Xử bao nhiêu đại án, kỷ luật đủ cấp cán bộ cũng chỉ “chặt”… ngọn tham nhũng
(Dân trí) - “Dù xử hết đại án này đến đại án khác, kỷ luật cán bộ đủ các cấp… vẫn mới là “chặt” phần ngọn của tham nhũng. Sẽ còn chật vật lắm để xử lý tham nhũng, nếu chưa chống được chủ nghĩa quan liêu”…
Uỷ viên Hội đồng tư vấn về Khoa học, Giáo dục và Môi trường của UB Trung ương MTTQ Việt Nam nêu vấn đề như vậy tại hội nghị lấy ý kiến đối với các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III sáng 28/10.
Dự hội nghị có lãnh đạo UB Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng thường trực Bộ phận chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, thành viên tổ biên tập văn kiện, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương – GS Tạ Ngọc Tấn.
Không thể tin khi có “một bột phận không nhỏ” biến chất
Phát biểu tại hội nghị, TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn văn hoá UB Trung ương MTTQ Việt Nam nhận định, báo cáo chính trị nêu những nhận xét nghiêm khắc và chính xác “văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò văn hóa trong xảy dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có xu hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần”. Dù vậy, nhận định như thế không mới, đã đề cập nhiều nhưng việc chỉ ra nguyên nhân của vấn đề này, không sát thực tế.
Chính sự phát triển, đánh giá chưa tương xứng giữa văn hoá và kinh tế vừa qua dẫn đến sự mất cân bằng, sinh ra hệ luỵ khôn lường cho xã hội, ảnh hường trực tiếp đến sự trong sạch vả vững mạnh của Đáng, làm phâm tâm, suy giảm khối đại đoàn kết toàn dân.
“Người dân không thể tin khi có “bộ phận không nhỏ” tham nhũng, thoái hóa, biến chất! Nhân dân không thể chấp nhận thói tham lam, vụ lợi, bè phái, ích kỷ, buông thả, suy đồi...trái với văn hóa truyền thống” – ông Chức cho rằng, không thể chỉ nói mà không đi đôi với làm để thay đổi, khắc phục tình hình.
Ông Chức góp ý, vấn đề phát triển văn hoá cần đưa thêm vào các văn kiện Đại hội với những tiêu chí cụ thể khác ngoài chỉ số duy nhất về phát triển con người.
PGS.TS Trần Hậu – Uỷ viên Hội đồng tư vấn về Khoa học, Giáo dục và Môi trường tán thành hướng khẳng định sự phát triển của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới đề cập trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội. Kết quả 30 năm đổi mới đã tạo nên một bộ mặt mới cho đất nước với một “cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín mà trong quá khứ chưa lúc nào đạt được”. Thành tựu của công cuộc đổi mới là sự sinh thành một thế hệ người Việt Nam mới 8X, 9X trẻ tuổi, giàu lòng yêu nước, năng động sáng tạo, được đào tạo cơ bản, đủ năng lực hội nhập quốc tế, đầy khát vọng và tâm huyết với sự phát triển, của đất nước... đang tham gia vào công cuộc đổi mới và quản lý xã hội.
Báo cáo chính trị, theo TS Trần Hậu, đã tập trung vào khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc. “Biến khát vọng giải phóng và độc lập, tự do thành khát vọng phát triển đất nước là điểm nhấn quan trọng trong báo cáo chính trị, rất đáng trân trọng” – TS Hậu nhận định.
Tuy nhiên, ông kiến nghị, để làm rõ, phản ánh sinh động những thành quả này, nên có sự so sánh toàn diện giữa thực trạng đất nước hiện nay với thời điểm trước khi đổi mới để thấy sự thay đổi vượt bậc, để tăng thêm niềm tin và hy vọng. Đồng thời cũng cần so sánh thực trạng Việt Nam hiện nay với các nước trong khu vực và thế giới để đề phòng tư tưởng chủ quan, thỏa mãn, để cổ vũ lòng hăng hái vươn lên, đề phòng nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa. Ông cảnh báo, “nếu chỉ so ta với ta thì khó thấy được ta đang đứng trước nguy cơ tụt hậu”.
“Còn chật vật lắm để xử lý tiêu cực, tham nhũng”
Đối với dự thảo báo cáo về công tác xây dựng Đảng, thi hành điều lệ Đảng, PGS.TS Trần Hậu đề cập về cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Ông nhận định, dự thảo báo cáo nên khá đầy đủ về tinh thần kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống quốc nạn.
Ông góp ý, cần đi sâu vào nguồn gốc của hiện tượng tham nhũng, lãng phí, đó chính là chủ nghĩa quan liêu.
“Chủ nghĩa quan liêu sản sinh ra tệ độc đoán, chuyên quyền, chủ quan, duy ý chí, gia trưởng, phong kiến, xa dân, thói đặc quyền đặc lợi, lợi ích nhóm... Đó là mảnh đất dung dưỡng nạn tham nhũng, lãng phí. Do vậy để chống tham nhũng tận gốc, cần phải chống chủ nghĩa quan liêu, chống chính sách và cơ chế quan liêu, chống tác phong lãnh đạo và quản lý quan liêu” – TS Hậu nói.
Ông lập luận, chống tham nhũng, dù xử hết đại án này đến đại án khác, kỷ luật cán bộ đủ các cấp nhưng mới chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề. Chưa chống được chủ nghĩa quan liêu thì “cả hệ thống còn chật vật lắm để xử lý các biểu hiện khác nhau của tiêu cực, tham nhũng”.
Ông cũng cảnh báo, cần chú trọng ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt vì nói là “vặt” nhưng ảnh hưởng, hậu quả của những chuyện “vặt” này không hề vặt, để tích tụ lâu ngày sẽ thành vấn đề lớn với cả xã hội, trong khi chưa có công cụ hữu hiệu hơn về pháp luật để đối phó với tệ “sâu mọt” này.
Cũng nói về công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, TS. Trần Xuân Sơn – Phó Chủ tịch hội đồng tư vấn về đối ngoại và kiều bào khái quát, trong dư luận xã hội thì chuyện làm người dân hân hoan nhất chính là kết quả chống tham nhũng. Nhiệm kỳ tới, đa số người dẫn vẫn bày tỏ mong muốn các hoạt động chống quốc nạn này tiếp tục được triển khai quyết liệt, toàn diện hơn, mong những người có bản lĩnh, có tâm huyết, quyết liệt nên tiếp tục công cuộc này.
TS. Phan Trung Lý – nguyên Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội cho rằng, để cuộc chiến chống tham nhũng tiếp tục phát triển ở bước cao hơn, cần đưa vào văn kiện Đại hội Đảng chủ trương mở rộng, tăng cường vai trò của cơ quan điều tra trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.
Ông phân tích, tại Singapore, người bị điều tra tham nhũng, dù chưa thành án nhưng cơ quan điều tra có quyền yêu cầu giải trình về tài sản, giải trình không được thì lập tức bị kê biên tài sản đó, chờ thành án sẽ xử lý. Còn tại Việt Nam hiện nay, các cơ quan trong quá trình điều tra “chưa thể làm gì”, chờ thu thập đầy đủ chứng cứ, sau một vài tháng quay lại thì tài sản trong tay các đối tượng hầu hết đã bị tẩu tán.