện nay cũng không ổn" - TS Khuyến bày tỏ quan điểm.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Hữu Lập nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho hay, tôi nghĩ đề xuất này của Bộ cũng chỉ là mong muốn chất lượng hệ đào tạo tại chức bằng đào tạo chính quy nhưng hiện nay 2 hình thức đào tạo này rất khác xa nhau như chất lượng đầu vào, thời gian học tập, hình thức học tập… nhà trường khó quản lý.

Theo PGS.TS Lập, thực tế để triển khai yêu cầu này rất khó, phải có thời gian dài đầu tư.

Mặc dù, các cơ quan quản lý có đưa ra biện pháp thanh kiểm tra thì cũng chỉ là hình thức bởi vì 2 đối tượng học 2 hệ này khác nhau nên không thể quy định văn bằng như nhau được.

"Nếu quy định này đưa vào Luật GD đại học sắp tới, tôi thấy không khả thi và không nên đưa vào vì Luật giáo dục cũng liên tục điều chỉnh. Bây giờ trách nhiệm của cơ quan quản lý và của các trường là nâng cao chất lượng của vừa học vừa làm lên và nâng cao ý thức của người học. Khi chất lượng hệ tại chức như hệ chính quy, lúc đó đã chín muồi thì việc công nhận 2 hệ này cùng một chuẩn văn bằng sẽ không bất hợp lý như hiện nay" - PGS.TS Lập nhấn mạnh.

Hồng Hạnh