Thủ tướng: Không quy trách nhiệm lãnh đạo, khó chống thực phẩm bẩn
(Dân trí) - “Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà nước chưa làm tròn trách nhiệm. Phải làm rõ trách nhiệm cá nhân. Nếu chúng ta không quy trách nhiệm người đứng đầu thì khó thành công trong cuộc chiến chặn thực phẩm bẩn” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tấn công rượu, bia, thực phẩm chức năng
Đặt vấn đề tìm giải pháp tăng hiệu quả quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng nay, 27/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là một việc xã hội, nhân dân rất quan tâm mà trách nhiệm của nhà nước chưa làm tròn.
Theo Thủ tướng, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc thì mới giải quyết được vấn nạn mất an toàn thực phẩm hiện nay. Người dân, doanh nghiệp, nhất là người dân sản xuất, doanh nghiệp sản xuất phải nhận thức vấn đề. Thủ tướng nhấn mạnh trong rất nhiều mặt hàng thực phẩm mà người dân dùng hàng ngày phải tiến hành giám sát để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng mất an toàn.
Thủ tướng chỉ đạo, trước mắt, cần chọn mặt hàng tươi sống, trực tiếp tiêu dùng hàng ngày của nhân dân để giám sát. Trong khi chưa thể làm hết được tất cả các việc thì phải làm sao ngăn chặn có hiệu quả vấn đề ATTP cho người dân.
“Không thể một vấn đề lớn trong xã hội như vậy, ảnh trực tiếp đến nhân dân như vậy mà không ai chịu trách nhiệm. Ở xã chịu trách nhiệm ở xã, huyện chịu trách nhiệm của huyện, tỉnh và trung ương cũng vậy chứ”- Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin, đợt này, Chính phủ hướng tới chọn những “điểm nút” cụ thể để tập trung tháo gỡ như sẽ làm mạnh về nhóm hàng rượu bia, nước giải khát, thực phẩm chức năng; xử lý dứt điểm vấn đề salbutamol, dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi.
Tranh luận về vấn đề thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức bộ máy quản lý, xử lý khi để xảy ra vi phạm về an toàn thực phẩm khi vẫn nhiều ý kiến cho rằng có sự chồng lấn, dẫm chân, đùn đẩy qua lại, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, hiện nay các văn bản pháp luật đã quy định rất rõ về trách nhiệm chính của từng bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Luật vệ sinh an toàn thực phẩm mới thay vì tách quản lý theo từng khâu như Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn quản lý ở trang trại, Bộ Công thương chịu trách nhiệm khâu sản xuất, lưu thông, phân phối, Bộ Y tế đảm nhiệm phần chế biến, bếp núc, đưa tới bàn ăn, giờ mỗi Bộ, ngành chịu trách nhiệm toàn diện trên từng nhóm sản phẩm, ví dụ, mặt hàng rượu, bia, nước giải khát hoàn toàn là “sân” của Bộ Công thương.
Dù vậy, giải thích của Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vẫn chưa giúp trả lời được câu hỏi, các Bộ, ngành đều làm tốt, phối hợp tốt mà người dân vẫn phải dùng thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không đảm bảo an toàn thường xuyên; một bộ cho nhập chất cấm mà bộ ngành khác không biết, không được hỏi ý kiến, không kiểm soát được đường đi của những chất cấm đó xuống đến trang trại, lò mổ thế nào; trách nhiệm không biết quy về đâu.
Không quy trách nhiệm người đứng đầu, khó thành công!
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, nếu thực hiện nghiêm các quy định hiện hành thì tình hình cũng sẽ chuyển biến rõ nét. Bộ trưởng khuyến cáo, cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu thực phẩm; đồng thời phải quản lý chặt các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các bếp ăn tập thể,… để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm.
Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu thực phẩm sạch.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng góp ý việc tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành ở cấp Trung ương và địa phương; kiện toàn Ban Chỉ đạo ở địa phương; thông tin rộng rãi các cơ sở vi phạm; quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu các hóa chất; xử lý nghiêm các nhà sản xuất, người dân và cán bộ sai phạm; đầu tư trang thiết bị cho các trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, an toàn thực phẩm không chỉ là vấn đề giống nòi dân tộc mà còn là uy tín quốc tế của đất nước. Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, nhà nước chưa thành công trong quản lý an toàn thực phẩm. Do vậy, cần giải pháp mạnh, kiên quyết để quản lý lĩnh vực này, với sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền phải vào cuộc thì mới thành công.
“Phải làm rõ trách nhiệm cá nhân trong quản lý an toàn thực phẩm. Nếu chúng ta không quy trách nhiệm người đứng đầu thì khó thành công trong cuộc chiến chặn thực phẩm bẩn" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng quán triệt, để vi phạm xảy ra tại xã, tại huyện, tại tỉnh, thì lãnh đạo xã, huyện, tỉnh phải chịu trách nhiệm, tiếp đó là lãnh đạo các ngành phải chịu trách nhiệm. Trưởng Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm phải do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đảm nhiệm.
Thủ tướng đồng ý để lại 100% kinh phí xử phạt vi phạm hành chính cho quản lý an toàn thực phẩm địa phương.
P.Thảo