1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ thất thoát phóng xạ: Người dân không nên quá lo lắng!

(Dân trí) - Trước việc các hộ dân đường Bạch Đằng, Hà Nội hết sức lo lắng về <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/6/121231.vip">sự cố thất thoát 54,8mg phóng xạ</a>, PGS. TS Lê Hồng Khiêm - cán bộ Trung tâm Vật lý Hạt nhân - Viện Vật lý và Điện tử trấn an rằng nếu khối lượng chất phóng xạ nhỏ thì cũng khó ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Ông đánh giá mức độ nguy hiểm của việc phát tán phóng xạ ra môi trường trong trường hợp ở đường Bạch Đằng như thế nào?

Trong trường hợp trên, không biết hoạt độ phóng xạ có trong hoá chất là bao nhiêu, phóng xạ do nguyên tố nào phát ra. Muốn biết được điều này, các nhà chuyên môn cần phải khảo sát bằng cách đo liều bị nhiễm xạ trên diện tích nghi nhiễm, đồng thời phân tích bằng phổ kế để biết xem chất phóng xạ có trong hoá chất đó là đồng vị gì, thời gian sống là bao nhiêu, nặng lượng của bức xạ là bao nhiêu. Trên cơ sở số liệu như vậy, mới đưa ra được hướng giải quyết cụ thể.

Nếu hoạt độ và thời gian sống của đồng vị phóng xạ có trong hoá chất thấp thì không đáng lo. Tuy nhiên, vẫn cần phải thông tin cho người dân biết để họ hiểu mức độ của vấn đề.

Nếu bị nhiễm phóng xạ, người dân có thể mắc những bệnh gì?

Nếu cơ thể con người bị chiếu một liều phóng xạ lớn thì có thể sẽ mắc những bệnh nguy hiểm như ung thư, đột biến gen... Đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ đang mang thai, có thể gây những biến chứng đáng tiếc như quái thai, dị tật bẩm sinh.

Với kinh nghiệm của người thường xuyên tiếp xúc với nguồn phóng xạ, ông có thể chỉ cho người dân cách hạn chế nguy hiểm khi nhiễm xạ?

Để hạn chế ảnh hưởng của phóng xạ đối với con người, người dân có thể thực hiện những biện pháp đơn giản mà hiệu quả như uống nước chè xanh, ăn cùi dừa...

Theo ông, trong trường hợp phóng xạ bị phát tán thì xử lý môi trường như thế nào?

Trong trường hợp nguy hiểm thì nên lấp vùng bị nhiễm xạ, không cho người qua lại, gia cố, che chắn về mặt phóng xạ nếu cần thiết. Ví dụ như phủ chì lên diện tích bị ô nhiễm, bê tông hoá để các chất phóng xạ trong vùng ô nhiễm không khuếch tán ra các vùng xung quanh, xúc lớp đất bị nhiễm xạ chôn ở khu vực cho phép...

Đối với người đã trực tiếp tiếp xúc với hoá chất trên cần đến Khoa Y học Hạt nhân - Viện 108 hoặc Bệnh viện Bạch Mai để xác định mức độ bị nhiễm, khả năng bị chiếu... và đưa ra phác đồ điều trị cụ thể nếu cần thiết.

Mai Lan

Dòng sự kiện: Vụ phóng xạ Cô ban