1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

1001 lý do cắt xén tiền hỗ trợ người nghèo

(Dân trí) - Chủ trương của Đảng và Nhà nước là không để người nghèo không có tết. Nhưng khi tiền và gạo chưa về đến tay người nghèo đã bị cắt xén, thậm chí một số hộ nghèo còn bị gạt khỏi danh sách được nhận hỗ trợ.

Cắt xén vô tội vạ
 
Chúng tôi tìm về xã Thanh Lương, một vùng quê nghèo của huyện Thanh Chương (Nghệ An), nhiều hộ nghèo nằm trong diện được nhận tiền hỗ trợ chưa kịp vui mừng thì đã bị lãnh đạo xóm “xin” lại một ít gọi là tiền đóng góp vào quỹ.

 

Anh Trần Văn Hải, xóm 3, xã Thanh Lương, Thanh Chương buồn rầu: “Gia đình tui có 5 nhân khẩu, được nhận 1 triệu đồng. Còn chưa kịp đếm đã bị lãnh đạo xóm “xin” 400 nghàn đồng, nói là đóng góp vào việc xây dựng nhà văn hoá”.


Đó là bức xúc chung của không riêng anh Hải mà của hàng chục gia đình nghèo khác của xã Thanh Lương. Đáng buồn hơn, cán bộ xóm không chỉ bớt tiền mà còn bớt cả gạo. Gia đình anh Trần Văn Quế có 5 nhân khẩu, theo quy định sẽ được nhận khoảng 20kg gạo, nhưng trên thực tế gia đình anh chỉ được nhận 6,6kg. Số còn lại lãnh đạo nói là để phòng trừ những người sau bị thiếu thì sẽ bù cho họ (!).
 
Trao đổi với PV Dân trí chiều ngày 17/2, ông Nguyễn Trọng Toàn - Chủ tịch UBND xã Thanh Lương - khẳng định chính quyền xã không hề hay biết việc một số hộ nghèo bị bớt xén tiền và gạo. Nguyên nhân là còn bận việc mùa màng!
 
Tết qua đã lâu vẫn chưa thấy tiền
 
Xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), mặc dù tết đã lùi xa nhưng đến nay hàng chục hộ nghèo vẫn chưa nhận được tiền và gạo hỗ trợ ăn tết. Quá bức xúc, 42 hộ dân nghèo đã tập trung lên xã đòi. Chính quyền xã buộc phải chi trả tiền hỗ trợ cho 30 hộ nghèo; 12 hộ còn lại bị gạt ra khỏi danh sách được nhận hỗ trợ mà không có lý do. Riêng về gạo hỗ trợ, cán bộ xã vẫn đang... nợ dân.

 

Trao đổi với Dân trí, ông Phạm Văn Hải, chủ tịch UBND xã Nghi Đồng, nói: “Sau khi có tiền và gạo hỗ trợ, xã đã xin ý kiến chỉ đạo của huyện, ngay sau đó huyện đã có công văn số 59 chỉ đạo rà soát lại toàn bộ những hộ không đủ tiêu chí và tạm dừng cấp quà tết?”.

1001 lý do cắt xén tiền hỗ trợ người nghèo - 1

Con anh Nguyễn Văn Yên, ở xóm 4 xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc bị bệnh đao đã mấy năm nay,
gia đình nghèo thực sự nhưng lại bị chính quyền gạt ra khỏi danh sách những người nghèo


Nhưng trên thực tế thì trước khi có chủ trương hỗ trợ người nghèo ăn tết, những hộ dân này đã có trong danh sách hộ nghèo được nhận quà hỗ trợ.

 

Cấp tiền, gạo cứu trợ sai đối tượng
 
Theo phản ánh của nhiều hộ dân ở xã Mã Thành - huyện Yên Thành phản ánh về việc cấp sai tiền - gạo Chính phủ hỗ trợ tết cho người nghèo, chúng tôi đã về tận địa phương tìm hiểu sự việc. Làm việc với chúng tôi, Chủ Tịch xã Mã Thành - ông Phan Minh Trọng - thừa nhận: “Chúng tôi đã lập sót gần 300 khẩu”.
 
Trong khi đó, có nhiều xóm gạo cứu trợ được cào bằng chia cho toàn bộ các hộ trong xóm, giàu cũng như nghèo. Việc phát tiền cũng không được tiến hành 100%  trước tết. Ông Nguyễn Khắc Lạc thuộc diện hộ nghèo nhà có 5 khẩu ở xóm Tân Yên A cho biết: gia đình ông và rất nhiều hộ dân đến 27 tết chỉ được xã phát 50% tiền hỗ trợ. Thấy ngang trái nên ngày mùng 7 tết, ông và rất nhiều hộ dân ở các xóm kéo xuống xã đòi mới được xã trả nốt.


Còn tại khối Mỹ Thành, phường Đông Vĩnh, TP Vinh có trường hợp của gia đình ông Lê Hồng Phi (83 tuổi) có vợ là bà Trần Thị Hiền (bị bại liệt nằm một chỗ đã 7 năm nay) là gia đình nằm trong danh sách hộ nghèo của phường đã 4-5 năm nay. Dịp Tết Kỷ Sửu vừa qua, gia đình ông bị cắt tiền hỗ trợ Tết không rõ nguyên nhân. Người nhà ông Phi đến Bí thư khối hỏi rõ nguyên nhân thì nhận được câu trả lời: vì trong gia đình ông Phi vẫn còn 2 người có sức lao động, dĩ nhiên là phải nuôi hai người ốm, nên bị cắt.    

 
Tại cuộc họp giao ban báo chí ngày 13/2 vừa qua, ông Phan Đình Trạc - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - thừa nhận: "Trong thời gian qua khâu tuyên truyền phổ biến công khai chính sách hỗ trợ cho người ghèo đón tết và cách thực hiện chưa tốt. Điều đó không chỉ ở cấp cơ sở mắc lỗi, thực hiện chưa tốt mà còn ở cấp huyện, cấp tỉnh cũng vậy. Trong thời gian vừa qua báo chí phản ánh tình trạng cắt xén tiền, gạo hỗ trợ cho dân trên thực tế là có. Điều đáng nói trong nhiều cái chưa đúng, có cái thuộc động cơ không trong sáng, có cái do nhận thức không đúng về món quà của Chính phủ, do đó phương pháp thực hiện chưa phù hợp....".

 

Tết Kỷ Sửu 2009 vừa qua, tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ cho hơn 20 nghìn hộ nghèo. Tuy nhiên qua kiểm tra, phát hiện có 2/9 huyện, thị là Sa Thầy và Kon Rẫy cấp tiền sai đối tượng. Nguyên nhân là do xác định thời điểm tính hộ nghèo sai với quy định của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở LĐTB&XH tỉnh.

 

Ngoài ra, tại thôn Đắc Rơ Đe, xã Ngọc Bay (thị xã Kon Tum), sau khi hộ nghèo nhận tiền về nhà, thôn trưởng đã đến từng hộ thu lại mỗi hộ từ 100-200.000 đồng, tổng số tiền thu lại là 3,2 triệu đồng, để “làm quỹ thôn dùng cho việc tiêu dùng khi ma chay, lễ hội”.

 

Tương tự, tại thôn Kon Hra Klah, xã Chư HReng (TX Kon Tum), sau khi hộ nghèo nhận tiền về, cán bộ thôn cũng đã đến tận nhà thu lại của dân mỗi hộ từ 50-200 nghìn đồng. Tuy nhiên xã Chư HReng đã kịp thời thu hồi và trả lại cho các hộ dân trước Tết.

 

Thôn Đắc Ven thuộc xã Đắk Pét, huyện Đắk Glei, thôn trưởng đã tổ chức họp thôn quy định các hộ sau khi nhận được tiền về phải nộp lại cho trưởng thôn. Thế là 64 hộ nghèo đã nộp lại  tiền cho thôn trưởng để chia đều cho tất cả người dân trong thôn, mỗi khẩu 60.000 đồng.

 

Tại xã Đắk Long (huyện Đắk Glei), sau khi kinh phí về xã, chủ tịch UBND xã đã không chỉ đạo việc cấp kinh phí cho dân. Đến ngày mồng 3 Tết, khi nhận được thông tin, phòng LĐ-TBXH và phòng Tài chính Kế hoach huyện đã xuống địa bàn trực tiếp làm việc với Chủ tịch UBND xã thì các hộ dân mới được nhận tiền vào tối mùng 3 Tết.

 

Chiều ngày 17/2, khi PV Dân trí xác minh nguồn tin về việc thu và cấp tiền hỗ trợ sai quy định, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei, ông Nguyễn Phúc Phận, không những đã từ chối hợp tác cung cấp thông tin mà còn lớn tiếng qua điện thoại hỏi vặn phóng viên rồi cúp máy.

 

Đại Hòa

 

 

Nguyễn Duy - Duy Tuyên