1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quản lý bức xạ - Bài toán nan giải!

(Dân trí) - “Hiện tại, có 22 nguồn phóng xạ hoạt độ lớn, mức độ nguy hiểm cao đang được sử dụng tại 13 cơ sở y tế. Trong khi đó, nhiều cơ sở vẫn chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ, chưa có các biện pháp quản lý về mặt hành chính và kỹ thuật cần thiết”.

Đó là phát biểu của ông ông Đặng Thanh Lương, phó Cục trưởng Cục kiểm soát An toàn Bức xạ Hạt nhân (KSATBXHN), tại hội thảo “Tăng cường quản lý an toàn bức xạ và an ninh các nguồn phóng xạ” diễn ra hôm qua (20/9).

 

Doanh nghiệp coi thường việc quản lý an toàn bức xạ

 

Ông Lương cho biết: Kết thúc đợt “Tổng kiểm tra hiện trạng các nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ trên phạm vi cả nước” Cục đã  kiểm tra được 176 cơ sở với tổng số hơn 1.900 nguồn phóng xạ, phân bố theo lĩnh vực: Y tế (16 cơ sở), Công nghiệp (114 cơ sở), Nghiên cứu - đào tạo (20 cơ sở), Các lĩnh vực khác (26 cơ sở).

 

Trong số 1.926 nguồn phóng xạ đã khai báo thủ tục cấp phép, có hơn 1.700 nguồn đã được cấp phép. Ngoài ra, hiện trên toàn quốc có 543 nguồn phóng xạ lưu kho chờ chôn thải.

 

Về vấn đề các kho chứa nguồn phóng xạ, ông Lương cho rằng phần lớn các kho chứa vẫn chưa đảm bảo an ninh. Trong công nghiệp, việc quản lý an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ đối với các nguồn phóng xạ di động như chụp ảnh bức xạ công nghiệp, đo mật độ, độ ẩm... gặp nhiều khó khăn.

 

Nguồn phóng xạ được sử dụng tại các ban quản lý dự án rất khó kiểm soát, cơ quan quản lý nhà nước không được thông báo khi các ban này giải thế. Hiện nay, vẫn còn tình trạng, nhiều dây chuyền sản xuất mặc dù có sử dụng nguồn phóng xạ nhưng không xin giấy phép nhập khẩu mà vẫn không bị hải quan phát hiện. Hơn thế nữa, họ cũng không thực hiện quy định khai báo với sở Khoa học Công nghệ (KHCN) địa khi di chuyển nguồn để tiến hành công việc bức xạ trên địa bàn khác. Có thể thấy, các cơ sở này đã không đánh giá được nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng nguồn phóng xạ.

 

Sự cố liên tục xảy ra

 

Ông Nguyễn Hào Quang, chuyên viên kỹ thuật tại Cục KSATBXHN cho hay, từ năm 2002 đến nay, trên toàn quốc đã xảy ra 4 sự cố bức xạ, cụ thể là sự cố kẹt nguồn phóng xạ trong chụp ảnh phóng xạ công nghiệp tại Khánh Hòa vào ngày 31/12/2002, khiến nhiều chuyên gia và công nhân bị nhiễm phóng xạ. Trong khi đó, tại thời điểm xảy sự cố, tất cả những người làm việc và phụ trách an toàn bức xạ đều chưa có giấy phép làm công việc bức xạ đặc biệt.

 

Ngày 23/12/2003, sự cố mất nguồn phóng xạ Cs-137 đã xảy ra tại công ty Cổ phần  Xi măng Việt Trung. Điều đáng nói là công ty này không hề trình báo sự việc nguy hiểm này lên cơ quan chủ quản mà chỉ tổ chức đi tìm với quy mô nội bộ. Sự việc chỉ được phát hiện khi thanh tra an toàn bức xạ Sở KHCN tỉnh Hà Nam kiểm tra đột xuất đơn vị này. Cho đến nay, nguồn phóng xạ bị mất vẫn chưa tìm thấy.

 

Sự cố mất nguồn phóng xạ tiếp theo xảy ra tại Viện Công nghệ xạ hiếm ngày 29/5/2006. Gần một tháng kể từ khi xảy ra sự cố, mọi việc mới được khắc phục với chi phí lên tới cả trăm triệu đồng.

 

Gần đây nhất là sự cố mất nguồn phóng xạ tại nhà máy xi măng Sông Đà (28/7/2006). Đơn vị này sau khi để mất hộp nguồn cũng không báo cáo ngay với đơn vị chủ quản mà tự tổ chức tìm kiếm trong nội bộ. Và cho đến nay, hộp phóng xạ bị mất vẫn “bặt vô âm tín”.

 

Trông chờ vào ý thức đơn vị sử dụng phóng xạ

 

Theo ông Đặng Thanh Lương, chất phóng xạ nếu được sử dụng và quản lý tốt sẽ đem lại nhiều lợi ích trong cuộc sống, nhưng nó sẽ gây ra những hậu quả tai hại nếu để xảy ra sự cố. Tuy nhiên, thực tế là rất nhiều đơn vị quản lý nguồn phóng xạ đã không ý thức được điều này. Đơn cử như sự cố mất nguồn phóng xạ xảy ra tại Viện Công nghệ xạ hiếm, chiếc hộp đó đã bị mất một cách rất đơn giản: thợ xây đến sửa chữa, ăn cắp, bán cho đồng nát với giá 27.000 đồng.

 

Để nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị sử dụng phóng xạ, tại hội thảo lần này, Cục KSATBXHN cũng đã tổ chức hướng dẫn các cán bộ cơ sở cách thức quản lý khi nguồn phóng xạ bị thất lạc; đồng thời hướng dẫn các biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn và an ninh đối với các nguồn phóng xạ tại cơ sở.

 

“Chúng tôi yêu cầu tất cả các cơ sở bức xạ phải thực hiện đúng pháp lệnh về kiểm soát an toàn bức xạ. Nếu cơ sở nào không thực hiện thì trách nhiệm của chúng tôi là xử phạt, thậm chí đình chỉ sản xuất đơn vị đó” - Cục trưởng Cục KSATBXHN Lê Đặng  Nhân nhấn mạnh.

 

Thanh Trầm

Dòng sự kiện: Vụ phóng xạ Cô ban