Rau sạch, giấc mơ thị thành: Không thuốc, không thể trồng rau

(Dân trí) - Những bịch hạt giống được bán kèm với thuốc trừ sâu, trừ bệnh… trong điều kiện thời tiết hiện nay, người nông dân có muốn trồng rau sạch đúng nghĩa cũng khó nếu không muốn nói là bất khả thi. 99% rau tiêu thụ hàng ngày đều phải dùng thuốc. Nhưng, số rau phun thuốc có được xử lý đúng trước khi lên bàn ăn của người dùng hay không thì lại là chuyện… hên xui.

Mua giống, phải “đính kèm” thuốc

Cách chợ đầu mối rau củ quả Hóc Môn không xa, ấp Nhị Tân, Tân Thới Nhì những ngày này được phủ xanh bằng sự xuất hiện của những nhà kính trồng rau. Những khu đất ruộng, đất lầy chờ dự án mở rộng quy mô thành phố, giờ đã được khai thác triệt để bằng cách cho thuê.

“Lúc trước cứ bỏ đất hoang nhưng nay thì người đến thuê nhiều lắm”, bà Trần Hoàng Dung, một chủ đất cho biết. Nhà ở quận 10, TP.HCM, bà mua đất ruộng ở Hóc Môn đầu tư nhiều năm nay nhưng thời gian qua, bà liên tục có những hợp đồng cho thuê đất trồng rau, mang về một khoản thu “nhẹ nhàng” trong những ngày chờ giá đất lên.

Theo bà Dung, bên cạnh những người nông dân thực thụ, di cư từ các tỉnh khu vực miền Bắc như Nam Định, Thanh Hóa… vào làm rau thì những ngày qua, còn có những người trí thức, về Hóc Môn tìm đất thuê để trồng rau sạch.


Rau sạch, giấc mơ thị thành

Rau sạch, giấc mơ thị thành

Hiện nay, có hai loại hóa chất để người dân sử dụng diệt trừ sâu. Đó là loại hóa chất phun trên bề mặt của rau, củ để diệt con sâu đang sống trên lá rau hoặc quả. Loại thuốc thứ 2 là loại thuốc ngấm vào trong lá rau. Con sâu ăn phải lá rau này sẽ chết và người ăn phải lá rau này sẽ ngộ độc cấp tính hoặc ngộ độc. Thời gian cách ly sau khi phun thuốc lần cuối đến lúc bán ra thị khác nhau với từng loại thuốc trên mỗi loại cây trồng và nông sản tùy theo tốc độ phân hủy của thuốc trên cây trồng và nông sản đó. Ví dụ thời gian cách ly của thuốc Cypermethrin được quy định với rau ăn lá là 7 ngày, rau ăn quả là 3 ngày, bắp cải 14 ngày, hành lá 21 ngày.

“Không thuốc, không trồng được rau đâu!”, bà Nguyễn Thị Tuyết, nông dân trồng rau khẳng định với chúng tôi như vậy. Ba năm nay, bà cùng chồng và con trai vào TP.HCM thuê đất trồng rau, kiếm sống. Ngay đợt giống đầu tiên, cả nhà đã nếm trái đắng.

“Chỉ sau một đêm, một luống rau đã bị sâu ăn sạch. Cây trụi lá, chỉ còn trơ cọng. Đêm thứ hai là hai luống kế tiếp và tốc độ cứ thế nhân lên. Gia đình chúng tôi mất trắng cả một vườn cải chỉ sau vài đêm”, bà Tuyết nói.

Ngay đợt gieo giống thứ hai, cùng với việc mua hạt, bà Tuyết đã phải mang về những bình thuốc sâu. Giờ thì nó đã là món hàng đính kèm không thể thiếu trong mỗi đợt mua giống.

Đồng quan điểm, chị Võ Thị Mai, Ấp Nhị Tân 2 cũng khẳng định, thời tiết, tình hình sâu bệnh như hiện nay, không chỉ phải dùng liên tục thuốc trừ sâu, người nông dân còn phải dùng những loại thuốc trừ bệnh như bệnh đốm lá, úng lá… mới duy trì được năng suất. Theo chị Mai, đó là biện pháp duy nhất nếu muốn theo nghề. Cả nhà 8 anh em đều theo nghề trồng rau nhưng chỉ có chị Mai và chồng là ở TP.HCM. Các anh em còn lại làm rau ở Vũng Tàu. Mai khẳng định: “Người dân thành phố sành ăn hơn, họ không thích những rau to nên người trồng ít dùng thuốc kích thích. Ở những tỉnh nhỏ, Vũng Tàu chẳng hạn, người trồng còn dùng thuốc kích thích để có những luống rau to đẹp, người ta mới mua”.

Tùy vào lương tâm người trồng

Ghi nhận quanh các trại rau xanh, bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật chỗ nào cũng có. Thấy vẻ mặt lo lắng của chúng tôi, chị Mai đồng cảm: “Chúng tôi cũng không muốn sử dụng thuốc nhưng không có lựa chọn nào khác”.

Theo chị Mai, trước khi cắt rau ra chợ, gia đình chị luôn ngưng xịt thuốc trước một tuần để các thành phần hóa học không còn tác dụng. Tuy nhiên, đây là việc làm tùy thuộc vào ý thức của người trồng vì cũng chẳng ai kiểm tra điều đó. “Với những người quen, dặn rau ăn hay rau cho nhà dùng chúng tôi chừa đầu luống không xịt thuốc trong thời gian lâu hơn nhưng với rau bán chợ, chúng tôi không để lâu được, nhiều rủi ro mưa gió là hỏng, không bán được”, chị Mai chia sẻ.

Câu chuyện của chúng tôi dang dở vì đã đến giờ gia đình chị đưa rau ra chợ. Chị Mai bảo, từ chiều người trồng đã phải đưa rau ra chợ để đến sáng sớm hôm sau, đầu mối phân phối lại cho kịp buổi chợ sáng hôm sau. Trong một ngày dài, từ khi còn trên ruộng đến lúc vào các chợ nhỏ, để rau không héo, dập cũng là một bài toán khó. “Các chủ vựa cũng phải “xử lý” đôi chút để giữ cho rau xanh đẹp”, chị Mai nói vậy.

Dạo một vòng quanh chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, có thể thấy, lượng rau củ đổ về đây không hề nhỏ. Chị T.T.A, chủ vựa thu mua cho biết, do vị trí tương đối thuận lợi cho việc trung chuyển thời gian gần đây, người trồng đổ về Tân Thới Nhì trồng rau nhiều. Mối hàng mà chị nhận cũng chủ yếu từ đó. Do điều kiện thuận lợi nên người trồng cung cấp được nhiều loại rau quả khác nhau, từ mướp đắng, rau muống, mùng tơi, rau cải…

w3a Theo chị T.T.A, rau đưa về từ nhiều nguồn nên rất khó kiểm soát người trồng có cách ly đủ thời gian mới đưa ra chợ hay không. Từ đầu năm đến nay, cũng đã có vài lần cơ quan chức năng xuống kiểm tra dư lượng thuốc trên rau quả. “Nếu phát hiện vi phạm các chỉ tiêu, chủ hàng chúng tôi sẽ bị xử phạt và chịu chi phí xét nghiệm. Chúng tôi coi đây như chuyện hên xui chứ làm sao biết loại rau quả đó thuộc mối nào giao!”.

48 ngàn tấn rau sạch/năm

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, diện tích gieo trồng rau trên cả nước đạt 873 ngàn ha, năng suất bình quân đạt xấp xỉ 175 tạ/ha, sản lượng ước đạt 15,3 triệu tấn/năm.

TP.HCM có tổng diện tích đất nông nghiệp là 115.767,79 ha (năm 2015). Tổng số đơn vị sản xuất rau, quả trên địa bàn TP được chứng nhận VietGAP là 763 tổ chức, cá nhân, với tổng diện tích 458,46 ha; tương đương 2.161 ha diện tích gieo trồng. Sản lượng dự kiến 48.238 tấn/năm. Con số này là rất nhỏ so với lượng tiêu thụ chung của người dân thành phố.

Song Quý