1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bình Định:

Tàu vỏ thép hư hỏng: Bộ Nông nghiệp yêu cầu khẩn cấp khắc phục

(Dân trí) - Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triên Nông thôn (NN&PTNT) đã có buổi làm việc Sở NN&PTNT Bình Định trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với ngư dân có tàu vỏ thép 67 bị hư hỏng để nắm bắt thực tế tình trạng hư hỏng của các tàu…

Bình Định: Tàu vỏ thép hư hỏng: Bộ NN&PTNT yêu cầu khẩn cấp khắc phục để ngư dân vươn khơi

Ngày 26/5, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) trưởng đoàn công tác Bộ NN&PTNT phối hợp với Sở NN-PTNT Bình Định xung quanh vấn đề tàu một số tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định đưa vào sử dụng chưa được một năm đã hư hỏng, rỉ sét.

Theo ông Oai, chuyến làm việc lần này Đoàn sẽ trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với ngư dân có tàu vỏ thép 67 bị hư hỏng để nắm bắt thực tế tình trạng hư hỏng của các tàu ra sao để xác định nguyên nhân ban đầu. Đồng thời, Đoàn sẽ làm việc với Sở về quy trình giải quyết các thủ tục hành chính giúp ngư dân vay tiền trong thời gian vừa qua có đúng quy định. Sau đó, Đoàn sẽ làm việc với các nhà máy đóng tàu như Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương để có kết luận ban đầu về nguyên nhân tàu vỏ thép hư hỏng.

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) trao đổi với báo chí.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) trao đổi với báo chí.

“Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với các nhà máy đóng tàu, Sở NN&PTNT, UBND tỉnh Bình Định cũng như ngư dân. Vấn đề cấp bách nhất hiện nay là các bên liên quan phải phối hợp với nhau để giải quyết sớm nhất các hư hỏng để vươn khơi khai thác, đảm bảo Nghị định 67 được triển khai đồng bộ có hiệu quả như mong muốn của Chính phủ. Về nguyên nhân dẫn đến tàu vỏ thép kém chất lượng và trách nhiệm các bên thì cần có thời gian kiểm tra” - ông Oai nói.

Ông Oai cho biết thêm: “Nghị định 67 là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, ngư dân đưa tàu ra khơi vừa đảm bảo sản xuất vừa khai thác tài nguyên lại vừa đảm bảo tham gia bảo vệ an ninh chủ quyền biển. Hiện nay, chúng ta đã triển khai được 379 tàu vỏ sắt, tuy nhiên chỉ có 15 tàu vỏ sắt hiện đang có vấn đề về máy và vỏ, chiếm tỷ lệ khoảng 2% trong tổng số tàu cá đóng và chiếm khoảng hơn 3% tàu vỏ sắt trục trặc. Mặc dù, đây là con số rất ít nhưng cơ quan Nhà nước vẫn phải xem xét, giải quyết thấu đáo để dân đảm bảo hoạt động”.

Cùng ngày, tại Chi cục Thủy sản Bình Định, đại diện hãng máy tàu Doosan (Hàn Quốc), ông Chulhee Jeong, trợ lý Tổng Giám đốc bộ phận bảo hành khu vực châu Á, Công ty TNHH ô tô Đông Hải, nhà cung cấp máy tàu Doosan tại Việt Nam, Công ty TNHH MTV Nam Triệu cũng đã có buổi làm việc với ngư dân là chủ những chiếc tàu vỏ thép 67 tại Bình Định lắp máy Doosan đang bị hư hỏng để tìm nguyên nhân.

ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc Cty TNHH ô tô Đông Hải, nhà phân phối độc quyền máy Doosan tại Việt Nam, đơn vị cung cấp động cơ Doosan cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu tại buổi làm việc với ngư dân.
ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc Cty TNHH ô tô Đông Hải, nhà phân phối độc quyền máy Doosan tại Việt Nam, đơn vị cung cấp động cơ Doosan cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu tại buổi làm việc với ngư dân.
Không đồng tình với cách xử lý của hãng Doosan, ngư dân Trần Đình Sơn đứng dậy phản ứng gay gắt và yêu cầu phải thay máy mới vì máy hư hỏng quá nặng
Không đồng tình với cách xử lý của hãng Doosan, ngư dân Trần Đình Sơn đứng dậy phản ứng gay gắt và yêu cầu phải thay máy mới vì máy hư hỏng quá nặng

Tại buổi làm việc, ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc Cty TNHH ô tô Đông Hải, nhà phân phối độc quyền máy Doosan tại Việt Nam, đơn vị cung cấp động cơ Doosan cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho biết, sẽ bảo hành miễn phí các lỗi hư hỏng máy tàu trong thời gian sớm nhất để cho ngư dân vươn khơi.

Tuy nhiên, ông Hải cũng liệt kê một số “bệnh” khi kiểm tra thực tế các tàu. “Tàu BĐ 9956TS của anh Lê Văn Mỵ (Cát Khánh, Phù Cát) có dấu vết cải tạo máy. Nước làm mát bị chích ra phục vụ mục đích khác. Tàu anh Ngô Lê Hát cạn nước làm mát, máy điện có nước, táp lô điện bị tháo ra, buộc bằng dây thừng tạm bợ…”- ông Hải liệt kê.

Trong khi đó, các chủ tàu phản ứng ra mặt với cách giải quyết của ông Hải, nên giữa hai bên có màn “tranh cãi” nảy lửa khiến buổi làm việc không đạt như kết quả như mong đợi.

Ông Bùi Hữu Hùng - Phó Tổng Gám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho biết: “Mục đích ban đầu của chúng tôi là để cho người trực tiếp vận hành máy tàu Doosan (ngư dân) được gặp gỡ chuyên gia Hàn Quốc để 2 bên trao đổi trong quá trình sử dụng máy có thắc mắc về kỹ thuật thì trao đổi để chuyên gia giải đáp, nhưng kết quả không thành công mà chỉ là sự bức xúc xảy ra giữa ngư dân và nhà phân phối”.

Doãn Công