1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nước mắt và tù tội

(Dân trí) - Kết thúc <a href="http://www11.dantri.com.vn/Sukien/2007/8/193540.vip">phiên toà sơ thẩm</a> vụ chìm đò Chôm Lôm, các bị cáo nghe tuyên án mà không kìm được nước mắt. Dù chính gia đình các nạn nhân đã lên tiếng xin giảm án cho các bị cáo, nhưng cha con người chèo đò vẫn phải nhận tổng 11 năm tù giam.

HĐXX đã làm rõ hết trách nhiệm?

 

Chiều qua 22/8, các bị cáo tiếp tục bước vào phần tranh tụng. Trước vành móng ngựa và trước thân nhân của 19 học sinh xấu số, bị cáo Vi Đình Phòng - nguyên Chủ tịch UBND xã Lạng Khê - đã thành khẩn thừa nhận mọi trách nhiệm. Không biện minh, cũng không đổ tội cho người khác, ông Phòng chỉ mong HĐXX giảm nhẹ khung hình phạt. 

 

Riêng bị cáo Lê Ngọc Châu - Phó phòng Hạ tầng - kinh tế - kỹ thuật huyện Con Cuông - trước sau vẫn yêu cầu HĐXX phân định rõ trách nhiệm của những người có liên quan. Ông Châu nêu dẫn chứng: “Việc HĐXX truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” dựa trên căn cứ là tham mưu cho UBND huyện ra quyết định cấp phép, mở bến hoạt động tại bản Chôm Lôm là việc làm thiếu trách nhiệm.

 

Trong thời điểm bến đò Chôm Lôm lúc bấy giờ chưa đủ điều kiện mở bến đò ngang, nếu quyết định đình chỉ theo yêu cầu của Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Nghệ An và không đưa ra giải pháp giúp dân bản đi lại thì việc này sẽ khó triển khai. Việc bản thân tham mưu cho UBND huyện cấp phép mở bến đều đã được sự đồng thuận, nhất trí của các cấp ngành có liên quan. Vì vậy, khi HĐXX chỉ truy tố bị cáo với tội danh trên là còn thiếu sót. Những người có trách nhiệm trong Ban ATGT huyện tại sao lại không chịu trách nhiệm liên đới?”.

 

Về vấn đề này, HĐXX lý giải: “Sở dĩ bị cáo Châu phải chịu truy tố với tội danh trên là do việc tham mưu yếu, không đủ năng lực”. Bị cáo Châu không chấp nhận cách lý giải này của các đại diện quan toà. Tuy nhiên, HĐXX vẫn giữ nguyên ý kiến của mình.

 

Có mặt tại phiên toà trong buổi xét xử sơ thẩm chiều qua, các gia đình có con em thiệt mạng trong vụ đắm đò đều đề nghị HĐXX giảm nhẹ mức án cho các bị cáo. Ông Lộc Vĩnh Thương, người may mắn cứu sống 5 học sinh trong vụ đắm đò, đại diện các gia đình nạn nhân mong muốn HĐXX giảm nhẹ tội danh cho các bị cáo, đặc biệt là đối với 2 bị cáo Lê Ngọc Châu và Vi Đình Phòng.

 

Nước mắt và tù tội

 

Kết thúc phiên toà sơ thẩm, HĐXX tuyên án: 8 năm tù dành cho bị cáo Lô Văn Nghiệp, 3 năm tù cho chủ đò Lô Quốc Phong, với cùng tội danh “Vi phạm quy định về việc điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ” và “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thuỷ”. Bị cáo Lê Ngọc Châu và nguyên Chủ tịch UBND xã Lạng Khê Vi Đình Phòng mỗi bị cáo nhận 2 năm tù treo và 30 tháng thử thách....

 

Vấn đề đền bù thiệt hại theo yêu cầu của các gia đình nạn nhân là 245 triệu đồng, HĐXX yêu cầu cha con chủ đò và UBND xã Lạng Khê phải có trách nhiệm hỗ trợ, đền bù này.

 

Bịn rịn, khóc nức nở sau phiên toà, bà Lương Thị Thiện chỉ kịp dặn với người chồng: “Cha con cố gắng cải tạo tốt, sớm đoàn tụ với gia đình” trước khi hai người thân của bà bị tra tay vào còng.

 

Sau vụ tai nạn đáng ghi vào lịch sử đó, gia đình bà đã lâm vào cơn bĩ cực. Chồng không nghề nghiệp, con bị tạm giam, 2 vợ chồng già phải lang thang vào rừng đào củ mài, sắn, thậm chí gõ cửa từng nhà nhờ giúp đỡ.

 

Giờ chồng con tù tội, món nợ lớn không cơ may trả, bà ngậm ngùi: “Nhà có chi mô mà bán. Giờ tấm thân già ni biết lấy gì mà đền cho các gia đình nạn nhân. Thi hành án luôn thì biết lấy gì mà ăn?!”.

 

Chứng kiến cảnh chia tay đầy nước mắt của gia đình người chèo đò, nhiều gia đình nạn nhân không khỏi động lòng...

 

Ngọc Bình