Nửa đêm đi “kéo” học trò đến lớp
(Dân trí) - “Muốn tìm được các em thì phải vào nhà lúc 23h đêm may ra mới gặp, vì lúc này các em mới đi xem ti vi về. Chỉ cần nghe tiếng xe máy của thầy, cô là các em chạy đi... trốn nên đến đầu làng là chúng tôi phải tắt máy”.
Vượt quãng đường gần 200km, PV Dân trí vừa tìm về xã vùng sâu Đăk Rong để được “tận mục sở thị” công tác vận động học sinh của các giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Rong (TH Đăk Rong). Trường TH Đăk Rong có 338 học sinh, trong đó học sinh dân tộc Bahnar có 328 em. Với quan niệm, chỉ có đi rẫy mới làm no được cái bụng”, và học xong cũng chỉ để… làm rẫy, nên các bậc phụ huynh nơi đây ít quan tâm đến việc học của con em mình. Việc gieo chữ đối với giáo viên vùng sâu Đăk Rong càng thêm khó khăn bội phần, để giữ vững được con số 338 em học sinh đến lớp thường xuyên là cả một quá trình tận tụy hết mình vì sự nghiệp giáo dục của các thầy cô Trường TH Đăk Rong.
Sau khi đọc bài viết này, nhiều độc giả ngỏ ý muốn xin số điện thoại liên lạc của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Rong (xã Đăk Rong, huyện Kbang, Gia Lai) để chia sẻ, hỗ trợ nhà trường. Đáp ứng yêu cầu của độc giả, chúng tôi xin đăng tải số điện thoại của thầy hiệu trưởng Phạm Quốc Tuấn: 0163 888 1758 |
Khi chúng tôi vào đến làng Kon Trang 1, thầy Phạm Quốc Tuấn cùng đồng nghiệp liền tắt xe máy, đi bộ cả km vào làng. Chúng tôi tìm đến nhà Trưởng thôn Đinh Văn Chuân (56 tuổi) để nhờ ông cùng đến nhà em Nhuốc động viên phụ huynh tìm con về. Vào tới nhà Nhuốc, mẹ cậu bé là chị Đinh Thị Đậu (SN 1980) cho biết nói chị cũng chẳng biết con mình đang ở đâu.
Gần 11h đêm, các giáo viên phải nhờ thêm một số thanh niên trong làng tìm ở các kho lúa, các ngôi nhà khác nhưng cũng chẳng tìm thấy em Nhuốc ở đâu. Mặt các thầy, cô như buồn hẳn và dặn cha mẹ Nhuốc động viên con đến trường. Chia tay làng Kon Trang 1, chúng tôi quay lại trường. Thầy Tuấn và đồng nghiệp “nạp năng lượng” bằng mì tôm, rồi thầy một mình đi đến hai làng khác để “kéo” 2 học sinh khác đang nghỉ học về trường.
Hơn 6h sáng hôm sau, thầy Tuấn vui vẻ cho biết, cả 2 học sinh đã được thầy và đồng nghiệp chở về trường lúc 2h sáng. Sĩ số cả trường giờ chỉ thiếu mỗi mình em Nhuốc.
Khó khăn chồng chất
Không chỉ vất vả trong việc động học sinh đến lớp, mà sự nghiệp gieo chữ của giáo viên nơi đây cũng đối mặt với không ít hiểm nguy. Vào mùa mưa, đường rừng núi trơn trượt nhưng các thầy cô vẫn phải bám làng đi vận động, đưa đón học sinh. Những hôm trời mưa to, các thầy, cô vẫn phải qua những ngầm nước để đưa học sinh về trường, trong khi lũ trên cao có thể ập về lúc nào không hay…
Khó khăn nhất đối với các giáo viên nơi đây khác có lẽ là việc phụ huynh khá thờ ơ với việc học của các con. Thậm chí có những ông bố, bà mẹ thay vì đưa con đến trường thì lại mang lên rẫy không chịu về nhà khiến cho các thầy cô rất vất vả vận động.
“Các thầy, cô khổ lắm, đi vào làng miết, tuần nào cũng đi. Các thầy, cô giúp thế hệ trẻ của làng hiểu biết hơn về cái chữ, biết làm ăn hơn nhưng cha, mẹ các em lại nghĩ khác”, ông Đinh Văn Chuân - Trưởng thôn Kon Trang 1 cho biết.
Thiên Thư