Gạc Ma - “Vết sẹo” trong lòng dân Việt

Trận chiến bảo vệ đảo đá Gạc Ma (Trường Sa) diễn ra ngày 14.3.1988 có 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh anh dũng. 28 năm qua, sự kiện Gạc Ma vẫn như một vết thương chưa bao giờ ngừng rỉ máu.

Tháng 3 luôn khắc khoải không chỉ trong từng nếp nhà, từng thân phận gia đình các thân nhân liệt sĩ, cựu binh Gạc Ma, mà còn là nỗi đau mất mát trong lòng dân tộc Việt khi một phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc vẫn còn nằm trong tay ngoại bang. Xót xa hơn khi ngoài Biển Đông, Hoàng Sa - Trường Sa vẫn còn dậy sóng, khi ngư dân miền Trung vẫn thường bị đâm chìm tàu cá, hoặc trở về trên băng ca, hầm đá lạnh...


Các cựu binh Gạc Ma, Trường Sa đều đặn làm mâm cúng chung và thả hoa đăng tưởng niệm đồng đội mình mỗi dịp kỷ niệm trận hải chiến Gạc Ma (ảnh: Thanh Hải)

Các cựu binh Gạc Ma, Trường Sa đều đặn làm mâm cúng chung và thả hoa đăng tưởng niệm đồng đội mình mỗi dịp kỷ niệm trận hải chiến Gạc Ma (ảnh: Thanh Hải)

Kỳ 1: Chứng tích Trường Sa

Vì hoàn cảnh, nấm mộ gió của các liệt sĩ Gạc Ma khá kiêm tốn và lược bỏ nhiều nghi thức lễ. Có mộ không tượng người đất sét, không nắm cát biển, không con thuyền chở lễ vật, khói hương tiến ra phía biển... nhưng thân nhân các liệt sĩ ai cũng tin: Hồn các anh đã về yên nghỉ ở đó.

Mộ gió ở trung du

Cầm nén nhang nghi ngút thắp lên nấm mộ gió của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường (SN 1962) tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), ông Nguyễn Bá Thảo (cháu liệt sĩ Cường, 60 tuổi, thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung) ngậm ngùi: “Mình cũng muốn làm đầy đủ nghi thức mộ gió như người dân miền biển cho anh lắm chứ, nhưng điều kiện lúc đó không cho phép. Như thế này thôi là gia đình chúng tôi đã mãn nguyện lắm rồi”.

Cùng đi thăm mộ em trai là người anh cả Nguyễn Bá Quân. Ông Quân gọi nấm mộ gió là chứng tích cho đời sau. Anh Cường hy sinh, người cha già Nguyễn Bá Ngưu (SN 1920) sau nhiều đêm liền thức trắng, khôn xiết nỗi nhớ về con đã quyết định làm đơn xin chính quyền làm mộ gió cho anh Cường tại nghĩa trang địa phương.

Được chấp thuận, gia đình liền mời thầy về nhà tiến hành các bước làm mộ. “Tôi nhớ lúc ấy mới năm 1990, thời điểm còn cái nghề lộn xên (xích xe đạp), nhận lốp xe đạp còn bốc thăm... thì lấy tiền đâu ra làm cầu kỳ, cũng không có xe mà đi học người ta cách làm như thế nào. Quê tôi trung du, không có phong tục nặn hình nhân, làm mộ gió như miệt biển, vì vậy không biết tượng đất nặn kiểu gì, cát không biết lấy ở đâu... nên gia đình chỉ làm các nghi thức chính như cầu siêu, bài vị và một chiếc quách thôi”.

Đúng ngày giỗ của liệt sĩ Cường (13.3 dương lịch), một mâm cơm đơn sơ đặt trước sân, cầm nén hương trên tay, ai nấy lấy tâm làm chính lễ, tin hồn anh về là thật. Sau đó, gia đình rước hồn anh từ sân đến nghĩa trang thay vì biển, sông như người dân miền sông nước vẫn thường làm. “Anh chưa vợ, chưa con, hy sinh cho đất nước, phải có nấm mồ kỷ niệm về anh. Đó là chuyện buộc phải làm để xã hội công nhận có một liệt sĩ. Gia đình tôi ai cũng xem đó là nơi yên nghỉ cuối cùng của anh, nơi để con cháu tưởng nhớ, gửi gắm niềm tin, lòng tự hào về anh” - anh Thảo tâm sự.

Gạc Ma - “Vết sẹo” trong lòng dân Việt - 2

Như thành thói quen, cứ kề ngày giỗ của con là bà Trương Thị Ngò (89 tuổi, mẹ liệt sĩ Cường) lại mang cuốn nhật ký chỉ bằng bàn tay của con mình ra trầm ngâm, ngắm nghía, dù hai mắt mình đã nhòa mờ theo tuổi tác. “Nó tham gia cách mạng từ lúc cao có mấy gang tay. Nó đi cách mạng đố ai ngăn được. Nó mất, tui thương, tiếc và nhớ thương khôn cùng nhưng tự hào vì việc con làm là vì nước, vì dân” - bà Ngò rưng rưng.

Chứng tích Trường Sa

Chúng tôi tìm về Nghĩa trang liệt sĩ TP.Đà Nẵng (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang), nơi 6 nấm mộ gió của các liệt sĩ Gạc Ma được thân nhân gia đình lập trang nghiêm. Bên bóng cây cổ thụ, hồn họ như tựa vào nhau, hằng đêm chuyện trò cùng những đồng đội bất tử.

Mỗi lần đến mộ, anh Lê Văn Chép (anh ruột liệt sĩ Lê Văn Xanh, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) lại rớm nước mắt nhớ về người em hát hay, giỏi chơi ghi ta và đặc biệt là khiếu nói chuyện tiếu lâm, mang lại niềm vui cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp.

Gia đình vốn hành nghề sông nước, liệt sĩ Lê Văn Xanh có lẽ là trường hợp duy nhất trong số các liệt sĩ Gạc Ma tại Đà Nẵng được gia đình cất công làm mộ gió bằng nghi thức chỉn chu nhất. Năm 1990, người cha già Lê Văn Xuân đã bỏ ra 1,5 triệu đồng nhờ thầy về nhà cúng bái, nặn tượng người bằng đất sét (đầu là gáo dừa, 2 mắt là 2 viên bi) rồi ra giữa sông Đô Xu (quận Cẩm Lệ) lặng sóng rước hồn anh về, sau đó đóng gương đưa con lên nghĩa trang.

“Mẹ tôi nhiều lần nhớ con, cứ ậm ờ nói em tôi ngoài đảo đã theo biển về sông nên bằng mọi cách phải đưa hồn con về nhà chứ không để anh ngoài đó mà lạnh. Và cuối cùng ước nguyện ấy cũng được chính quyền chấp thuận. Trên sông Đô Xu, gần như mọi thứ được tái hiện lại vô cùng sinh động, hùng hồn. Anh cùng đồng đội kiên cường chiến đấu, giữ đảo đến phút ngã xuống. Tôi tin đó là nguyện vọng của nhiều thân nhân liệt sĩ chứ không phải là mê tín dị đoan gì ở đây cả” - anh Chép nói.

Đã hơn 25 năm, kể từ ngày hải chiến Trường Sa, nhưng bà Trần Thị Huệ (SN 1943, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) vẫn giữ bức thư cuối cùng của con mình - liệt sĩ Lê Thế - gửi về từ Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) như một báu vật. Bà Huệ rưng rưng: “Lá thư gửi về được 3 hôm thì tôi nhận được hung tin con mất tích. Lúc đó tôi ngất lịm đi, không còn biết gì nữa”.

Đã hơn 25 năm, kể từ ngày hải chiến Trường Sa, bà Trần Thị Huệ (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) vẫn giữ bức thư của con mình như một báu vật. Ảnh: Nhiệt Băng
Đã hơn 25 năm, kể từ ngày hải chiến Trường Sa, bà Trần Thị Huệ (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) vẫn giữ bức thư của con mình như một báu vật. Ảnh: Nhiệt Băng

Em gái kế liệt sĩ Thế - chị Lê Thị Giới (48 tuổi) - cũng thất thần theo mẹ: “Anh Thế ở đâu đó thôi, rồi anh về thôi, đúng không mẹ?”. Không tin đó là sự thật, ròng rã hơn một tháng trời bà Huệ lang thang khắp nơi như người mất hồn. Bà tìm gặp các đồng đội của con mình dò la tin tức nhưng vô vọng. Hành trình tìm con của bà chỉ dừng lại khi người cậu của bà hết lời an ủi, động viên: “Bà hãy ở nhà chờ Nhà nước có thông tin chính thức”. Gần một năm sau, bà nhận được giấy báo tử của đơn vị con mình công tác. Một lần nữa, bà “đứng tim”.

Chồng bà - ông Lê Khế (SN 1939) - mất khi mới 33 tuổi vì bệnh thận, bỏ lại bà tảo tần cùng lúc nuôi 3 người con thơ dại. “Không thể tin được lúc ấy lật cỏ bới đất làm ruộng, trồng rau mà tôi nuôi 3 đứa con khôn lớn. Lúc anh Khế mất, Thế mới 4 tuổi, đứa con gái nhì mới hơn 2 tuổi, đưa út có mấy tháng, đang bồng bế” - bà kể. Bà muốn đến ngày giỗ của con, bà mang bộ quân phục ra mặc, rồi cầm trên tay các kỷ vật của anh cũng không được vì không biết kẻ vô lương tâm nào đã lẻn vào nhà trộm mất nó.

Đã nhiều năm nay, ngày nào bà Huệ cũng ước một nấm mộ gió cho con, nhưng không có ai trả lời giúp bà câu hỏi “Mộ gió làm sao đây, xin lập hồ sơ ở đâu, liệu lập mộ có được không?”. “Phải có mộ, nhưng không nghe ai nói gì, mình có xin rồi mà không thấy hồi âm. Đừng để nó ở ngoài biển, lạnh lắm, phải đưa nó về yên nghỉ chung với đồng đội” - bà Huệ bất giác nói.

Bà chỉ biết, đến ngày giỗ, bà gọi thầy cúng về tụng kinh cầu nguyện cho linh hồn con siêu thoát. Rồi hằng đêm trong giấc ngủ, hình bóng con lại hiện về. “Nó mang ba lô lên vai, chia tay đồng đội rồi về thăm tôi. Gặp nhau, hai mẹ con ôm chặt nhau hút hít mà nước mắt không ngừng rơi” - bà Huệ kể về một giấc mơ trong vô số giấc mơ về con mình.

Tình cảnh tương tự là anh Trần Mạnh Dũng (50 tuổi, anh trai liệt sĩ Trần Mạnh Việt, phường Bình Hiên, quận Hải Châu). Anh Dũng nói đang tính qua làng đá mỹ nghệ Non Nước nhờ tạc một tấm bia mang khắc tên anh rồi vào thị xã Điện Bàn đặt bên mộ phần bố mẹ. “Tôi thấy nhiều thân nhân các liệt sĩ khác làm mộ gió nhưng không nghe chính quyền nói gì nên cũng không biết thế nào” - anh Dũng phân vân.

Bây giờ thì thân nhân các gia đình liệt sĩ đã ấm lòng phần nào khi tổ chức Công đoàn Việt Nam đã xây dựng được Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma trong nay mai. Các anh đã có được nơi thờ tự chung. Sự hy sinh cao cả của họ vì tổ quốc không chỉ được ghi nhận, tôn vinh, mà còn nhắc nhớ đời đời mai sau.

Theo Nhiệt Băng

Lao Động