1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Phiên tòa sơ thẩm vụ chìm đò Chôm Lôm:

Thương lắm thân phận chủ đò!

(Dân trí) - Cơn mưa bất chợt buổi sớm nay 22/8 trùng thời điểm diễn ra phiên tòa xử vụ án chìm đò ở bến Chôm Lôm, càng khiến không khí phiên tòa trĩu nặng. Bốn bị cáo khuôn mặt khắc khổ, khép nép nhìn. Họ đâu ngờ nghiệp chèo đò vì phận nghèo lại có lúc khiến họ phải đối mặt với quan tòa trước vành móng ngựa.

Không chèo đò, dân bản lấy gì đi lại?

 

Bị cáo Lô Văn Nghiệp (SN 1983) - con chủ đò - dáng gầy xọp, đôi mắt thâm quầng, thỉnh thoảng giương cặp mắt sợ sệt nhìn vào khoảng không. Sau lưng Nghiệp là gia đình của 19 nạn nhân, ngồi ủ rũ.

 

Chủ toạ hỏi Nghiệp về trách nhiệm, nguyên nhân dẫn đến vụ chìm đò. Nghiệp thành khẩn khai báo: “Do dòng nước chảy mạnh, xiết, trời mưa, bản thân không có nhiều kinh nghiệp trong việc chèo đò nên khi xảy ra sự cố đã không kịp xử lý. Hơn nữa, thấy các em đua nhau chen chúc lên đò đến trường, con đò nhỏ mà chở tới hơn 60 người; vẫn biết là hiểm nguy, không đảm bảo an toàn nhưng sợ các em muộn học nên phải chấp nhận”. 

 

Chủ tọa hỏi tới đâu, Nghiệp khai rành mạch tới đó. Như chuyện không có chứng chỉ hành nghề, Nghiệp cũng thừa nhận do hôm đó bố đẻ Lô Quốc Phong ốm nên nhờ Nghiệp chèo hộ.

 

Trước tòa, ông Phong cũng thừa nhận điều này. Buổi sáng định mệnh và oan nghiệt ấy, khi nhờ Nghiệp cầm lái thay mình, ông căn dặn con cố gắng chèo cẩn thận. Ai ngờ...

 

Ông Phong cho rằng: “Việc không có chứng chỉ hành nghề, phương tiện không đảm bảo ATGT, nhưng nếu như làm theo cách của các Đoàn thanh tra liên ngành và Ban ATGT huyện Con Cuông là đình chỉ, cấm hoạt động thì dân bản biết lấy gì để đi lại? Hàng trăm hộ dân và các cháu học sinh phía bên kia núi Piềng Khử ngày ngày vẫn dựa vào bến đò làm phương tiện giao thông chính; giờ đình chỉ, không giải pháp khắc phục giúp dân bản thì dân cũng phải liều chứ biết mần răng được”.

 

Trước tòa, ông Phong trình bày rõ: Tháng 12/2004, dự án phát triển miền Tây Nghệ An tài trợ cho bến đò bản Chôm Lôm một con thuyền bằng gỗ táu. UBND xã Lạng Khê xin huyện cấp phép mở bến đò ngang. Sau khi có giấy phép hoạt động, người có chứng chỉ hành nghề là ông Vi Văn Biển chỉ chèo đò từ đầu năm 2004 đến cuối năm 2005.

 

Ông Biển nghỉ, ông Phong lên thay. Ban cán sự bản, UBND xã biết ông Phong không có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn chấp thuận; bởi nếu ông Phong không nhận chèo đò thì dân bản chỉ còn cách bơi qua sông.

 

Sau khi nhận hợp đồng, thấy thuyền dự án không phát huy hiệu quả, ông Phong bàn bạc với thôn, bản xin tháo đầu máy của thuyền dự án lắp vào thuyền ba lá để hoạt động. Người dân ở bản Chôm Lôm và các thôn bản khác đều thừa nhận cách làm này rất hiệu quả.

 

Ngày 17/5/2006, bến đò Chôm Lôm nhận quyết định của Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Nghệ An: “Đề nghị chủ phương tiện Lô Quốc Phong tạm ngừng hoạt động chuyên chở khách, hàng hoá khi không có đầy đủ các thủ tục”.

 

Đò ngừng hoạt động, không có người thay thế, Ban cán sự bản lại phải chấp nhận phương án tạm thời cho chủ đò Phong tiếp tục hoạt động trở lại. Và ngày 7/10/2006 thì xảy ra vụ chìm đò thảm khốc nói trên.

 

Chỉ tại phận nghèo

 

Kết thúc phiên toà xét xử buổi sáng, ông Phong cố gắng lại gần con trai nhưng bị bảo vệ ngăn cản. Bà Lương Thị Thiện, vợ ông, nức nở nhìn chiếc còng số 8 khoá chặt tay con trai. Ông bà mất liên lạc với Nghiệp suốt từ khi anh bị bắt tạm giam. Mấy lần gửi quà cho con cũng không thấy hồi âm.

 

Sáng nay, vợ chồng ông khăn gói xuống Vinh từ rất sớm. Bà bảo: “Tui dặn ông ấy rồi, cứ có răng nói rứa. Cả đời ni mình cũng không thể trả được hết nợ với dân bản. Chỉ cần dân bản luôn rộng lòng tha thứ là được rồi”.

 

Ông Phong thắc thỏm: “Có đêm nào vợ chồng ngủ được đâu. Mỗi khi chợp mắt, hình ảnh các cháu nhỏ chập chờn, đôi tay vẫy vùng kêu cứu lại hiện về ám ảnh. Từ sau vụ chìm đò ấy, tui thấy lòng mình cắn rứt, chung quy lại cũng chỉ tại cái nghèo thôi. Giá như, ước mơ của dân bản ven sông là có được cây cầu thành hiện thực thì đâu đến nỗi”.

 

Ông Phong được 3 người con, Nghiệp là con thứ và là con trai duy nhất. Chị gái và đứa út đều đã lấy chồng xa. Căn nhà ông nằm ở mé ruộng, mỗi khi trở mùa gió thổi thốc tháo, mưa dột tứ bề. Nhà nghèo, liên tục thiếu ăn, nên khi có quyết định hợp đồng chèo đò, ông hăng hái nhận ngay. Bởi theo như hợp đồng ký nhận, gia đình ông sẽ nhận được 1,8 tấn thóc/năm. Từng đó đối với gia đình nghèo như ông là “sướng” rồi.

 

“Giờ các gia đình nạn nhân yêu cầu đền bù, hỗ trợ, tui biết lấy mô ra. Bán nhà trả nợ cũng không đủ. Mà nếu có trả hết nợ, vợ chồng, con cái chỉ còn cách tìm hang mà ở!” - bà Thiện nức nở phân trần.

Ngọc Bình - Nguyên Nghĩa

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm