1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Vụ chìm đò Chôm Lôm: Có khởi tố đúng người, đúng tội?

(Dân trí) - Gần 1 năm sau vụ chìm đò thảm khốc tại bến Chôm Lôm (Con Cuông, Nghệ An), Cơ quan CSĐT đã có quyết định lập án, khởi tố các đối tượng liên quan. Tuy nhiên, trong bản cáo trạng của VKSND tỉnh Nghệ An bộc lộ quá nhiều uẩn khúc cần được làm sáng tỏ.

Kỷ luật một đằng, khởi tố một nẻo     

 

Hồi 6h30 ngày 7/10/2006, tại bến Chôm Lôm đã xảy ra một vụ tai nạn thảm khốc: 19 học sinh bị đắm thuyền khi đang qua sông đến trường.

 

Sau vụ tai nạn đó, các cấp ngành tỉnh Nghệ An bắt đầu họp bàn “mổ xẻ” trách nhiệm của những người có liên quan. Nhưng hầu hết các cuộc họp đều chỉ có tính chiếu lệ, lãnh đạo các cấp ngành đổ trách nhiệm cho nhau.

 

Trong quyết định xử lý kỷ luật cán bộ sau vụ đắm đò Chôm Lôm, ông Nguyễn Hồng Trường, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, hiện là đương kim Thứ trưởng Bộ GTVT, đã ký quyết định yêu cầu Sở GTVT, công an tỉnh, UBND huyện Con Cuông ra quyết định xử lý kỷ luật đối với các cá nhân liên quan theo thẩm quyền quy định và báo cáo kết quả trước ngày 30/2/2007.

 

Ngoài ra, một số cán bộ cốt cán của tỉnh, huyện Con Cuông cũng phải nhận hình thức khiển trách như các ông Trần Trọng Thắng - Phó Chánh thanh tra (Sở GTVT); Võ Văn Toàn - cán bộ CSGT đường thuỷ (Công an tỉnh Nghệ An); Nguyễn Duy Tỵ - trưởng công an huyện; Nguyễn Quốc Trung - Trưởng phòng hạ tầng kinh tế huyện...

 

Tuy nhiên sau đó, trong quyết định khởi tố bị can lại chỉ có: Cha con chủ đò Lô Quốc Phong (SN 1954) và Lô Văn Nghiệp (SN 1983) bị khởi tố với tội danh: “Vi phạm quy định về việc điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ” và “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thuỷ”; Chủ tịch UBND xã Lạng Khê, Vi Đình Phòng (SN 1959) và Phó phòng Hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật huyện Con Cuông, Lê Ngọc Châu, bị khởi tố với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

Trong khi đó, một số cán bộ nằm trong danh sách chịu quyết định kỷ luật do ông Nguyễn Hồng Trường ký trước đây đều thoát tội một cách ngoạn mục.

 

Ngày 25/4/2007, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Vi Đức Hoài đã thay mặt một số cán bộ huyện ký công văn gửi các cơ quan chức năng, đề nghị xem xét quyết định khởi tố ông Châu. Hiện ông Châu bị tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng, tạm nghỉ việc chờ ngày xét xử.

 

Qua tìm hiểu, việc khởi tố bị cáo Lê Ngọc Châu có nhiều uẩn khúc. Thứ nhất, trong các quyết định thành lập Ban an toàn giao thông huyện Con Cuông đều không có tên ông Châu.

 

Thứ hai, xét theo quy chế hoạt động do Ban ATGT huyện thì chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn chìm đò này phải là phía lãnh đạo Công an huyện Con Cuông.

 

Đừng để nỗi đau lặp lại!

 

Theo các văn bản quy phạm về nguyên tắc hoạt động của các bến đò trên địa bàn tỉnh Nghệ An, có yêu cầu chính quyền địa phương “đình chỉ các bến đò hoạt động không đảm bảo, trong đó có bến Chôm Lôm”. Nhưng văn bản chỉ nằm trên bàn, không được thực hiện, cũng không có ai đôn đốc kiểm tra, khiến người vi phạm không sợ.

 

Hơn nữa, “quan trên” chỉ biết yêu cầu đình chỉ bến đò, chứ không đưa ra giải pháp hữu hiệu giúp dân đi lại. Ông Doãn Anh Thơ - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông - từng nói: “Nếu tiến hành đình chỉ thì dân biết lấy gì mà đi, đặc thù của các vùng miền núi cao, giao thông đường bộ đi lại khó khăn thì giải pháp dùng thuyền, đò khi qua sông được xem là phương tiện hữu hiệu nhất”.  

 

Ông Nguyễn Xuân Du, Giám đốc Sở GTVT Nghệ An, khi được hỏi về giải pháp sau khi đưa ra quyết định đình chỉ các bến đò không đảm bảo ATGT, cũng... im lặng.

 

Theo dự kiến, phiên toà sơ thẩm xét xử các bị can trong vụ chìm đò Chôm Lôm sẽ diễn ra tại TAND tỉnh Nghệ An, ngày mai 22/8.

 

Ngọc Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm