Vay hàng trăm triệu để xây trường đẹp cho học trò Bahnar
(Dân trí) - “Nếu chỉ làm hết ngày để lấy tiền lương thì sẽ không bao giờ thay đổi được chất lượng học sinh vùng sâu, vùng xa được”, thầy hiệu trưởng Phạm Quốc Tuấn lý giải việc thầy “cả gan” vay hàng trăm triệu đồng để đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng trường học.
Sau khi đọc bài viết này, nhiều độc giả ngỏ ý muốn xin số điện thoại liên lạc của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Rong (xã Đăk Rong, huyện Kbang, Gia Lai) để chia sẻ, hỗ trợ nhà trường. Đáp ứng yêu cầu của độc giả, chúng tôi xin đăng tải số điện thoại của thầy hiệu trưởng Phạm Quốc Tuấn: 0163 888 1758 |
Thầy Tuấn là GV ở xã Sơn Lang liền đó được phân công về làm Hiệu trưởng Trường TH Đăk Rong, trước mắt thầy là muôn vàn khó khăn chồng chất, nhiều lúc tưởng chừng như muốn bỏ cuộc. Cơ sở hạ tầng thiếu thốn đã đành nhưng HS thì không thích đến trường, phụ huynh "bất hợp tác". Nhưng vì thương những “mầm non” nơi đây, thầy Tuấn đã không "đầu hàng" hoàn cảnh.
Già làng và trưởng thôn là người có quyền lực nhất làng, thầy Tuấn liền kết thân với cả hai. Sau đó, thầy nhờ chính quyền xã phối hợp với già làng và trưởng thôn để đưa ra một cam kết với phụ huynh, nếu ai không để con em mình đến trường thì sẽ bị cắt hết mọi hỗ trợ của Nhà nước. Khi “biên bản” được lập, tất cả các bên đều kí vào. Sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, từ đó trở đi nhiều phụ huynh không chỉ không muốn con đến trường mà còn giúp các thầy cô đưa chở con đến trường.
Nhà nghèo, nhiều em lại xa trường trong khi cha mẹ không có điều kiện để đưa đón con tới trường. Mỗi HS người dân tộc thiểu số nhà cách trường trên 3km sẽ được nhà nước hỗ trợ 460 nghìn đồng/tháng để được ăn bán trú tại trường, tuy nhiên với hoàn cảnh trên của các em thì không thể sinh hoạt theo kiểu bán trú được, chẳng lẽ chịu đầu hàng? Một cuộc họp được diễn ra, thầy Tuấn đề xuất phát động Công đoàn, mỗi GV góp 300-400 nghìn đồng để xây dựng nhà ăn cho HS, phụ huynh sẽ góp gỗ tận dụng ở trên rẫy và góp công dựng nhà ăn. Ý kiến của thầy Tuấn được tập thể tán thành.
Nếu để các em đi về trong ngày, chắc chắn chất lượng HS khó mà cải thiện, mà số lượng HS cũng sẽ bị rơi rớt dần. Không còn cách nào khác, các thầy, cô trong trường đã thống nhất lấy tiền bán trú, nuôi các em theo kiểu nội trú. Đề xuất của thầy Tuấn đã được Phòng Giáo dục huyện Kbang đồng tình, Phòng đã trích ngân sách ủng hộ trường vài chục triệu đồng xây phòng ở cho các em HS, mua chăn, màn, giường, chiếu cho các em ngủ nghỉ. Số tiền thiếu, thầy Tuấn đi vay người thân để “đắp” vào.
Có phòng học, nhà ăn, phòng ngủ cho các em nhưng thiếu nhà tắm, nơi sinh hoạt công công cộng, chỗ che mưa, che nắng cho các em… phải làm sao để các em cảm thấy ở trường thích hơn ở nhà thì các em mới muốn ở - thầy Tuấn băn khoăn. Những điều này đều có lợi cho HS sao mình không làm? Nhưng làm thì lấy tiền ở đâu đây? Sau nhiều ngày suy nghĩ, thầy Tuấn quyết định đi mua chịu nguyên vật liệu để làm. Ngoài ra, thầy tiếp tục huy động phụ huynh đóng góp gỗ tận dụng ở rẫy và đóng góp công sức, còn thầy Tuấn sẽ mua chịu ngói, xi măng, gạch, cát để làm nền và mái che, phát động trồng cây cảnh trong khuôn viên trường.
Để làm được một phòng họp, một nhà sinh hoạt cho HS, một thư viện, một phòng học, một phòng họp và một hành lang che nắng, mưa cho HS thì số tiền lên đến hàng trăm triệu. Số tiền trên đối với thầy là quá lớn, sẽ chẳng ai chịu cho thầy mua chịu nên thầy đã đứng ra vay các GV mỗi người vài ba triệu đồng, rồi bạn bè, người thân mỗi người một ít, số tiền còn lại chủ đại lý đã đồng ý cho thầy mua chịu nhưng trả lãi suất thấp. Và số nợ này tổng cộng khoảng 300 triệu đồng.
“Nếu có lợi cho HS tôi sẽ làm, tôi làm tôi sẽ chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ rằng số tiền này với một cá nhân sẽ rất lớn nhưng nếu có sự chung tay của cộng đồng thì sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Nếu mình không dám làm, cứ ngồi chờ thì chẳng biết sẽ chờ đến khi nào, trong khi học sinh thì thiếu thốn đủ bề. Tôi chỉ mong, các nhà hảo tâm sẽ quan tâm hơn đến trường chúng tôi”, thầy Tuấn chia sẻ.