Ô tô Việt vẫn nuôi giấc mơ xuất ngoại
Các mẫu ô tô do doanh nghiệp Việt sản xuất, lắp ráp có thể tận dụng thuế về 0% để xuất khẩu.
Từ đầu năm tới, thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN vào Việt Nam sẽ về mức 0%. Khi đó xe lắp ráp, sản xuất ở Việt Nam sẽ đắt hơn so với xe nhập khẩu. Chính vì vậy các hãng ô tô có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như Toyota, Honda… đang thu hẹp sản xuất, thay vào đó nhập khẩu xe từ các nước ASEAN về bán.
Tuy nhiên, một số công ty sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam lại đang “lội ngược dòng” khi đầu tư mạnh để xuất khẩu ô tô sang các nước ASEAN. Vậy giấc mơ xuất khẩu ô tô liệu có thành hiện thực?
Đại gia Việt muốn xuất khẩu ô tô
Mới đây, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đã khởi công xây dựng nhà máy mới sản xuất, lắp ráp ô tô mang thương hiệu Thaco Mazda tại Quảng Nam. Nhà máy có công suất 100.000 xe/năm với tổng vốn đầu tư là 12.000 tỉ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động tháng 4-2018 với định hướng xuất khẩu ô tô sang Lào, Myanmar.
Lý giải về quyết định “lội ngược dòng” này, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco, cho biết công ty đã chuẩn bị trước kế hoạch xuất khẩu từ nhiều năm nay chứ không phải là quyết định nhất thời. Hiện công ty có đủ các điều kiện, năng lực để sản xuất xe xuất khẩu. Ví dụ như công nghệ sản xuất lắp ráp ô tô hiện đại cùng 9.000 lao động là kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề và hơn 40.000 lao động của các nhà cung ứng vật tư, linh kiện phụ tùng, vận chuyển.
“Mỗi năm chúng tôi đặt mục tiêu giảm giá thành sản xuất xuống 5%, đầu tư công nghiệp phụ trợ để tăng dần tỉ lệ nội địa hóa. Với thị trường tiêu thụ ô tô Việt Nam đang tăng trưởng, có cơ hội tăng số lượng sản phẩm thì chi phí sản xuất ngày càng giảm, giá thành xe sẽ cạnh tranh hơn. Vì vậy, một số mẫu xe của công ty hoàn toàn có thể nâng tỉ lệ nội địa hóa ASEAN lên 40%, tiến đến xuất khẩu ngược sang các nước trong khu vực ASEAN” - ông Dương tự tin.
Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ bulông, ốc vít để lắp ráp, sản xuất xe. Trong ảnh: Lắp ráp ô tô tại một DN. Ảnh: QH
Không đứng ngoài cuộc, Tập đoàn Thành Công cũng đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác cùng Tập đoàn Hyundai Hàn Quốc trong việc liên doanh, mở rộng sản xuất xe du lịch Hyundai tại Việt Nam. Theo đó, Nhà máy Hyundai Thành Công đặt tại Ninh Bình với công suất 40.000 chiếc/năm sẽ chính thức đi vào hoạt động từ 2018. Tham vọng của công ty này không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu xe sang các nước trong khu vực.
“Để nâng dần tỉ lệ nội địa hóa trên 40%, một điều kiện để được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu ra các thị trường ASEAN, công ty phải liên kết với rất nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài” - đại diện Hyundai Thành Công chia sẻ.
Theo giới sản xuất, kinh doanh ô tô, việc các DN mở rộng đầu tư để xuất khẩu là “cú lội ngược dòng” mang tính lịch sử, trong bối cảnh xe nguyên chiếc nhập khẩu đang dồn dập đổ về Việt Nam. Đây cũng được xem là bước đi có nhiều mạo hiểm.
Không phải nhiệm vụ “bất khả thi”
Ngành công nghiệp ô tô Việt đang thua trên sân nhà, vậy hướng đến xuất khẩu liệu có quá viển vông? Trả lời câu hỏi này, ông Bùi Xuân Trường, đại diện Công ty Anycar Việt Nam, lạc quan cho rằng một số DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước hoàn toàn có thể tăng tỉ lệ nội địa hóa và đạt được mục tiêu xuất khẩu. Lý do là tốc độ tăng trưởng của thị trường ô tô Việt Nam khá lớn, lên tới hơn 300.000 xe/năm.
Hơn nữa, một số công ty trong nước đã đầu tư rất sâu công nghệ ô tô nhiều năm nay. Đặc biệt, Chính phủ cũng đang có những bước hỗ trợ công nghiệp ô tô, vì thế đây là cơ hội cho các công ty Việt Nam thực hiện kế hoạch xuất khẩu của mình.
Ông Trường nói: “Nếu các công ty xuất khẩu được ô tô chắc chắn sẽ tác động rất tích cực lên ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Công suất của các nhà máy càng lớn thì giá nhiều mẫu xe chắc chắn giảm, có lợi cho người tiêu dùng”.
Tuy nhiên, ông Trường cho rằng trước mắt chỉ có thể xuất khẩu sang các nước có ngành công nghiệp ô tô kém phát triển như Lào, Myanmar, Campuchia… Còn ô tô Việt khó có thể cạnh tranh với các nước có ngành công nghiệp cao hơn Việt Nam nhiều bậc như Thái Lan, Indonesia.
Bên cạnh đó, các chính sách cho ngành này như thuế, phí, hạ tầng... cần ổn định chứ không phải thay đổi xoành xoạch. Có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi để các DN yên tâm đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết trong giai đoạn trước mắt, công nghiệp ô tô Việt Nam cố gắng tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu của các thương hiệu hiện có. Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ các DN có sản lượng lớn tại Việt Nam; thu hút đầu tư và hỗ trợ sản xuất có định hướng vào thị trường “ngách”, các hãng xe, dòng xe chưa có cơ sở sản xuất lớn tại thị trường ASEAN.
20 năm giấc mơ còn dang dở
Dù đã nhận được nhiều ưu đãi, bảo hộ nhưng đến nay đã hơn 20 năm trôi qua, giấc mơ về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chưa thành hiện thực. Bộ Công Thương thừa nhận ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hoàn toàn không đạt được mục tiêu đề ra theo cam kết của DN khi đầu tư vào Việt Nam.
Cụ thể, mục tiêu đề ra đối với xe đến chín chỗ ngồi phải đạt tỉ lệ nội địa hóa là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010 nhưng đến nay mới đạt bình quân 7%-10%. Không chỉ vậy, chất lượng xe mặc dù có cải tiến nhưng không bằng xe nhập khẩu, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.
Sản xuất ô tô mới dừng ở mức độ lắp ráp đơn giản với bốn công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra. Thậm chí hầu như Việt Nam phải nhập khẩu từ bulông, ốc vít để lắp ráp, sản xuất xe...
Tuy vậy, Bộ Công Thương cho rằng với dân số gần 100 triệu dân, GDP bình quân đầu người và tỉ lệ dân số tầng lớp trung lưu ngày một tăng, thị trường ô tô Việt Nam được đánh giá là đang trên đà tăng trưởng tốt với tốc độ tăng bình quân hai năm gần đây đạt gần 40%. Đây là thị trường tiềm năng mà không một DN sản xuất ô tô nào có thể bỏ qua.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu đất nước 50 triệu dân đã có ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam gần 100 triệu dân quyết tâm sẽ làm được!
Theo Quang Huy
Pháp luật TPHCM