"Cái chết đang rình rập trên từng mâm cơm gia đình"

(Dân trí) - "Dưới góc độ người làm y tế, có 1 câu nói rất nổi tiếng là: “Cái chết đang rình rập trên từng mâm cơm gia đình, thậm chí ngay trong từng bữa ăn của trẻ nhỏ”, Giám đốc Bệnh viện ung bướu Hưng Việt nói.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Phát biểu tại buổi Diễn đàn "Đón sóng thực phẩm sạch" diễn ra sáng nay (23/8), TS, thầy thuốc ưu tú Hoàng Đình Chân - Giám đốc Bệnh viện ung bướu Hưng Việt cho biết, đối với ngành thực phẩm, chúng ta thấy có 40/120 mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; 455/ 735 mẫu thịt gia sức, gia cầm không an toàn cho người sử dụng.

TS Chân cũng dẫn báo cáo của Cục Bảo vệ Thực vật, hơn 2.000/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán thuốc kém chất lượng; hơn 2.500/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán vi phạm quy trình chuẩn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

"Phải nói rằng đây là con số hết sức báo động nếu chúng ta không quan tâm tới thực phẩm sạch. Dưới góc độ người làm y tế, có 1 câu nói rất nổi tiếng là: “Cái chết đang rình rập trên từng mâm cơm gia đình, thậm chí ngay trong từng bữa ăn của trẻ nhỏ”, ông nói.

TS Chân cho biết: "Việc tham gia vào quản lý, sử dụng các sản phẩm sạch sẽ rất quan trọng vì điều đó quyết định tới sức khoẻ, nòi giống, tương lai của chúng ta. Bởi chỉ chưa tới 30% mắc ung thư là do kém may mắn còn lại là tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm khoảng 35%, kế đến là hút thuốc lá 30%. Trước chỉ thấy ở người già, trên 45 tuổi mắc ung thư, giờ trẻ hoá, như vậy không còn là yếu tố về tuổi tác nữa, nó liên quan rất nhiều tới yếu tố môi trường".

Đại diện phía doanh nghiệp, bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH nhấn mạnh, minh bạch là nguồn gốc của mọi vấn đề trong xã hội và là cội nguồn của bất kỳ nhà sản xuất nào.

Dẫn số liệu của Bộ Y tế, bà Thái Hương cho biết, mỗi năm Việt Nam có hơn 75.000 người chết vì ung thư, nghĩa là trung bình một ngày có 250 người chết. Bộ Y tế cũng thống kê, chỉ với 6 loại ung thư phổ biến: ung thứ vú, ung thư gan, ung thư đại tràng, ung thư khoang miệng, ung thư dạ dày, tổng chi phí trực và gián tiếp đã lên tới gần 26.000 tỷ đồng, chiếm 0,22% GDP của Việt Nam (năm 2012).

“Hàng ngày đọc những thông tin này tôi rất đau lòng. Khoa học đã chỉ ra nhiều nguyên nhân gây ung thư, một trong số đó được chỉ đích danh: đó là thực phẩm bẩn. Và chúng ta có thể giảm thiểu những nỗi đau này bằng sách sản xuất thực phẩm sạch. Nhưng nói đến thực phẩm bẩn, không chỉ có mỗi chuyện ung thư, mà quan trọng hơn là chuyện chất lượng giống nòi Việt, tầm vóc người Việt", bà Hương nói.

Nói về yếu tố minh bạch, bà Thái Hương cũng lấy dẫn chứng trong ngành sữa: "Thị trường sữa cực kỳ thiếu minh bạch. Cụ thể, sữa bột nhập về pha lại chiếm 92% thị trường sữa nước, nhưng người dân thì cứ tưởng đó là sữa tươi, tưởng đó là sữa tốt. Doanh nghiệp hám lợi, sử dụng người nông dân như cứu cánh của họ. Khi giá sữa giảm xuống 50% thì lại bảo sữa nông dân bẩn, khi giá sữa lên thì lại bảo chúng tôi có trang trại nuôi bò".

Đề cập một cách cụ thể đến đầu tư nông nghiệp, bà Thái Hương cho rằng, 3 khâu cần minh bạch là: giống, phân bón và bảo quản. Nếu thị trường thiếu minh bạch, và doanh nghiệp cũng thiếu minh bạch trong sản xuất, kinh doanh thì việc thất bại trong lĩnh vực thực phẩm sạch là điều có thể đoán trước. Ngoài ra, bà Thái Hương cũng cho rằng, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp hiện chưa hợp lý, do đó, Nhà nước cần có chính sách khích lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp..

Còn theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cho biết, nhu cầu thực phẩm sạch tăng mạnh mẽ từ người tiêu dùng Việt Nam, những cảnh báo từ chuyên gia y tế, người dân lo lắng và tìm đến thực phẩm sạch.

“Tôi hoan nghênh việc xử lý mạnh những người xử dụng chất cấm, chúng ta có hàng chục triệu hộ kinh doanh nên không thể kiểm tra hết, và đây chỉ là phần ngọn, quan trọng nhất là tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp”, ông Tuyển nhấn mạnh.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập, thách thức lớn nhất là Việt Nam không đảm bảo được tiêu chuẩn biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) để có thể tận dụng cơ hội khi các đối tác đưa thuế nhập khẩu của rất nhiều sản phẩm nông thuỷ sản của Việt Nam xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; một số ít sản phẩm còn lại có lộ trình xoá bỏ thuế quan chỉ từ 3-5 năm, một số ít trường hợp bị áp đặt hạn ngạch thuế quan.

“Trong trường hợp không đảm bảo tiêu chuẩn biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật thì cơ hội không tận dụng được và thách thức sẽ ập đến. Do đó, vấn đề cấp bách đặt ra là phải đảm bảo sản xuất nông sản, thực phẩm và tiêu dùng thực phẩm sạch. Bảo đảm nông sản – thức phẩm sạch không chỉ là yêu cầu của xuất khẩu mà quan trọng hơn là bảo đảm sức khoẻ của người dân”, ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh.

Phương Dung