1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đường tới nhà giam của cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak

(Dân trí) - Trước khi bị đưa tới nhà giam ở Seoul, cựu Tổng thống Lee Myung-bak đã trải qua nhiệm kỳ tổng thống gây nhiều tranh cãi liên quan tới hàng loạt nghi vấn tham nhũng, biển thủ công quỹ và phớt lờ an ninh quốc gia.

Cựu Tổng thống Lee My-ung bak rời Văn phòng công tố trung tâm Seoul sau khi bị triệu tập thẩm vấn hôm 15/3 (Ảnh: AP)
Cựu Tổng thống Lee My-ung bak rời Văn phòng công tố trung tâm Seoul sau khi bị triệu tập thẩm vấn hôm 15/3 (Ảnh: AP)

Vào đêm 22/3, cựu Tổng thống Lee Myung-bak bị đưa tới nhà giam sau lệnh bắt giữ khẩn cấp của tòa án Seoul. Ông Lee đối mặt với hàng loạt cáo buộc gồm nhận hối lộ, trốn thuế, tham ô, biển thủ công quỹ. Tuy nhiên, điều khiến những người ủng hộ cựu tổng thống Hàn Quốc thất vọng hơn cả là cáo buộc ông lạm dụng quyền lực, đánh đổi an ninh quốc phòng lấy lợi ích cá nhân trong những năm cầm quyền. Đặc biệt sau khi đương kim Tổng thống Moon Jae-in phát động chiến dịch “nhổ tận gốc nạn tham nhũng kéo dài” tại Hàn Quốc, những cáo buộc tham nhũng nhằm vào cựu Tổng thống Lee Myung-bak càng được chú ý nhiều hơn.

Cuộc điều tra của các công tố viên nhằm vào cựu Tổng thống Lee Myung-bak tập trung vào cáo buộc ông nhận hối lộ và tham ô, bao gồm khoản tiền 11 tỷ won (khoảng 10 triệu USD) từ cơ quan tình báo và các tập đoàn kinh tế cũng như các công ty tư nhân để thành lập các “quỹ đen” với tổng giá trị lên tới 35 tỷ won. Các nhà phân tích chính trị dự đoán cuộc điều tra có thể sẽ mở rộng ra để làm rõ những nghi vấn liên quan tới các dự án về xây dựng, năng lượng cũng như các lĩnh vực khác trong nhiệm kỳ 5 năm, từ 2008-2013, của ông Lee Myung-bak.

“Ông Lee khó có thể giành phần thắng trước tòa do quá trình truy tố đã được chuẩn bị trong nhiều tháng, bao gồm việc thu thập các chứng cứ chắc chắn cũng như những lời khai chống lại ông ấy. Điều này sẽ tạo đà để các công tố viên đào sâu những cáo buộc liên quan tới ông Lee”, Shin Yul, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Myongji, cho biết.

Hàng loạt nghi vấn

Cựu Tổng thống Lee Myung-bak bắt tay nhà lãnh đạo UAE Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan (Ảnh: Korea.net)
Cựu Tổng thống Lee Myung-bak bắt tay nhà lãnh đạo UAE Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan (Ảnh: Korea.net)

Thỏa thuận quân sự

Chính quyền của cựu Tổng thống Lee Myung-bak đã thắng thầu 18,6 tỷ USD để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) vào năm 2009 và sự kiện này từng được đánh giá là một trong những thành tựu lớn nhất của ông Lee.

Tuy nhiên, theo Diplomat, để có thể thắng gói thầu “khủng” này, cựu Tổng thống Lee Myung-bak bị nghi ngờ từng ký một thỏa thuận quân sự bí mật với UAE. Thỏa thuận này dường như được ký mà không có sự phê chuẩn của Quốc hội Hàn Quốc và vi phạm các quy định của luật pháp. Theo thỏa thuận, Hàn Quốc được cho là sẽ phải can thiệp để hỗ trợ UAE trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự, trong đó Seoul không chỉ cung cấp trang thiết bị quân sự, mà còn phải đưa quân tới bảo vệ UAE.

Sự tồn tại của thỏa thuận liên minh quân sự theo kiểu khế ước trên đã được cựu Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời cựu Tổng thống Lee Myung-bak xác nhận gần đây, khiến nhiều người dân Hàn Quốc tức giận. Nếu thông tin này là chính xác, thỏa thuận quân sự trên sẽ đặt ra cho Hàn Quốc rất nhiều rủi ro nếu xét đến các cuộc xung đột nghiêm trọng ở khu vực Trung Đông.

Tập đoàn kinh tế

Một cáo buộc khác cũng đã được đưa ra liên quan tới mối quan hệ bí mật giữa cựu Tổng thống Lee Myung-bak và các tập đoàn kinh tế. Chẳng hạn, Lotte Group, tập đoàn bán lẻ khổng lồ tại Hàn Quốc, từ lâu đã mong muốn xây dựng một tòa nhà chọc trời ở thủ đô Seoul. Tuy nhiên do công trình này nằm trên đường bay của các máy bay chiến đấu cất và hạ cánh xuống căn cứ không quân Seongnam nên Không quân Hàn Quốc phản đối việc xây dựng tòa nhà Lotte.

Mặc dù theo đuổi các lập trường chính trị khác nhau, song các chính quyền Hàn Quốc tiền nhiệm luôn đứng về phía quân đội và trì hoãn giấc mơ xây tòa nhà chọc trời của Lotte trong suốt 15 năm. Tuy vậy đến thời cựu Tổng thống Lee Myung-bak, mọi chuyện đã thay đổi. Năm 2009, ông Lee cho phép xây dựng tòa nhà Lotte cao 555m ở phía nam Seoul, bất chấp mọi quan ngại về vị trí gần căn cứ quân sự cũng như các vấn đề an toàn của tòa nhà này.

Thay vì ngăn cản dự án tiềm ẩn nhiều rủi ro của Lotte, chính quyền Lee Myung-bak thậm chí còn điều chỉnh một góc của đường băng quân sự. Kể từ đó, những tin đồn về thỏa thuận “cửa sau” giữa cựu Tổng thống Lee và tập đoàn Lotte ngày càng xuất hiện nhiều. Mặc dù một cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành, song các tài liệu của chính phủ được công bố đã phần nào chứng minh tính xác thực của những tin đồn về mối quan hệ giữa cựu Tổng thống Lee và tập đoàn Lotte.

Dự án thiếu hiệu quả

Ông Lee Myung-bak (thứ hai từ trái qua) quan sát mô hình dự án Hồi phục Bốn dòng sông tại trung tâm triển lãm ở Seoul (Ảnh: Hani)
Ông Lee Myung-bak (thứ hai từ trái qua) quan sát mô hình dự án Hồi phục Bốn dòng sông tại trung tâm triển lãm ở Seoul (Ảnh: Hani)

Từ năm 2008-2012, chính quyền cựu Tổng thống Lee Myung-bak đã triển khai dự án Hồi phục Bốn dòng sông trị giá 22.000 tỷ won với mục tiêu làm sạch, giảm nguy cơ từ các trận lũ lụt hoặc hạn hán và phát triển các khu nghỉ dưỡng ven sông trên các con sông lớn của Hàn Quốc, gồm sông Hàn, Nakdong, Geum và Youngsan. Tuy nhiên, dự án này đã dẫn đến một loạt vấn đề như những vũng nước tù đọng gây ô nhiễm môi trường, phá hủy chất lượng nước, gây hại cho cá và các loại sinh vật sống dưới nước. Những người chỉ trích nói rằng việc ông Lee đưa ra một quyết định vội vàng khi thực hiện dự án này có liên quan tới những mục đích mờ ám.

Các công tố viên Hàn Quốc cũng cáo buộc cựu Tổng thống Lee Myung-bak làm tê liệt năng lực của tình báo Hàn Quốc. Ông Lee bị cáo buộc chiếm đoạt 100.000 USD từ các quỹ vốn được phân bổ cho các hoạt động liên quan tới Triều Tiên của Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc. Cựu tổng thống được cho là đã thừa nhận cáo buộc này. Ngoài ra, ông Lee cũng bị chỉ trích vì chính sách “ngoại giao năng lượng” dẫn tới việc thất thoát tài chính sau khi các công ty nhà nước dưới thời ông đưa ra những quyết định sai lầm và mua hàng loạt doanh nghiệp năng lượng nước ngoài.

Cựu Tổng thống Lee Myung-bak cho đến nay vẫn một mực phủ nhận những cáo buộc nhằm vào mình, đồng thời cho rằng cuộc điều tra nhằm vào ông mang mục đích chính trị. Tuy vậy, phần lớn người Hàn Quốc đã không còn đặt niềm tin vào cựu tổng thống khi có tới 75% người dân ủng hộ việc bắt giữ ông. Ngoại trừ đảng đối lập chính Tự do Hàn Quốc (LKP), tất cả các đảng còn lại cũng đều ủng hộ việc bắt giữ ông Lee.

“Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực để nhổ tận gốc những hành vi sai trái và đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia công bằng hơn trên cơ sở luật pháp và nguyên tắc”, lãnh đạo đảng Dân chủ cầm quyền Hàn Quốc Choo Mi-ae nói.

Cựu Tổng thống Lee Myung-bak là nhà lãnh đạo thứ 4 của Hàn Quốc bị bắt giữ. Năm ngoái, cựu Tổng thống Park Geun-hye, người kế nhiệm ông Lee Myung-bak, cũng bị phế truất. Bà Park bị tạm giam và đang trong quá trình xét xử với các cáo buộc nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và cho phép bạn thân can thiệp vào công việc quốc gia.

Thành Đạt

Theo Korea Times, Diplomat