1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ chìm đò ở Chôm Lôm, Nghệ An:

Bắt khẩn cấp 2 cha con người lái đò

“Nguy hiểm thì tôi biết, xã cũng có hỏi sơ sơ nhưng rồi không thấy ai làm gì nữa nên tui cứ chèo đại” - Trong nhà tạm giữ, chủ đò Lô Quốc Phong trả lời sau vụ chìm đò thảm khốc làm 19 học sinh thiệt mạng tại Chôm Lôm.

Ngày 12/10, Thượng tá Nguyễn Duy Tỵ, Trưởng Công an huyện Con Cuông cho biết, Công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án và bắt khẩn cấp đối với ông Lô Quốc Phong và Lô Văn Nghiệp (con trai ông Phong) về hành vi vi phạm các quy định điều khiển giao thông đường thủy gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Lệnh bắt khẩn cấp đã được tống đạt đến ông Lô Quốc Phong và Lô Văn Nghiệp ngay trong ngày (trước đó, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an huyện Con Cuông đã ra quyết định tạm giữ).

 

Riêng quyết định khởi tố bị can, Thượng tá Nguyễn Duy Tỵ cho biết, hiện căn cứ đã đủ, tuy nhiên sẽ được quyết định chính thức sau khi cơ quan chức năng tìm kiếm được chiếc đò gây tai nạn.

 

Chiếc đò và đầu máy vẫn mất tích, Công an huyện Con Cuông đang tích cực phối hợp lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Quân khu 4 rà soát, tìm kiếm. Đây là vật chứng quan trọng góp phần xác định nguyên nhân, tính chất vụ án. Việc tìm kiếm các thi thể mất tích còn lại cũng đang được thực hiện khẩn trương, rốt ráo.

 

Sau 5 ngày bị tạm giữ tại nhà tạm giữ Công an huyện Con Cuông, ông Lô Quốc Phong và Lô Văn Nghiệp đã bớt căng thẳng, hốt hoảng, bước đầu ổn định tinh thần. Lô Văn Nghiệp năm nay 23 tuổi, là bộ đội xuất ngũ, lúc nào cũng khép nép cạnh cha. Ông Phong trấn tĩnh hơn, gương mặt đăm chiêu, tư lự.

 

Thấy cán bộ Công an giới thiệu chúng tôi là nhà báo, hai cha con chỉ gật đầu cúi mặt xuống. Ông Phong bần thần: “Chắc các anh muốn hỏi chúng tui nhiều nhiều, tui biết tui có tội lắm”.

 

“Hôm đó, trước 6h sáng, tui đã chở 1 chuyến học sinh qua sông và an toàn. Sau có chút việc, tui giao lại đò cho thằng Nghiệp chở. Kinh nghiệm nó non quá, khi vừa ra được mấy mét thì có một em học sinh vặn lái, Nghiệp không để ý cứ cho nổ máy chạy khiến đò mắc lái tắp lự. Chỗ đó nước xoáy lắm, tui chạy ra nhìn thấy hét to: “Trời ơi, sao mi lại lái quay vô!”. Khi đó, nước bắt đầu chảy vô đò rồi, chảy rất nhanh, tui hoảng quá lao xuống nhưng không kịp, chỉ cứu được mấy em”, ông Phong kể.

 

Nghiệp tiếp lời cha: “Con định bẻ lái quay vô bờ cho gần chứ không biết làm như thế đò lại vướng, nước chảy vô mạnh trở tay không kịp...”.

 

Ông lái đò từ khi nào, có hợp đồng gì với xã không?

 

Xã bắt đầu ký hợp đồng với tui từ ngày 1/1/2006, Hợp đồng làm theo năm, mỗi năm xã trả cho 1,8 tấn ló (thóc). Tui thấy mình có kinh nghiệm chài lưới, chèo đò từ bé, quen sông nước rồi, mà mỗi năm có từng ấy ló thì cũng được nên nhận làm. Khi ký người ta cũng yêu cầu có kinh nghiệm và trường hợp có người chèo thay.

 

Thằng Nghiệp nó đi bộ đội về, thỉnh thoảng chèo thay cha. Nó không có kinh nghiệm lắm nên mới ra cơ sự ni. Tai nạn xảy ra tui không tưởng tượng nổi, giờ thì trách nhiệm là ở tui, ở con tui, tui xin chịu tội trước pháp luật...

 

Tại sao ông không sắm phao cho người đi đò?

 

Trước có một hai chiếc phao nhưng rồi cũng hỏng, mà ở đây cũng không thấy ai làm nên tui để vậy.

 

Có bao giờ xã đến kiểm tra đò của ông?

 

Nguy hiểm thì tui biết, xã cũng có hỏi sơ sơ nhưng rồi không thấy ai làm gì nữa nên tui cứ chèo, ai dè cơ sự...

 

Nhìn ông lão khắc khổ, gầy teo, người con cũng gầy như bố, nói năng thật thà như đếm, chúng tôi thấy ái ngại. Tai nạn thương tâm xảy ra rồi, ông lão lái đò và con trai sẽ bị truy tố, còn chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước vụ việc đến đâu?

 

Thống kê ở Con Cuông cho thấy, ngoài bến đò Chôm Lôm, hiện còn nhiều bến đò khác như Đồng Tiến, Yên Hòa (xã Lạng Khê); Nông Trang 2-9, Bãi Gạo (xã Châu Khê); Chôm Cống, Liên Hồng (xã Câm Lâm); Lam Khê, Bãi Ổi (xã Chi Khê)... Trong đó, có những bến rất nguy hiểm như Chôm Cống, Bãi Ổi. Cả hai bến này nước sâu, xoáy, riêng bến Bãi Ổi đã từng xảy ra chìm đò gây thiệt mạng.

 

Chỉ tính từ đầu tháng 10/2006 đến nay, Nghệ An đã xảy ra nhiều vụ chìm đò làm chết hơn 30 học sinh. Không thể xây đủ cầu thay các bến đò, vấn đề là công tác quản lý, kiểm tra quá hời hợt.

 

Theo Đăng Trường

Công An Nhân Dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm