Bạn đọc viết
"Đấu tranh, tránh đâu” với thực phẩm bẩn
Lời cam kết “Sẽ kiểm soát được cơ bản các chất cấm trong nông nghiệp từ nay đến tháng 7/2016”, và, “Từ giờ đến cuối năm 2016 sẽ căn bản kiểm soát việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và việc buôn lậu thuốc BVTV qua biên giới” của Bộ trưởng Cao Đức Phát mới chỉ thể hiện sự quyết tâm và thái độ cầu thị của ông, nhưng lại rất dễ trở thành thiếu tính khả thi
Tôi đã từng có vài năm tìm hiểu và tổ chức sản xuất cho dự án rau an toàn ở Việt Nam (cách đây gần 5 năm), nhận thấy vấn đề rau bẩn là một thực tế rất nhức nhối, thậm chí các cơ quan quản lý, truyền thông đến giờ mới vào cuộc đấu tranh quyết liệt là hơi muộn vì hiện tượng sử dụng bừa bãi hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất, bảo quản nông sản thực phẩm đã bắt đầu rộ lên từ 6-7 năm nay.
Tại nhiều khu vực sản xuất rau, người dân trồng riêng ra cho gia đình mình ăn, đó là một thực tế. Điều khó khăn nhất là người sản xuất không chỉ sử dụng các hóa chất, thuốc BVTV được phép sử dụng hạn chế hoặc bị cấm sử dụng theo danh mục của Bộ NN&PTNT, mà còn sử dụng các chất được bán trôi nổi trên thị trường. Các chất này là hàng tiểu ngạch, chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, không có nhãn mác và hướng dẫn sử dụng mà chỉ có chỉ dẫn truyền miệng, có tác dụng kích thích tăng trưởng mạnh hoặc phòng, diệt sâu hại rất tốt (chắc chắn độc tính cao và thời gian tồn lưu khá dài). Các phân tích, đánh giá của cơ quan chức năng, có khi, cũng chỉ mới tập trung tiến hành quản lý được với những hóa chất, thuốc BVTV theo danh mục cấm hoặc cho phép sử dụng hạn chế do Bộ NN&PTNT ban hành. Cho nên, những lời cam kết “Sẽ kiểm soát được cơ bản các chất cấm trong nông nghiệp từ nay đến tháng 7/2016”, và, “Từ giờ đến cuối năm 2016 sẽ căn bản kiểm soát việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và việc buôn lậu thuốc BVTV qua biên giới” của Bộ trưởng Cao Đức Phát trong buổi làm việc với báo Lao Động ngày 3/4/2016 (sau “sự cố phát ngôn” trên diễn đàn Quốc hội) mới chỉ thể hiện sự quyết tâm và thái độ cầu thị của ông, điều đó đáng ghi nhận, nhưng lại rất dễ trở thành những lời hứa thiếu tính khả thi. Bởi lẽ, do đặc thù sản xuất tại Việt Nam hiện nay nên vấn đề này rất phức tạp. Và liên quan đến việc ngăn chặn hàng lậu qua biên giới cần có nhiều bộ, ban ngành cùng vào cuộc quyết liệt mới mong kiểm soát được (cần lộ trình) chứ riêng bộ NN&PTNT thì không thể cam kết.
Với đặc thù sản xuất manh mún, chưa chuyên nghiệp của nông nghiệp Việt Nam hiện nay, việc kiểm soát tình hình ATVSTP trong quá trình sản xuất và các sản phẩm đầu ra nói chung là hết sức khó khăn. Vấn đề đến cả từ người sản xuất, chế biến, kinh doanh lẫn các nhà quản lý với vô vàn các “chiêu trò, mánh khóe” chứ không hề đơn giản. Nay nhà nước đã có một hệ thống chế tài đủ mạnh, truyền thông và các cơ quan, đoàn thể, người tiêu dùng,... cần chung tay đấu tranh với thực phẩm bẩn mới mong tạo được hiệu ứng, đạt được một hiệu quả mong muốn nhất định. Đây là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, khi nhận thức của cộng đồng được nâng lên, cùng với sự thay đổi cơ cấu sản xuất theo hướng tập trung hóa, thị trường hóa, sẽ đẩy lùi dần những thói quen, nếp nghĩ, lối hành xử kiểu tiểu nông thiếu lành mạnh trong sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao khả năng kiểm soát vấn đề ATVSTP một cách hiệu quả và bền vững hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh việc lên án các hình thức sản xuất, bảo quản, kinh doanh không đảm bảo an toànATVSTP, các đơn vị truyền thông cần lưu tâm đưa tin khách quan. Đồng thời, đưa thêm thông tin về những mô hình sản xuất lành mạnh, các sản phẩm đạt yêu cầu an toàn VSTP để tránh gây hoang mang thái quá cho người tiêu dùng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những hình thức sản xuất chân chính. Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp xuất khẩu đang là một ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta. Nếu không thận trọng, chúng ta sẽ tự làm mất uy tín của mình trên thị trường quốc tế, “gây họa” cho khu vực sản xuất và kinh doanh này.
Nguyễn Thức Tuấn