1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

“Anh cần chứng nhận VietGap thì tôi lo cho”

(Dân trí) - Chủ một doanh nghiệp cung cấp thực phẩm kể, khi lên Đà Lạt tìm nhà cung cấp thực phẩm sạch, ngỏ ý chỉ muốn tìm nguồn hàng trồng theo tiêu chuẩn VietGap, ông nhận được lời đề nghị: “Anh cần chứng nhận VietGap cho sản phẩm nào, bao nhiêu, tôi lo cho”.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Phát biểu tại Diễn đàn “Đón sóng thực phẩm sạch”, ông Lê Tư, Công ty Hồng Thanh Việt - một doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng, khách sạn ở Vũng Tàu cho biết: "Khi lên Đà Lạt tìm nguồn thực phẩm, tôi thấy thực tế thì chỉ có số ít là thực phẩm đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGap”

Theo ông Tư, khi ngỏ lời nhập hàng thì ông nhận được câu trả lời từ phía người cung cấp: "Anh cần chứng nhận VietGap thì tôi lo cho”.

“Đến giấy chứng nhận VietGap cũng mua bán được dễ dàng như vậy thì người dân, người tiêu dùng còn biết tin vào đâu”, Giám đốc Công ty Hồng Thanh Việt nói.

Do đó, ông Tư đề xuất cần có sự minh bạch về phía Nhà nước, cơ quan quản lý tới người sản xuất mới không có chuyện “lo chứng nhận VietGap”. Đồng thời, đề nghị người tiêu dùng cần có niềm tin với những nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch.

“Doanh nghiệp bán thực phẩm sạch thì người tiêu dùng không mua. Xã hội đang mất niềm tin trầm trọng, nhưng cũng cần tìm hiểu, chứ không phải nói không tin rồi ra chợ mua thực phẩm không rõ nguồn gốc”, ông Tư nói.

Cũng liên quan tới câu chuyện niềm tin, GS Nguyễn Lân Dũng cho hay: “Thực ra tôi biết nhiều nông dân đã để cho sâu ăn một ít rồi mới phun thuốc, thậm chí tôi nghe một số chị bán rau đã chủ động rắc vài con sâu lên rau và khi người ta mua xong những mớ rau ấy rồi thì người bán hàng gọi giật lại: “Em ơi, cho chị xin lại mấy con sâu”.

Đại diện phía người tiêu dùng, ca sĩ Mỹ Linh cho rằng, thực phẩm bẩn không chỉ là một vấn đề xã hội nữa mà đã thành một vấn nạn xã hội, một vấn nạn đạo đức.

“Người Việt đang giết nhau giữa những điều bình thường nhất, trong cái ăn cái uống mỗi ngày. Tôi bảo vệ được gia đình mình nhưng con tôi đến trường, chồng đi ăn tiệc, cũng đâu phải lúc nào cũng bảo vệ được trọn vẹn. Chúng tôi cùng sống trong một xã hội, không thể thu mình lại được. Đau xót cho người khác, nhưng chính mình cũng là nạn nhân”, nữ ca sĩ chia sẻ.

Câu chuyện thực phẩm bẩn gắn mác sạch, an toàn được mang ra bán cho người tiêu dùng không phải lần đầu được nhắc đến.

Ngay tại hội thảo cách đây hơn 2 tháng, ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết có hiện tượng rau củ quả “bẩn” được đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, cửa hàng… và gắn mác là an toàn. Trong năm 2015, Chi cục cũng đã tịch thu, tiêu hủy gần 12 tấn thủy hải sản đông lạnh, gần 20 tấn thịt bò, thịt lợn, thịt trâu... Trong số đó, có những lô hàng được bán ở những cửa hàng uy tín, gắn mác thực phẩm sạch nhằm đánh lừa khách hàng.

Còn TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng ban thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch - nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản, nhiều doanh nghiệp lớn cũng đang cố gắng đầu tư mở rộng chuỗi phân phối, các cửa hàng bán lẻ, nhưng việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thế nào vẫn là một ẩn số.

Theo bà Minh, người tiêu dùng vẫn rất hoang mang về các nhãn hàng này, bởi nhiều thông tin trên báo chí, mạng xã hội nói về hiện tượng đối phó, hình thức trong thực hiện cũng như việc cấp chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).

“Vấn đề bức xúc nhất hiện nay của người tiêu dùng là họ không có thông tin. Thử hỏi xã hội hiện nay có người làm ăn đàng hoàng, có đạo đức không? Có chứ! Nhưng vì nhiều lý do, họ chưa có tiếng nói, người tiêu dùng không biết họ ở đâu mà tới tìm”, bà Minh nói.

Phương Dung