1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội:

Thực phẩm bẩn đã tuồn cả vào siêu thị uy tín

(Dân trí) - “Hiện nay vấn đề thực phẩm bẩn đang là quốc nạn, bởi thực phẩm bẩn không chỉ xuất hiện ở chợ, ở những gánh hàng rong, mà nó đã đi vào cả các siêu thị uy tín – nơi mà rất đông người tiêu dùng gửi gắm niềm tin…”

Đây là khẳng định của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Trao đổi tại Diễn đàn “Doanh nghiệp (DN) phải làm gì trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn?” vừa được tổ chức sáng nay (4/5) tại Hà Nội.

“Ma trận” không thể phân biệt thực phẩm sạch

Theo ông Phú, hiện trong dư luận, đặc biệt là tại các đô thị lớn người tiêu dùng rất sợ mỗi khi nhắc đến thực phẩm bẩn. Nhiều gia đình phải mượn đất, trồng rau, thậm chí tự làm giá đỗ sạch để ăn. Dù các cơ quan khuyến cáo thực phẩm đa số là sạch nhưng ra chợ họ vẫn không yên tâm.

Thực phẩm tại siêu thị đã bị hư hỏng song vẫn được bày bán cho người dân (ảnh minh họa)
Thực phẩm tại siêu thị đã bị hư hỏng song vẫn được bày bán cho người dân (ảnh minh họa)

Ông Phú nhấn mạnh: “Người tiêu dùng hiện đang rơi vào “ma trận” hàng hóa và không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch. Tôi khẳng định, đây là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước và chúng ta cần phải nghiêm túc đánh giá để có những giải pháp bảo vệ người tiêu dùng. Theo tôi, vấn đề này không chỉ ảnh hưởng tới tiêu dùng nội địa mà còn ảnh hưởng tới đầu tư, du lịch.

Cũng tại diễn đàn, sau khi nghe báo cáo về hiện trạng thực phẩm bẩn đang hoành hành, các chất cấm đang được sử dụng một cách tùy tiện trong ngành chăn nuôi và có sự tiếp tay của thương lái, DN, một số nhà quản lý, người trong cuộc rất lo lắng, bất bình và kiến nghị các DN nên cùng đồng hành với cả nước để tuyên chiến với thực phẩm bẩn.

Đại diện DN thực phẩm cho hay: Bản thân nhiều DN cũng đang cho thấy họ không dám đấu tranh chống lại thực phẩm bẩn, đặc biệt là các siêu thị vì sợ ảnh hưởng kinh doanh niềm tin tiêu dùng. Các chợ hoặc cửa hàng thì càng thấy rõ điều này. Một khi DN không xem người dân là đối tượng phục vụ mà chỉ coi là đối tượng khai thác thì tất yếu khi có vấn đề phát sinh, người tiêu dùng sẽ tẩy chay ngay lập tức. Hiện trên thị trường đã có một số DN thành lập "hệ sinh thái" thực phẩm xanh, sạch, thân thiện và khỏe.... Tuy nhiên, mỗi người đi một kiểu.

"Do đó, chúng tôi cho rằng, các DN lớn, nhỏ cần phải liên kết với nhau tạo thành chuỗi cung ứng và xây dựng được “luật chơi” trong chuỗi đó. Hoặc DN có thể tự xây hệ sinh thái sản xuất và DN sản xuất cũng nên đi theo hướng đó hoặc phải liên minh lại với nhau để ra được thực phẩm sạch", ông này nói.

Theo ông Vũ Vinh Phú, "Tôi từng chứng kiến câu chuyện một bà nông dân Nhật đã dám chịu trách nhiệm đến một mớ mùi họ bán ra ở dọc đường bằng mã số riêng của họ khiến chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều bởi đó là kỷ luật thị trường và rất nhân văn của Nhật Bản mà ở Việt Nam ta chưa làm được".

Thực phẩm sạch sao nhà nhà mua thuốc thử, máy ô zôn

Cũng theo ông Phú, hiện nay, cơ chế xử phạt đối với DN, thương lái sử dụng chất cấm trong thực phẩm đã có, thậm chí rất nhiều. Tuy nhiên, thực thi chúng đang rất rối và rất nhiều cơ quan nhúng tay vào. Nếu dân ăn phải thực phẩm bẩn, có chờ được DN bồi thường thiệt hại không. Dân mua một miếng thịt bò bẩn về nhưng mới cắt một miếng ăn rồi đi viện, việc bắt đền DN, nhà cung ứng rất khó, thậm chí không thể.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục phó Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn – Bộ NN và PTNNT chia sẻ: “Chúng ta đi ra khỏi ngõ đã thấy ứng xử của người tiêu dùng với các thực phẩm rất lo sợ, những bà nội trợ cầm theo thuốc thử, rồi nhà nhà mua máy sục ô zôn. Cũng có ý kiến nói rằng truyền thông thổi phồng lên quá nhưng tôi không tán thành quan điểm này. Bản thân tôi cũng thấy lo ngại vì không biết phân biệt thực hư như thế nào”.

"Theo cá nhân tôi, thực phẩm bẩn đang là vấn nạn. Bộ NN&PTNT nhận thức vấn đề này rất sớm, chính Bộ trưởng NN&PTNN đã từng tuyên chiến vấn đề này đầu tiên ở trên diễn đàn quốc hội. Về mặt nhận thức, phải thấy cơ quan quản lý nhà nước, người dân đều thấy rõ nhưng để phân biệt thì quá khó", ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh: "Cần phải nghiêm khắc với các hành vi mang tính chất cố tình, gian dối để làm ra các sản phẩm không an toàn. Chúng tôi cũng phải nói, khi chúng ta tăng xử phạt phải đi kèm với giáo dục và tuyên truyền. Đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người thì phải xử lý nặng. Tuy nhiên cần phải có trọng tài để phân biệt rõ ràng giữa cố tình và vô tình".

Không chỉ làm hoang mang người tiêu dùng, thực phẩm bẩn, hóa chất trong chăn nuôi đã và đang khiến uy tín của nhiều thương hiệu hàng hóa, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị sụt giảm trên thế giới. Mới đây, theo thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2015, Liên minh châu Âu (EU) đã từ chối 21 sản phẩm đến từ Việt Nam, 17 sản phẩm phải ngừng xuất khẩu để làm rõ thông tin chất lượng.

Năm 2014, Việt Nam cũng có tới 130 sản phẩm không được phép xuất khẩu trực tiếp vào EU; 51 lô hàng bị phát hiện chứa hóa chất, kháng sinh quá cao, tăng gấp 7 lần so năm 2013. Cũng từ năm 2014 – 2015 các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã tuyên bố kiểm tra nhiều mặt hàng xuất khẩu có thương hiệu từ Việt Nam như tôm và cá tra vì nghi ngờ có dư lượng thuốc kháng sinh vượt ngưỡng cho phép tồn dư trong sản phẩm vào thị trường này.

Nguyễn Tuyền

Thực phẩm bẩn đã tuồn cả vào siêu thị uy tín - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm