Doanh nghiệp ô tô Indonesia khuyên Việt Nam nên học Thái Lan về nội địa hoá

(Dân trí) - Trong khu vực, Thái Lan có hơn 2.000 nhà cung ứng linh phụ kiện cho ô tô, trong khi đó Việt Nam hiện chỉ có khoảng 700 - 800 nhà cung ứng. Chúng tôi đã học tập mô hình của Thái Lan để xây dựng ngành công nghiệp ô tô cho mình và đã thành công.

Đây là chia sẻ của ông Widjanarko Koko, Giám đốc phụ trách thương mại của Toyota Indonesia tại Hội nghị hợp tác giữa doanh nghiệp (DN) Indonesia và Việt Nam về công nghiệp hỗ trợ ô tô, xe máy tại Hà Nội sáng nay (2/6).

Việt Nam nên học Thái Lan về nội địa hoá

Sang Việt Nam với đội ngũ doanh nhân, DN đông đảo, các nhà cung ứng phụ trợ, các DN xe hơi hàng đầu của Indonesia đã chia sẻ những bí quyết kinh nghiệm để phát triển thành công ngành sản xuất, lắp ráp xe hơi của mình khi cùng được các tập đoàn xe hơi lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư.

Các DN xe hơi Indonesia chia sẻ bí quyết thành công nội địa hoá ô tô và chống lại thuế nhập khẩu giảm về 0%
Các DN xe hơi Indonesia chia sẻ bí quyết thành công nội địa hoá ô tô và chống lại thuế nhập khẩu giảm về 0%

Ông Koko cho rằng: Tình cảnh của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hơi và các nhà cung cấp linh phụ kiện ô tô Việt Nam giống như Indonesia trong 10 năm trước khi Indonesia loại bỏ thuế nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc (CBU) về 0%, lượng xe nhập khẩu về khá mạnh thêm 5% đến 10% lượng tiêu thụ.

Trước tình cảnh đó, các hãng ô tô Indonesia phải tìm mọi cách để liên kết với Toyota tại Thái Lan, Việt Nam, để chọn mua các linh phụ kiện từ các nhà cung ứng nhằm giảm tối đa chi phí, cạnh tranh với các xe nhập khẩu khác.

"Ngành công nghiệp ô tô của Indonesia thành công hôm nay là nhờ chúng tôi học từ Thái Lan, nước này có hơn 2.000 nhà cung ứng lớn. Tại Việt Nam, các bạn chỉ có hơn 800 nhà cung cấp, như vậy làm thế nào để nội địa hoá tốt hơn. Có lẽ để thành công, Việt Nam cũng nên học Thái Lan để xây dựng các kênh cung ứng linh kiện và làm tốt hơn vấn đề này", ông Koko nói.

Theo ông Koko: "Trước kia khi còn thuế nhập ô tô CBU, chúng tôi nhập rất nhiều linh kiện từ Nhật, nhưng bỏ thuế, chỉ những bộ phận quan trọng mới được nhập từ Nhật, còn các linh kiện đơn giản đều được nội địa hoá hoặc nhập từ các nước ASEAN. Cách làm này khiến Toyota đang xây dựng mạng lưới Logistics rộng lớn trong toàn bộ ASEAN.

Theo đại diện Công ty Astra Toto Parts, đơn vị cung ứng phụ kiện lớn cho các DN ô tô Indonesia: Ngành công nghiệp phụ trợ Indonesia phát triển do đòi hỏi của DN chứ không phải từ định hướng chính sách, của Nhà nước.

Chính phủ Indonesia không có chính sách nội địa hoá ô tô

"Ngành ô tô Indonesia trước đây không được hỗ trợ của Nhà nước về phát triển phụ trợ. Chính phủ Indonesia cũng không có chính sách nội địa hoá ô tô mà việc nội địa hoá ô tô là đòi hỏi từ thực tế của các DN ô tô trong nước và từ cuộc chiến về giá. Điều này bắt buộc chúng tôi phải nội địa hoá nhanh chóng bởi nếu không sẽ không thể cạnh tranh được", vị đại diện của Astra Toto Parts nói.

Cũng tại Hội thảo, đại sứ Indonesia tại Việt Nam thông tin về giá xe xanh - xe sử dụng nhiên liệu hỗn hợp điện - xăng (hybrid) tại nước này có giá chỉ 250 triệu đồng - mức giá rất rẻ so với các loại xe ô tô điện, xe hybrid tại Việt Nam.

Theo đại diện nhà phát triển xe Hybrid lớn nhất Indonesia là Công ty Toyota Indonesia: Thị trường cho xe Hybrid tại Indonesia thuận lợi hơn Việt Nam bởi cơ sở hạ tầng ở đây hoàn thiện hơn. Các trạm bơm xăng sinh học, nạp điện được đầu tư hoàn chỉnh, các sắc thuế đối với dòng xe xanh tại đây được hỗ trợ tối đa và mục tiêu thời gian tới xe xanh của Indonesia sẽ trở thành dòng xe chiến lược cho xuất khẩu.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm