1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ án Phạm Công Danh: Quyết liệt điều tra làm trong sạch hệ thống ngân hàng

(Dân trí) - Gần tròn hai năm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB) được cơ quan chức năng phanh phui. Hiện giai đoạn II của vụ án đang được Cơ quan CSĐT gấp rút thực hiện điều tra mở rộng.

Phạm Công Danh gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (Ảnh: HNM)
Phạm Công Danh gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (Ảnh: HNM)

Quyết tâm làm trong sạch môi trường ngân hàng

Liên quan đến vụ án này, mới đây, Văn phòng Trung ương Đảng đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Theo đó, Tổng Bí thư yêu cầu các Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bí thư Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao, Bí thư Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan chức năng và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra, sớm kết thúc để nhanh chóng đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật.

"Trong quá trình xử lý, cần tuân thủ theo quy định của pháp luật, không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội", Công văn truyền đạt chỉ đạo nhấn mạnh.

Đánh giá rất cao quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về yêu cầu sớm đưa vụ án ra xét, Luật sư Trần Viết Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư Công Lý Hà Nội nhận định: “Điều này thể hiện sự quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh đẩy lùi tội phạm kinh tế, làm trong sạch môi trường ngân hàng”.

Trong quá trình điều tra vụ án Phạm Công Danh cũng như các vụ án khác trong những năm gần đây, Bộ Công an và các cơ quan điều tra đã luôn tiến hành khẩn trương, quyết liệt, đưa ra truy tố nhiều loại tội phạm cộm cán, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, không khoan nhượng với bất cứ loại tội phạm nào … vì vậy lực lượng công an được người dân tin tưởng, rất phấn khởi, Luật sư Hưng đánh giá.

Đồng quan điểm này, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng: “Việc Tổng Bí thư yêu cầu khẩn trương điều tra, sớm kết thúc để nhanh chóng đưa vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm ra xét xử cho thấy quyết tâm làm trong sạch bộ máy, giải quyết triệt để vấn nạn tham nhũng”.

“Tôi hy vọng vụ án sẽ sớm được đưa ra xét xử công khai, minh bạch. Những kẻ sai phạm phải chịu hình phạt thích đáng để làm gương cho những ai cậy có quyền chức làm trái pháp luật. Đồng thời, từ vụ án này cũng cần rút kinh nghiệm đối với các cơ quan liên quan tại sao để xảy ra sai phạm nghiêm trọng như vậy?”, Trưởng Văn phòng Luật sư Công lý Hà Nội đề nghị.

Còn bà Bùi Thị An bày tỏ quan điểm: “Sai đến đâu xử lý đến đấy. Cần minh bạch rõ ràng, đúng luật pháp. Đừng nửa vời!”.

Thời gian gần đây, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn thể hiện sự quyết liệt trong xử lý các sự việc tiêu cực. Đơn cử như chỉ đạo kịp thời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng liên quan đến Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe tư, gắn biển xanh. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung phát hiện, điều tra xử lý các vụ án tham nhũng lớn, đưa ra nhiều giải pháp hết sức cụ thể trong đấu tranh chống tham nhũng. Hay như chỉ đạo ráo riết, quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng về vụ việc Formusa gây sự cố môi trường. Đồng quan điểm với đánh giá của Luật sư Trần Viết Hưng, bà Bùi Thị An: “Sự tích cực và quyết liệt trong xử lý các vụ án tiêu cực trong thời gian gần đây khiến người dân rất phấn khởi”.

Diễn biến vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm

Ngày 26/7/2014, Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB bị khởi tố về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại VNCB.

Mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục khởi tố hàng loạt bị can khác, nguyên là cán bộ của VNCB. Trong đó, với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” có 25 bị can; Tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” có 33 bị can; Tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (4 bị can).

Đáng chú ý, có 12 bị can khởi tố 2 tội danh “Cố ý làm trái...” và “Vi phạm quy định về cho vay...”.

Đến tháng 5/2015, Cơ quan CSĐT đã làm rõ được hành vi vi phạm pháp luật của Phạm Công Danh và đồng phạm, cũng như các sai phạm khác có liên quan đến vụ án này như: Sai phạm của 3 ngân hàng (S., T., B.) trong việc cho các công ty liên quan đến Phạm Công Danh vay 8.166,8 tỷ đồng; sai phạm của Tổ giám sát đặt tại VNCB, trách nhiệm của một số cá nhân trong việc tái cơ cấu VNCB...

Ngày 20/11/2015, Cơ quan CSĐT đã có bản kết luận điều tra vụ án số 85/C46 (P10) kết thúc điều tra giai đoạn I, chuyển hồ sơ đến Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 36/50 bị can về 2 tội “Cố ý làm trái...” (Điều 165 BLHS) và “Vi phạm quy định về cho vay...” (Điều 179 BLHS), số bị can còn lại tách ra để tiếp tục truy tố giai đoạn II.

Bản kết luận điều tra khẳng định Phạm Công Danh cùng đồng phạm đã gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỉ đồng.

Tiếp tục thực hiện giai đoạn II của vụ án, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an, cho biết, dù khối lượng công việc rất lớn, liên quan đến nhiều doanh nghiệp, cơ quan và nhiều đối tượng nhưng các phòng chức năng vẫn quyết liệt đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ án xảy ra tại VNCB.

Cơ quan CSĐT không chỉ tập trung làm rõ các hành vi “Vi phạm quy định về cho vay...”, xảy ra tại 3 ngân hàng S., T., B.; hành vi “Cố ý làm trái...” của Phạm Công Danh và đồng phạm liên quan đến 3 ngân hàng mà còn làm rõ hành vi “Thiếu trách nhiệm...” của 4 bị can thuộc Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước đặt tại VNCB để làm rõ sai phạm của một số cá nhân, đơn vị liên quan đến việc tái cơ cấu của VNCB. Điều tra làm rõ sai phạm của các đơn vị, cá nhân trong việc cấp đất cho Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh tại TP Đà Nẵng.

Ngoài ra, Cơ quan CSĐT còn phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Viện KSND Tối cao làm rõ đơn tố cáo của nhóm Phú Mỹ, Phương Trang trong việc sử dụng tiền liên quan đến VNCB và Ban điều hành cũ VNCB (Ngân hàng Đại Tín).

Đánh giá đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, trong quá trình điều tra có nhiều khó khăn, vướng mắc nên Lãnh đạo Bộ Công an cũng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo Cơ quan CSĐT tập trung lực lượng điều tra, làm rõ những nội dung trong giai đoạn II của vụ án với yêu cầu hoàn tất điều tra trong thời gian sớm nhất.

Theo thông tin mới nhất, TAND TP.HCM, ngày 19/7 tới đây, sẽ đưa vụ “đại án” Ngân hàng xây dựng ra xét xử sơ thẩm.

T.Thuỷ