Góp ý văn kiện Đại hội Đảng:
Loại trừ bằng được phe nhóm trong lãnh đạo, quản lý!
(Dân trí) - Góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII, nội dung xây dựng Đảng, lãnh đạo tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam mong Đảng loại trừ bằng được phe nhóm trong lãnh đạo, quản lý... ra khỏi tổ chức.
Ngày 26/10, UB Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Gợi ý các nội dung thảo luận về 4 dự thảo văn kiện (báo cáo công tác xây dựng Đảng, báo cáo chính trị, báo cáo kết quả phát triển kinh tế xã hội nhiệm kỳ, báo cáo thực hiện chiến lược phát triển 10 năm), Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nêu một số điểm mới trong các văn bản. Những vấn đề này xuất phát từ đòi hỏi khách quan, kế thừa từ các nhiệm kỳ trước, cũng như từ những kinh nghiệm thành công của các nước.
Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, các văn kiện trước đây mới chỉ đề cập chủ trương “xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh”, đến lần này, dự thảo Văn kiện cho Đại hội XIII đề xuất “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.
Việc bổ sung khái niệm “hệ thống chính trị” hàm ý mở rộng diện đối tượng, bao gồm Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội. Từ đó, yêu cầu về tinh thần dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo được xác định là những yếu tố tiền đề cho phát triển.
Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhắc tới việc lần đầu tiên, văn kiện Đại hội Đảng đưa vào nội dung khơi dậy khát vọng xây dựng, phát triển đất nước.
Đổi mới giáo dục là cần thiết nhưng phải chặn sự cố như sách Tiếng Việt 1
Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam khái quát, trong nhiệm kỳ, giáo dục đào tạo có bước phát triển nhưng quá chậm. Vậy nên, báo cáo kết quả phát triển kinh tế xã hội 5 năm nói ngành đã đạt những kết quả quan trọng thì… chưa tới.
“Các văn kiện Đại hội đề cập yêu cầu đổi mới giáo dục là cần thiết nhưng những giáo phẩm làm xấu đi những giá trị tinh hoa của Việt Nam như sách giáo khoa Tiếng Việt 1 vừa qua thì không được. Phải có định hướng làm sao để kiểm soát, không để xảy ra những sự cố như vậy” – ông Sở góp ý.
Ông Sở dẫn chứng, trong số khoảng 820 dự án thuỷ điện trên cả nước hiện nay, có tới hơn 700 dự án là những công trình vừa và nhỏ, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, hiệu quả mang lại không rõ rệt mà khi có mưa lũ thì chính thuỷ điện mang lại thảm hoạ kép cho người dân khu vực.
Thiếu tướng Võ Sở cũng quan tâm lĩnh vực bảo vệ tài nguyên môi trường còn nhiều sai sót khi cả nước để xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng về môi trường, quản lý tài nguyên cũng bị vi phạm nhiều. Chuyện thời sự được đại biểu đề cập là hiện tượng xây dựng quá nhiều thủy điện, dày đặc ở khu vực miền núi, gây nhiều thảm họa trong mùa lũ.
Về công tác xây dựng Đảng, theo Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, cần thường xuyên kiện toàn các cấp ủy, tiếp tục nêu gương của ban chấp hành Trung ương, của các lãnh đạo chủ chốt và các uỷ viên Trung ương, nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các Bí thư chi bộ.
Thiếu tướng Võ Sở nói: “Phải loại trừ bằng được phe nhóm trong lãnh đạo, quản lý. Kiên quyết loại bỏ những người không đủ phẩm chất từ khi đại hội hoặc trong quá trình có biểu hiện xấu khỏi tổ chức Đảng. Thực hiện các biện pháp để nhân dân tham gia xây dựng Đảng”.
Bà bán rau nuôi 5 con ăn học nhờ xã hội số
Cũng bày tỏ quan tâm lớn nhất tới vấn đề giáo dục, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam nhận xét, báo cáo đã có những đánh giá toàn diện, khá rõ về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, chỉ ra những nguyên nhân thành công hay chưa thành công và rút ra những kinh nghiệm cần lưu ý cho nhiệm kỳ sắp tới. Tuy nhiên, những đánh giá này thiên về định tính khái quát mà chưa đi sâu vào đánh giá thực trạng, chưa làm rõ bản chất của các hiện tượng.
Bên cạnh đó, báo cáo vẫn chưa dựa vào những Nghị quyết của Đảng và Quyết định của Chính phủ đã ban hành để kiểm kiểm những việc đã làm được đến đâu, điều gì chưa đạt, việc gì phải tiếp tục ở giai đoạn sau. Báo cáo chỉ nói đến chất lượng nhân lực, chất lượng con người mà vắng bóng vai trò của con người trong phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế - xã hội,…
Theo GS Phạm Tất Dong, các văn kiện cần làm rõ việc giáo dục đã tiến bộ, sâu sắc hơn trước cụ thể thế nào và còn những vấn đề gì. Chẳng hạn, dự thảo nói “chương trình giáo dục phổ thông mới đang được triển khai đúng lộ trình” nhưng lộ trình được xây dựng này chính là vấn đề làm cả xã hội xôn xao. 1 tháng triển khai năm học mới, cả thầy cô, học trò cùng… chật vật, phụ huynh cũng kêu dài vì chương trình học quá nặng với học sinh lớp 1.
Ông Dong cho rằng, cần thiết là cần đi đúng vào bản chất vấn đề của giáo dục, xem người dân, xã hội mong muốn gì ở chương trình giáo dục, sách giáo khoa mới.
Phó Chủ tịch Hội Khuyến học góp ý, các văn kiện Đại hội Đảng đề cập mục tiêu xây dựng con người mới phát triển toàn diện. Cần phải làm rõ phạm trù “toàn diện” ở đây là phát triển năng lực cốt lõi và phẩm chất mong đợi của thế kỷ 21 – thời đại số, chứ không phải là tiêu chí chung chung, không hệ thống nào đào tạo ra được sản phẩm “toàn diện” như vậy. Cụ thể, ông Dong cho rằng, “toàn diện” nghĩa là con người phải đủ năng lực, phẩm chất sống với môi trường số. Công dân Việt Nam phải là công dân số, công dân toàn cầu trong bối cảnh hội nhập mới.
“Nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số… đang đặt ra yêu cầu mới, nghĩa là từ bà bán rau, ông bán nước cũng phải sử dụng được các tiện ích số. Thực tế, đã có những bà bán nước nuôi 5 con ăn học, rồi mày mò dạy cho trẻ em sửa được máy tính. Có những khu vực, rất nhiều gia đình nông dân đã có một nửa số gia đình mua ôtô, xây cất nhà cửa đàng hoàng… Có những cơ hội mở khi người dân có thể sử dụng được các phương tiện số” – ông Dong lập luận.
Từ đó, ông góp ý, việc đối mới giáo dục không thể chỉ tiếp tục duy trì theo hướng hiện đại hoá, dân chủ hoá, xã hội hoá… như đã đề cập từ Đại hội VIII, IX mà cần xây dựng hệ thống giáo dục theo hướng mở, số hoá, khai phóng và khởi nghiệp. Đã qua giai đoạn chỉ tập trung đầu tư cho giáo dục phổ thông vì giáo dục phổ thông không thể giúp cả nước có được nguồn nhân lực cạnh tranh trong nền kinh tế số mà cần phát triển giáo dục thường xuyên với người trưởng thành, coi giáo dục đại học là điểm đột phá.
Chia sẻ quan điểm, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần phải thêm tiêu chí “đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế”. Bởi nguồn nhân lực phải tiến đến tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; quản lý nhà nước đối với giáo dục hiện nay cần phải tập trung, không nên phân tán. Chính vì vậy, dự thảo cần ghi thêm rằng: “Quản lý nhà nước, nhất là quản lý hệ thống các trường Cao đẳng, Đại học còn phân tán”.
“Cao đẳng, Đại học là một hệ thống, nhưng quản lý chưa tập trung khiến cho quá trình liên thông gặp khó khăn. Mặt khác, hệ thống trường Cao đẳng ở nước ta là rất lớn nhưng văn kiện chưa đề cập” - PGS Trần Xuân Nhĩ góp ý.