1.001 cách “hô biến” người nghèo
(Dân trí) - Sau hàng loạt vụ việc người nghèo bị xà xẻo tiền, gạo hỗ trợ, căn nguyên sai phạm được chỉ ra là quá trình bình xét hộ nghèo ở cơ sở quá cẩu thả. Ở nhiều nơi, cán bộ thôn xã tự ý làm trái chủ trương của Chính phủ để “tung hứng” người nghèo.
Những “thuật ngữ” lạ về nghèo
Mặc dù chuẩn nghèo đã được Chính phủ quy định rõ ràng và trong các văn bản pháp quy không hề có khái niệm “người nghèo” tách rời với “hộ nghèo”, nhưng công tác bình xét hộ nghèo đã bị làm méo mó khi về tới một số địa phương.
Ở thôn Xuân Sơn (Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình), chị Nguyễn Thị Dàng (SN 1967) đã tách hộ và có hộ khẩu riêng từ nhiều năm nay nhưng chẳng hiểu sao từ trước giờ chỉ có chị được hưởng BHYT người nghèo, còn 3 đứa con chị chẳng nhận được bất kỳ sự ưu đãi nào, kể cả khoản 200.000 đồng tiền hỗ trợ của Chính phủ trong Tết Kỷ Sửu vừa qua.
Hóa ra, mặc dù mất chồng và một tay nuôi 3 con (con đầu bị khiếm thị) đã gần 20 năm nay nhưng chị vẫn được địa phương cho “ở chung” với mẹ chị, cũng là một hộ nghèo. Theo cách tính đó, chị Dàng nghiễm nhiên là người nghèo nhưng ba đứa con trong hộ gia đình chị thì… “thoát nghèo”.
Chuyện 3 đứa trẻ bị tước quyền được... nghèo ở thôn Xuân Sơn có lẽ vẫn chưa điển hình bằng hàng loạt trường hợp “nghèo ghép” lạ lùng ở thôn Thống Nhất (An Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình), nơi sai phạm trong cấp phát tiền hỗ trợ người nghèo bị phát hiện đầu tiên trong cả nước.
Ngoài hộ ông Lê Văn Ngôn có nhà 2 tầng to sụ ở giữa thôn và ông Nguyễn Phong Dũng buôn bán khá giả, góp vốn mua ô tô vẫn có tên trong danh sách hộ nghèo như Dân trí đã một lần nhắc tới, còn có tên bà Lê Thị Thu (thôn Kim Nại), chính là… vợ của Chủ tịch xã Hồ Văn Miến. Tương tự, hàng loạt những người thân cận của cán bộ UBND xã, hội phụ nữ xã, người nhà cán bộ chính sách… đều được điền tên vào danh sách nghèo dù nhiều người trong số họ có của ăn của để.
Trao đổi với Dân trí quanh vấn đề này, ông Hồ Văn Miến một mặt khẳng định việc làm này là sai, nhưng giải thích rằng trước đây, người nghèo không có quyền lợi gì đặc biệt ngoài BHYT, nên nhiều người neo đơn hoặc những người không thuộc diện được BHYT đã được đứng tên ghép vào nhiều hộ nghèo khác để lấy BHYT.
Hoặc có trường hợp như chính cán bộ chính sách xã An Ninh Hồ Văn Sờ thừa nhận: khi bình xét thì nhiều hộ không được hộ nghèo, nhưng do quan hệ anh em, họ hàng nên ông này… điền bừa vào danh sách rồi nộp cho Chủ tịch xã ký!
Một nguyên nhân khác mà nhiều địa phương thừa nhận là do “bệnh thành tích”, muốn tỷ lệ nghèo giảm xuống nên phải ghép các hộ nghèo lại với nhau mặc dù trên hộ khẩu, những người cùng “hộ nghèo” này chẳng bà con gì.
Ông Trần Đình Vân - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình khẳng định: “Nhiều địa phương có dấu hiệu sai trái trong việc bình xét hộ nghèo, xuất phát từ đó những sự hỗ trợ của Chính phủ đã về sai đối tượng”.
Cần chấn chỉnh việc bình xét hộ nghèo từ cơ sở
Theo nguyên tắc rà soát hộ nghèo được quy định trong thông tư 04/2007/TT-BLĐTBXH, việc làm này phải “dân chủ, công bằng, công khai và có sự tham gia bình xét của người dân”, nhưng không phải ở đâu điều này cũng được đảm bảo. Như ở xã An Ninh, ông Chủ tịch UBND xã thừa nhận căn cứ chính là từ danh sách thôn đưa lên, còn ông trưởng thôn Thống Nhất (đã bị cách chức) lại đổ sai xuống cấp… cụm dân cư.
Ở thôn Tiền Phong 2 (Trung Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình), ông Trưởng thôn Cao Văn Kiểu thì thừa nhận: các hộ trong thôn đều nghèo như nhau, nên việc bình xét đành căn cứ cảm tính vào tình trạng nhà ở, bệnh tật… Thực tế, ở nhiều địa phương, việc bình xét được thực hiện cẩu thả, cảm tính và nặng tính “yêu ghét”. Tỷ dụ như ở thôn 3 Bình Minh (Mỹ Trạch, Bố Trạch), một số người dân cho biết ông trưởng thôn Hồ Bá Đức sau khi phát sai tiền hỗ trợ ăn Tết đã đến nhà các hộ nghèo thuyết phục họ ký khống đã nhận đủ, kèm lời hứa “sẽ cho vào danh sách nghèo năm tới” (?!).
Sau cuộc kiểm tra xác suất mới đây của Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình và theo báo cáo bước đầu của các huyện, TP trong tỉnh, có tới 19 xã sai phạm về cấp phát gạo, tiền hỗ trợ người nghèo. Như vậy, nếu kiểm tra đầy đủ, có thể con số này còn cao hơn nữa. Trước tình trạng sai phạm tràn lan với cùng một nguyên nhân đó, ông Trần Đình Vân - Giám đốc sở này cho biết: Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh rà soát lại hộ nghèo trên toàn tỉnh, kèm theo việc giám sát chặt chẽ hơn từ cơ sở.
Theo ông Vân, việc sai sót trong bình xét hộ nghèo được phơi bày qua đợt cấp phát tiền hỗ trợ Tết vừa qua là một bài học để sắp tới việc triển khai thực hiện Quyết định số 167/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo được tốt hơn, tránh lặp lại sai lầm.
Hồng Kỹ