TPHCM:

Truy quét thực phẩm bẩn trong mùa cao điểm ngộ độc

(Dân trí) - Bên cạnh tình trạng thực phẩm bị sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, thời điểm nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn gây hại cho người sử dụng. Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thành phố đã triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm.

Ngày 20/4, trao đổi với phóng viên BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, TPHCM cho hay, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố đã xảy ra 5 vụ ngộ độc tập thể khiến hơn 160 nạn nhân phải nhập viện cấp cứu.

5 vụ ngộ độc đã xảy ra trên địa bàn thành phố trong 3 tháng đầu năm
5 vụ ngộ độc đã xảy ra trên địa bàn thành phố trong 3 tháng đầu năm

Phân tích chuyên môn của BS Huỳnh Mai chỉ ra, trong bối cảnh thịt cá bị lạm dụng chất cấm, rau củ quả lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng thì vấn nạn ngộ độc luôn rình rập người tiêu dùng. Hiểm họa từ thực phẩm bẩn sẽ trở nên nguy hiểm hơn trong mùa cao điểm nắng nóng bởi thời tiết oi bức, việc bảo quản thực phẩm sẽ rất khó khăn, từ thực phẩm chưa chế biến lẫn thức ăn đã chế biến đều rất dễ bị nhiễm vi sinh, nấm mốc độc hại. Khi yếu tố từ thời tiết tác động kép với nguồn thực phẩm kém chất lượng sẽ gia tăng nguy cơ ngộ độc cho người sử dụng.

Trước tình trạng trên, UBND thành phố đã phát động tháng hành động vì an toàn thực phẩm (từ ngày 15/4 đến ngày 15/5). Buổi lễ phát động chính thức diễn ra ngày 20/4 tại huyện Củ Chi với mục tiêu “tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”.

Theo BS Huỳnh Mai, thời gian qua, dù các đơn vị quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm đã có nhiều chương trình, hành động nhằm nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm cũng như bảo đảm an toàn thực phẩm song thực tế nguồn thực phẩm không an toàn vẫn lưu thông trên thị trường.

Chất lượng thực phẩm đang trở thành nỗi lo chung của người tiêu dùng
Chất lượng thực phẩm đang trở thành nỗi lo chung của người tiêu dùng

Nhiều vụ việc được phát hiện gần đây như chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, sử dụng kháng sinh, sử dụng chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ quy trình, chất phụ gia trong thực phẩm… vẫn còn xuất hiện ở các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm. Những vấn đề trên nếu không giải quyết triệt để không chỉ làm khủng hoảng niềm tin ở người tiêu dùng mà còn gây ra nhiều hiểm họa đối với sức khỏe cộng đồng.

UBND thành phố đã yêu cầu ngành y tế giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm của người dân bằng hành động xử lý nghiêm các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Kiểm soát chặt chẽ để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thịt heo, thịt gà, thủy sản, rau củ quả… tồn dư hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật không để nguồn thực phẩm bẩn vô tình hoặc cố ý len lỏi vào mâm cơm của người dân. Bên cạnh đó, ngành y tế và chính quyền cơ sở các cấp phải đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Để thực hiện mục tiêu trên, trước mắt thành phố chỉ đạo chính quyền cơ sở các cấp vào cuộc xử lý các sai phạm về thực phẩm, vận động người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng sử dụng thực phẩm sạch. Công tác an toàn thực phẩm sẽ được kiểm soát chặt chẽ từ nguồn nông sản thực phẩm tại TPHCM và các tỉnh thành vận chuyển về thành phố tiêu thụ qua 3 chợ đầu mối và trạm kiểm dịch tại các cửa ngõ. Công tác thanh tra, hậu kiểm cũng sẽ được các đoàn liên ngành và chuyên ngành thực hiện tại những cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể.

Thịt heo vận chuyển trái phép vào thành phố bị tịch thu, xử lý
Thịt heo vận chuyển trái phép vào thành phố bị tịch thu, xử lý

Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, tại cuộc họp giữa UBND thành phố và Bộ Y tế cùng các ban ngành (ngày 6/3) ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy, TPHCM khẳng định sẽ giao toàn bộ trách nhiệm về vấn đề an toàn thực phẩm cho Sở Y tế thành phố. Bí thư Thăng khẳng định thành phố sẽ đề xuất cơ chế riêng, thực hiện thí điểm nhằm tránh thực trạng quản lý chồng chéo về an toàn thực phẩm giữa ngành Nông nghiệp - Công thương – Y tế chấm dứt tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Ngày 20/4, trao đổi với phóng viên về hướng triển khai của Sở Y tế sau chỉ đạo của Bí thư Thăng, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế cho hay, sở đang từng bước triển khai các kế hoạch để kiểm soát chặt chẽ hơn các vấn đề liên quan đến chất lượng an toàn thực phẩm. Chỉ đạo của Bí thư Thành ủy là một chủ trương đúng, bởi mỗi vấn đề cụ thể thì nên giao cho một đơn vị chịu trách nhiệm thực thi để đảm bảo tính hiệu quả. Cũng theo BS Hưng, hiện thành phố đang xúc tiến việc thành lập một đơn vị trực thuộc UBND làm công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vân Sơn