Bình Định:
Vụ tàu vỏ thép hư hỏng: “Ngư dân phải là người giám sát chính”
(Dân trí) - "Đây là trách nhiệm chung, trong đó có trách nhiệm của ngư dân là chủ tàu. Bởi ngư dân chính là chủ khoản nợ vay của ngân hàng để đóng tàu nên phải là bên giám sát chính. Nếu chủ tàu giao hết trách nhiệm giám sát cho cơ sở đóng tàu là sai, là thiếu trách nhiệm".
Đó là quan điểm của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám khi nói về vấn đề tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ ở tỉnh Bình Định và Phú Yên vừa hạ thủy không lâu đã bị rỉ sét, hư hỏng.
Xem xét trách nhiệm các bên
Sau hàng loạt cơ quan thông tấn báo chí, trong đó có báo Dân trí phản ánh về tình trạng nhiều con tàu vỏ thép đóng theo Nghị định (NĐ) 67 của Chính phủ vừa hạ thủy hoạt động chưa được bao lâu đã rỉ sét, hư hỏng, Bộ NN&PTNT đã cử đoàn công tác vào tỉnh Bình Định kiểm tra vụ việc; đồng thời Bộ này sẽ xem xét trách nhiệm của từng bên liên quan.
Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, NĐ 67 của Chính phủ là chủ trương rất đúng đắn nhằm hiện đại hóa lực lượng tàu cá để ngư dân hiện thực hóa ước mơ được sở hữu con tàu công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, bám biển dài ngày và hiệu quả đánh bắt được nâng cao. Thực tế cho thấy, ở những địa phương có nghề biển, nhiều tàu vỏ thép đã hạ thủy và hoạt động rất hiệu quả.
Tuy nhiên, tại Bình Định và Phú Yên nhiều tàu vỏ thép vừa đóng xong đã rỉ sét, hư hỏng khiến ngư dân bức xúc, đây là sự cố đáng tiếc.
“Ngay sau báo chí có thông phản ánh, Bộ NN&PTNT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường rà soát lại các cơ sở đóng tàu, đánh giá lại năng lực các cơ sở có đủ điều kiện theo quy định hay không, Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm về việc công nhận các cơ sở đóng tàu đủ điều kiện” - Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho hay.
Riêng đối với tỉnh Bình Định, Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định và các tỉnh có cơ sở đóng tàu theo NĐ 67 nhanh chóng kiểm ra, rà soát lại từng công đoạn và có báo cáo cụ thể. Bộ cũng đã cử đoàn công tác phối hợp với UBND tỉnh Bình Định kiểm tra từng con tàu để có đánh giá sát thực tế.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng: Có thể cơ sở đóng tàu đã hội đủ điều kiện theo quy định, nhưng chưa hẳn đảm bảo đóng tàu vỏ thép đúng chất lượng nên vấn đề này cần được kiểm tra kỹ lưỡng.
“Bộ NN&PTNT sẽ kiểm tra toàn bộ những mối liên quan trong bản hợp đồng giữa các chủ tàu và cơ sở đóng tàu. Việc giám sát xuyên suốt trong quá trình đóng tàu thế nào, trong đó trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm ra sao, phải rạch ròi trách nhiệm của mỗi bên liên quan. Đối với cơ sở đóng tàu, ngoài trách nhiệm cam kết với chủ đầu tư (chủ tàu) về chất lượng của con tàu đúng theo yêu cầu thiết kế kỹ thuật theo quy định của Nhà nước, còn có trách nhiệm đảm bảo con tàu vận hành như thế nào, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật ra sao, bồi dưỡng cho chủ tàu và thuyền viên từng vị trí để vận hành con tàu đã thực hiện đầy đủ chưa…?”- Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho hay.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, sau khi kiểm tra chi tiết những tàu vỏ thép hư hỏng, Bộ NN-PTNT sẽ phân định trách nhiệm của các cơ sở đóng tàu đến đâu, trách nhiệm của chủ tàu. Đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm trong việc này như thế nào. Đối với các địa phương có cơ sở đóng tàu, nếu chưa đủ điều kiện theo quy định mà ngành chức năng công bố đủ điều kiện để ngư dân lựa chọn đóng tàu cũng sẽ có trách nhiệm.
Ngư dân phải là bên giám sát chính
Theo Sở NN&PTNT Bình Định, qua kiểm tra 3 tàu vỏ thép do công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng thì tất cả đều có tình trạng thân vỏ tàu, trạng thiết bị đều bị rỉ sét, hư hỏng và xuống cấp trầm trọng, máy tàu hiệu Mitsubishi bị hư hỏng. Trong khi đó, 20 tàu vỏ thép do công ty TNHH MTV Nam Triệu, qua kiểm tra 4 tàu có đơn kiến nghị cho thấy, thân vỏ một số tàu bị rỉ sét, hàu bám nhiều; máy chính Mitsubishi đều bị sự cố và hư hỏng; máy phát điện bị hư hỏng hoặc hoạt động không tốt; hầm bảo quản không giữ được lạnh… Hiện nay, 2 cơ sở đóng tàu trên đã làm việc với các chủ tàu và thống nhất việc khắc phục, sửa chữa tàu.
Tại các buổi làm việc và đối thoại với các chủ tàu, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tàu vỏ thép vừa hạ thủy đã rỉ sét, hư hỏng có nguyên nhân được cho là do ngư dân không thuê đơn vị tư vấn giám sát?.
Ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (56 tuổi, trú ở thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định) cho biết: “Tôi hợp đồng với đơn vị đóng tàu là Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng chiếc tàu cá vỏ thép với tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng hành nghề lưới vây. Trong thời gian tham gia giám sát việc đóng tàu tôi nhận thấy con tàu thiết kế không phù hợp, mình góp ý nhưng họ không nghe. Họ bảo rằng, ngư dân chúng tôi chỉ được góp ý sửa chữa những phần trên boong tàu, phần khoang tàu nhà máy cứ căn cứ vào bản thiết kế mà làm. Theo thiết kế dùng thép Hàn Quốc đóng tàu nhưng công ty lại dùng thép Trung Quốc. Bây giờ tàu mới đóng đã rỉ sét, hư hỏng”.
Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng: "Đây là trách nhiệm chung, trong đó có trách nhiệm của ngư dân là chủ tàu. Bởi ngư dân chính là chủ khoản nợ vay của ngân hàng để đóng tàu nên phải là bên giám sát chính. Nếu chủ tàu giao hết trách nhiệm giám sát cho cơ sở đóng tàu là sai, là thiếu trách nhiệm".
“Sự cố nhiều tàu vỏ thép ở Bình Định vừa qua vừa hạ thủy đã bị hư hỏng cho thấy lỗ hổng của ngư dân trong công tác giám sát. Nếu ngư dân vì ở quá xa cơ sở đóng tàu và thiếu kinh nghiệm giám sát thì phải thuê 1 đơn vị tư vấn chịu trách nhiệm giám sát. Nếu làm được việc này chưa chắc xảy ra sự cố vừa qua. Cũng có trường hợp ngư dân quá tin vào đơn vị trung gian nên mới lâm cảnh tiền mất tật mang. Đây là bài học sâu sắc để giúp chúng ta hoàn thiện hơn trong thực hiện đóng tàu vỏ thép theo NĐ 67/CP của Chính phủ trong thời gian tới”- Thứ trưởng nhận định.
Doãn Công