1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

Xén cả tiền Tết của mẹ liệt sĩ và hộ “nghèo điển hình”

(Dân trí) - Tưởng sẽ có một cái Tết tươm tất nhờ 2 yến gạo và 1 triệu đồng hỗ trợ của Chính phủ, 5 khẩu “nghèo điển hình” của hộ anh Trần Văn Quyền thất vọng tràn trề khi chỉ nhận được gần 100 ngàn đồng và 5kg gạo mà chẳng biết kêu ai.

Nghe có cánh báo chí về tìm hiểu tình hình xà xẻo tiền Tết của dân nghèo, rất đông người dân xã Nam Cường, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã kéo đến tỏ bày sự bất bình khi ngang nhiên bị cắt xén tiền và gạo cứu trợ dịp Tết vừa qua.

 

Anh Trần Văn Quyền, xóm 6 xã Nam Cường bức xúc trình bày: “Gia đình tôi có 5 người, thuộc diện hộ nghèo từ lâu, cận Tết nghe địa phương nói năm nay Nhà nước trợ 2 yến gạo và 1 triệu đồng để ăn Tết mừng đến rơi nước mắt. Thế nhưng khi đi nhận, thì chỉ được gần 100 ngàn đồng và 5kg gạo”. Lòng đầy thắc mắc khi nhận tiền và gạo hỗ trợ nhưng chẳng biết kêu ai, kêu như thế nào.

 
Xén cả tiền Tết của mẹ liệt sĩ và hộ “nghèo điển hình” - 1

Căn nhà nơi "chui ra chui vào" của gia đình gồm 5 khẩu của anh Trần Văn Quyền, trong đó 3 đứa con suốt ngày giành nhau bỏ học, người vợ thì suy kiệt hơn 20 năm nay.
 

 

Hộ anh Quyền thuộc hạng “nghèo có số có má”. 3 đứa con, đứa nào cũng tranh nhau bỏ học vì nghèo. Vợ anh lại mang chứng bệnh suy nhược thần kinh, máu não bị suy mạch và đã hơn 20 năm nay không làm được việc gì. 

 

Có “khá” hơn chút, chị Trần Thị Hằng, ở xóm 3 cũng nhận được 300 ngàn đồng và 15kg gạo cho hai mẹ con côi cút (theo quy định hai mẹ con chị được nhận 400 ngàn đồng).

 

Cùng cảnh với anh Quyền, chị Hằng, bà Hoàng Thị Dung, ở xóm 6 mẹ liệt sỹ cũng chỉ nhận được 79 nghìn đồng để ăn Tết.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông trưởng xóm 6 Võ Đình Tuyến cho hay: “Xóm chúng tôi được nhận hơn 12 triệu đồng và 600 kg gạo để hỗ trợ người nghèo. Về xóm, sau khi lấy ý kiến, chúng tôi đưa ra “sáng kiến” là… cào bằng (chia đều cho tất cả các hộ, không kể giàu nghèo - PV) một khẩu được 19.000 đồng và 0,9kg gạo”.

 

Ông Tuyến nêu lý do: “Việc chia đều như thế mới thể hiện được… tình làng nghĩa xóm. Cái đó gọi là “ăn cho đều, kêu cho sòng”, Chính phủ hỗ trợ thì ai cũng được, giàu nghèo gì có đáng là mấy (?!)”.

 

Còn tại xã Nam Phúc (huyện Nam Đàn) sau khi người dân phát hiện và đấu tranh, thì đến chiều 30 Tết các hộ nghèo trong xã mới thực nhận hết số tiền Chính phủ hỗ trợ. Trước đó, sau khi chia tiền, UBND xã đã giữ lại một phần tiền của dân nghèo để làm đường giao thông, nhưng nhiều người phản ứng dữ dội nên đã phải chia hết cho dân.   

 

Tại xã miền núi Khánh Sơn, ông Nguyễn Đình Tân, Bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng xóm 1 cũng có “sáng kiến” giữ lại tiền hỗ trợ của dân. Ông nói: “Chuyện xét duyệt hộ nghèo phức tạp lắm. Tôi cũng không nghĩ Nhà nước hỗ trợ nhiều thế nên khi phát tiền cho dân tôi giữ lại hơn một nửa”. Bất bình trước cách làm này, tối mồng 1 Tết, ông Tân bị một người dân vác dao đến đòi xử chém, may mà người dân trong xóm kịp can ngăn.

 

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Đình Hường - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: “Việc cắt xén tại một số xã nói trên huyện đã biết và đã lập đoàn Thanh tra đi làm rõ ngọn nguồn. Huyện sẽ xử lý nghiêm theo luật, nếu nghiêm trọng sẽ khởi tố vụ án”.

 

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, không chỉ riêng Nam Đàn mà hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều có hiện tượng cắt xén nguồn hỗ trợ của Chính phủ cho dân nghèo trong dịp tết Kỷ Sửu vừa qua. Tại một số huyện như: Anh Sơn, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Yên Thành… hàng trăm gia đình đã bị cắt xén kiểu không được thông báo.

 

Nhóm PV