1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thêm một vụ mất trộm hộp nguồn phóng xạ

(Dân trí) - Trong khi tháo và di chuyển bộ nguồn thu phát tia gama (tia phóng xạ) ra một nơi khác để bảo dưỡng máy móc, những người có trách nhiệm ở Công ty Cổ phần Xi măng Sông Đà đã để mất “chiếc hộp chết người” ấy. Sự việc đến nay đã hơn một tuần nhưng tung tích chiếc hộp vẫn "bặt vô âm tín".

Để mất trộm rồi âm thầm đi tìm

 

Ông Đào Quang Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà trình bày sự việc như sau:

 

Ngày 28/7/2006 đơn vị này bắt đầu tiến hành sửa chữa và bảo dưỡng toàn bộ dây chuyền sản xuất. Đến ngày 30 thì bắt đầu tiến hành sửa chữa thiết bị đáy lò nung (vị trí đặt thiết bị tia gama). Vì đây là khu vực đặc biệt nên chỉ có những người làm nhiệm vụ được ra vào. 

 

Lúc này, công nhân kỹ thuật bắt đầu tiến hành tháo thiết bị thu và phát tia gama, đặt dưới sàn bê tông để sửa chữa đáy lò nung. Thiết bị này được bảo quản bằng chiếc hộp chuyên dùng, vỏ ngoài bằng tôn, phía trong được ghép bằng các tấm chì. Đến 9h30 sáng ngày 7/8, công nhân vận hành và dọn vệ sinh khu vực đáy lò vẫn khẳng định còn nhìn thấy chiếc hộp ở sàn bê tông đáy lò.

 

Việc chiếc hộp bị mất trộm chỉ được phát hiện sáng ngày 7/8 khi cán bộ phòng quản lý cơ điện và cán bộ xưởng lò nung tiến hành kiểm tra thiết bị để chuẩn bị đưa vào vị trí vận hành.

 

Sau khi sự việc xảy ra, công ty đã báo với công an thị xã Hoà Bình và phường Tân Hoà để phối hợp tìm kiếm nhưng không có kết quả.

 

Theo tài liệu báo cáo của Công ty Xi măng Sông Đà, bộ thu và phát tia gama này là thiết bị điều khiển để xả Clinke đáy lò. Đây là chiếc hộp có vỏ kim loại hình hộp chữ nhật với kích thước khoảng 10cm x 12cm x 10cm được sản xuất tại CHLB Nga năm 1990, số seri 750, mã hiệu  HP 4025 MBM. Vỏ ngoài hộp sơn mầu ghi xám, ba mặt có ký hiệu phóng xạ.

 

Chiếc hộp chứa phóng xạ này được đựng trong một chiếc hộp bảo vệ có 5 mặt kích thước 20cm x 20cm. Vỏ ngoài được hàn bằng tôn đen sơn màu nâu chống gỉ, bên trong bọc chì dày 4-5 cm. Trọng lượng của toàn bộ thiết bị thu, phát nguồn gama và chiếc hộp bảo vệ  khoảng 10kg.

 

Cũng theo báo cáo này, tuy giá trị kinh tế của chiếc hộp không lớn (5 triệu đồng) nhưng nếu bị mất và không được sử dụng đúng kỹ thuật, tia gama này sẽ gây ảnh hưởng tới sức khoẻ và tính mạng của con người. Vấn đề sẽ càng đặc biệt nguy hiểm nếu người lấy cắp không hiểu biết mà tự đập vỡ hay phá hỏng thiết bị phát xạ.

 

Cơ quan chức năng sau một tuần mới biết

 

Thêm một vụ mất trộm hộp nguồn phóng xạ  - 1

Buổi làm việc với cơ quan chức năng tại Công ty CP Xi măng Sông Đà.

Ông Nguyễn Hào Quang, Trưởng phòng hỗ trợ kỹ thuật An toàn Bức xạ và Hạt nhân, Cục kiểm soát an toàn và bức xạ hạt nhân cho biết: Cho đến tận ngày 14/8/2006 Cục mới chính thức nhận được thông báo về vụ mất trộm nguồn phóng xạ xảy ra tại đơn vị này.

 

Ngay sau khi nhận được thông tin, đoàn cán bộ kỹ thuật đã được lệnh đem theo các thiết bị dò tìm xuống địa bàn xảy ra vụ việc để khắc phục sự cố. Tuy nhiên, cho đến 15h chiều cùng ngày tung tích chiếc hộp vẫn chưa được tìm thấy, mặc dù đoàn cán bộ kỹ thuật phối hợp với Công an địa phương đã kiểm tra, dò tìm tại tất cả các khu vực trong và ngoài công ty cùng 18 điểm thu mua đồ phế liệu…

 

Ông Nguyễn Đăng Hùng, Chánh thanh tra Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hoà Bình cũng phản ánh, mặc dù sự việc nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần Xi măng Sông Đà đã cả tuần nay nhưng cho đến tận thời điểm này (sáng 14/8), Sở mới nhận được thông báo từ phía công ty.

 

Theo ông Hùng, lãnh đạo đơn vị này đã phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác. Để xảy ra mất mát thiết bị phóng xạ, đáng lý công ty phải lập tức báo cáo nên Sở Khoa học Công nghệ và Cục kiểm soát an toàn và bức xạ hạt nhân và các đơn vị công an để cùng nhanh chóng phối hợp giải quyết sự việc thì họ lại làm ngược lại!

 

Ông Dũng, Giám đốc Công ty thì giải thích là do quá bối rối với sự việc xảy ra nên lãnh đạo công ty đã nhờ đến sự trợ giúp từ phía công an. Chỉ đến khi khả năng tìm lại chiếc hộp bị mất cắp quá mong manh như thời điểm này họ mới “chợt nhớ” đến việc phải thông báo cho các đơn vị có chức năng như Cục kiểm soát an toàn và bức xạ hạt nhân và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hòa Bình.

 

Cho đến cuối ngày 14/8, tung tích của chiếc hộp chứa tia gama vẫn chưa được xác định, dù công việc tìm kiếm đã được mở rộng đến một số địa chỉ thu mua sắt thép phế liệu ở tỉnh Phú Thọ (cách Hoà Bình 30 km). 

Thanh Trầm

Dòng sự kiện: Vụ phóng xạ Cô ban