DMagazine

Võ Thị Hoàng Yến - Cánh chim yến của cộng đồng người khuyết tật!

(Dân trí) - Như cánh chim không mỏi, suốt 13 năm qua, Võ Thị Hoàng Yến phấn đấu không ngừng nghỉ cho cuộc sống tốt đẹp hơn đến với những người khuyết tật (NKT) như chị.

Yen.JPG

Gian nan con đường học vấn

Ngày 4/3, Tạp chí Forbes Việt Nam chính thức công bố danh sách 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 trong số báo đặc biệt tháng 3/2019. Trong những người phụ nữ “quyền lực” này, ở lĩnh vực hoạt động xã hội có chị Võ Thị Hoàng Yến (SN 1966), người sáng lập và điều hành Trung tâm Khuyết tật (NKT) và Phát triển Việt Nam (DRD), Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam.

Không phải cho đến bây giờ chị Võ Thị Hoàng Yến mới được công nhận như là 1 người phụ nữ có ảnh hưởng, có đóng góp nhiều cho xã hội. Chị đã từng được rất nhiều tổ chức, chính phủ trên thế giới ghi nhận, chúc mừng, trao giải thưởng với các giải thưởng danh giá như giải Ramon Magsaysay (2018), Giải thưởng Kazuo Itoga Memorial của Châu Á -Thái Bình Dương (2009),...

Võ Thị Hoàng Yến

Là NKT nhưng chị Võ Thị Hoàng Yến đạt được nhiều thành tựu mà ít ai làm được

Khi xướng tên Võ Thị Hoàng Yến lên bục nhận giải tôn vinh “Những anh hùng của niềm hy vọng” trong hệ thống giải thưởng Ramon Magsaysay danh giá, ban tổ chức giải đánh giá: “Trong việc bầu chọn Võ Thị Hoàng Yến để nhận được giải thưởng Ramon Magsaysay 2018, Ban chấp hành đã công nhận tinh thần dũng cảm và năng lượng phi thường của cô trong việc vượt lên trên tình trạng khuyết tật; sự lãnh đạo sáng tạo, khéo léo của cô trong chiến dịch bền vững để phá vỡ các rào cản về vật chất và tinh thần đã khiến những NKT ở Việt Nam bị thiệt thòi; và để trở thành một hình mẫu sáng tạo, đầy cảm hứng cho giới trẻ ở Việt Nam và những nơi khác trên thế giới noi theo”.

Võ Thị Hoàng Yến nói về giải thưởng Ramon Magsaysay Award
vothihoangyen.jpg

Nhưng ít ai biết, để có những thành công như ngày hôm nay, chị đã không ngừng phấn đấu, vượt qua bao khó khăn, thử thách của cuộc đời để vững bước trên con đường mình đã chọn. Đầu tiên là thử thách đứng dậy tập đi của cô bé 2,5 tuổi bị đánh bại bởi cơn sốt bại liệt khiến 2 chi dưới không còn cảm giác...

* * *

Chị Yến kể:

Lúc đó chị mới biết đi chập chững thôi thì bị cơn sốt vật xuống, nằm liệt 1 chỗ, 2 chân yếu dần và không còn cảm giác. Sau nhiều tháng điều trị, chân chị mới khỏe lại nhưng vẫn bị di chứng nên yếu, không đứng được. Chị phải tập đứng lại từ đầu, rồi tập đi. Vì chân phải yếu hơn chân trái nên dáng đi cứ tập tễnh, khó nhọc và chỉ đi được quãng ngắn, không thể đi xa và nhanh như người không khuyết tật.

Dường như với chị Yến, tuổi thơ đầy trắc trở của cô bé khuyết tật thật đơn giản và câu chuyện thật nhẹ nhàng. Giọng chị bình thản khi kể về con đường đến trường đầy sình lầy, bụi đất mà hàng ngày chị tập tễnh lê chân đến; về câu chuyện trường cấp 3 xa nhà, cô bé Yến ngày đó phải trầy trật, ngã không biết bao nhiêu lần để tập chạy xe đạp với 1 cái chân còn hơi khỏe mạnh; về những tiếng dè bỉu, chọc ghẹo cô là “Quách Què” mỗi khi đến lớp của những bạn trai tinh nghịch...

Tất cả những điều đó chị đã vượt qua bằng nghị lực và sự lạc quan của 1 cô gái trẻ chưa từng tự ti vì khuyết tật của mình. Chị chỉ cảm thấy hơi buồn vì càng lớn chị càng nhận ra có nhiều sự thay đổi trong thái độ của mọi người đối với mình.

“Tôi nhận ra rằng, thái độ của những người bên ngoài mới làm mình cảm nhận mình là NKT. Tôi thấy mình khác trong mắt những bạn bè xung quanh!”, chị Yến nói.

6.jpg

Chị Yến chỉ cảm thấy hơi buồn vì càng lớn cô càng nhận ra có nhiều sự thay đổi trong thái độ của mọi người đối với mình

Tuy nhiên, khi đến trước ngưỡng cửa đại học thì chị lo lắng thực sự bởi loay hoay mãi mà chị vẫn không tìm thấy ngành học phù hợp cho mình.

Chị Yến kể: “Tôi tính học y như các anh chị nhưng bị cản vì sức khỏe của tôi không thể theo nổi cái nghề nặng nhọc này. Tôi giỏi văn nên thầy khuyên nên đi dạy học hay làm thư viện. Nhưng bàn tính lại thì người ta không nhận NKT làm giáo viên, còn làm thư viện thì tôi cũng không đủ sức để leo cao xếp sách vở... Cuối cùng có người chú khuyên tôi học kinh tế để sau này có thể tự làm ăn”.

Vậy là vào năm 1985, Hoàng Yến thi đỗ trường Đại học Kinh tế TPHCM học khoa Tổ chức quản lý. Khi đến trường, chị Yến lại không thể vượt qua vòng... khám sức khỏe. Vì ngày ấy các trường đại học chỉ nhận sinh viên đủ sức khỏe đảm bảo việc học và ra trường đủ điều kiện bố trí việc làm. Chị lại phải chạy vậy làm đủ thứ thủ tục, cam kết khi ra trường tự kiếm việc làm mới được cho phép nhập học.

“Bỏ qua những trở ngại như lớp học trên lầu cao phải leo vất vả, nhiều tiện ích học tập khó tiếp cận... thì tôi thấy việc học đối với NKT cũng bình thường như người không khuyết tật. Điều khác biệt lớn nhất mà tôi cảm thấy là khi chọn con đường tương lai, NKT có quá ít lựa chọn phù hợp, cánh cửa quá hẹp để bước qua!”, chị Yến nhận định.

Võ Thị Hoàng Yến - Gian nan con đường học vấn

“Trái tim tôi ở Việt Nam!”

Trái tim của tôi ở Việt Nam.jpg

Nhưng mọi khó khăn trong trường học chỉ là trở ngại nhỏ nhặt, khi ra trường chị Yến mới đối mặt với khó khăn thực sự.

“Qua sự giới thiệu của bạn bè, tôi nộp đơn xin làm kế toán trưởng ở một công ty liên doanh. Khi đến hẹn phỏng vấn, tôi vô tình vào trước, ngồi sẵn trong phòng họp, ông giám đốc vào sau phỏng vấn rồi đưa tôi một bản fax tiếng Anh để tôi dịch. Sau khi nghe dịch xong, ông giám đốc bảo thứ 2 tuần sau tôi đến công ty làm việc rồi ông vội vàng đi ra. Khi ấy tôi thấy anh thư ký nhìn tôi, rồi nhìn chân tôi với ánh mắt lạ lắm nhưng tôi không để ý vì đang rất vui”, chị Yến nhớ lại.

Sáng thứ hai, khi chị đến công ty làm việc thì ông giám đốc không có mặt ở đó mà chỉ có anh thư ký tiếp chị và nhẹ nhàng bảo: “Công ty có sự thay đổi nhỏ nên chị cứ về đi, khi nào có việc chúng tôi sẽ liên lạc sau!”.

Chị Yến lặng người đi và hiểu cảm giác là lạ mà mình từng cảm thấy là gì. “Có lẽ đây là cú sốc nặng nhất trong cuộc đời tôi. Lần đầu tiên tôi thấy mình bị phân biệt đối xử thật sự! Người ta phân biệt không phải vì năng lực mà vì mình là người khuyết tật!”.

“Lúc đó tôi tự hỏi: Mình hoàn toàn có khả năng, có thể làm việc tốt nhưng người ta không chấp nhận chỉ vì mình khuyết tật thôi sao? Vậy thì mình có thể làm gì đây? Chẳng lẽ cứ suốt đời sống nhờ vào gia đình?”, nhiều đêm chị Yến mất ngủ và tự dằn vặt mình.

Nhưng nhìn người thân xung quanh, chị ngộ ra và tự nhủ: “Phải sống và phải làm để chứng minh rằng, NKT vẫn có thể làm việc và làm được nhiều việc cho đời!”.

xinviec.jpg

Sau lần xin việc ấy, chị Yến trăn trở: “Tại sao NKT luôn bị đối xử bất công?”. Có lẽ chính từ đó, chị lao vào các công tác xã hội liên quan đến NKT rồi được giới thiệu nhận học bổng đào tạo thạc sĩ của quỹ Ford vào năm 2001. Chị chọn học chuyên ngành Phát triển con người tại đại học Kansas (Hoa Kỳ) và cô gái trẻ khuyết tật xách ba lô lên đường qua đất Mỹ bắt đầu hành trình mới...

Những ngày học ở đất khách cũng lắm chông gai vì ngành học mới, môi trường mới với ngôn ngữ giảng dạy chính là tiếng Anh buộc chị phải cố gắng gấp đôi, gấp ba bạn học. Nỗ lực cố gắng để chứng tỏ mình của chị cũng được đền đáp khi chị tốt nghiệp xuất sắc chương trình học, bảo vệ thành công luận án với đề tài “ Nâng cao nhận thức cho sinh viên khuyết tật tại các trường đại học Hoa Kỳ”.

1.JPG

Vượt qua khó khăn, chị hoàn thành xuất sắc khóa học thạc sĩ tại Mỹ, trở thành số ít NKT Việt Nam tham gia nhiều hoạt động quốc tế

7 (2).JPG

Chị Yến hoàn thành nghiên cứu tiến sĩ về công tác xã hội của Đại học La Trobe ở Úc

Đề tài của chị được đưa vào ứng dụng, trở thành tài liệu giảng dạy tại trường và được mời báo cáo tại trụ sở chính của World bank ở Washington D.C. Nhờ đó, chị được giáo sư hướng dẫn mình nhận làm trợ lý để chị có thể tiếp tục vừa làm việc tại trường vừa theo tiếp chương trình tiến sĩ. Đồng thời, chị Yến cũng nhận được lời đề nghị về làm việc cho chương trình phát triển các nước châu Mỹ Latinh tại 1 tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, đứng trước 2 lời mời hấp dẫn ấy, chị Yến lại chọn trở về Việt Nam để làm điều gì đó cho NKT Việt Nam dù rằng chị chưa từng nhận được lời mời làm việc nào trong nước. Khi viết thư từ chối lời mời của vị giáo sư hướng dẫn mình mà Hoàng Yến xem như người cha, người đã giúp đỡ, chăm sóc chị suốt thời gian học tập tại Mỹ, chị viết: “Trái tim tôi ở Việt Nam!”.

Võ Thị Hoàng Yến - Trái tim tôi ở Việt Nam

Làm tất cả để phát triển cộng đồng NKT

Khi trở về Việt Nam, chị Yến tham gia giảng dạy tại đại học Mở TPHCM rồi viết dự án tìm kiếm tài trợ và bắt đầu mơ ước của mình bằng việc sáng lập chương trình Khuyết tật và phát triển (tiền thân của Trung tâm Khuyết tật và phát triển - DRD bây giờ) trực thuộc khoa Xã hội học và công tác xã hội của trường.

Theo chị Hoàng Yến, vấn đề lớn nhất của cộng đồng NKT Việt Nam thời điểm đó là rất tự ti, yếu thế, trình độ học vấn thấp, ít người dám ra đường học tập và làm việc để tự nuôi sống bản thân, tâm thế chờ đợi xã hội giúp đỡ rất nặng. Trong khi đó, đối với NKT thì người không khuyết tật lại có suy nghĩ phổ biến là thương hại, thích làm từ thiện, giúp đỡ NKT khuyết tật theo kiểu ban phát... Điều này càng khiến NKT tự ti và thụ động hơn.

phathuybanthanh.jpg

Chị Yến nói: “Người Việt thường có thói quen làm từ thiện vì thương hại, tạo nên nhiều hệ lụy tiêu cực cho chính người được nhận sự trợ giúp, chẳng hạn như nhiều NKT vẫn còn có tâm thế chờ đợi sự ban ơn. Có khi vì “thương” họ mà thành ra “hại” họ. Thực ra, từ thiện không chưa đủ mà từ thiện phải đi kèm yếu tố phát triển, phải tạo động lực cho người được trợ giúp vươn lên chứ không biến họ thành người thụ động chờ sự giúp đỡ”.

lamdungcach.jpg

Bởi vậy nên khi xây dựng DRD, chị Yến không đi theo con đường từ thiện mà đặt ra mục tiêu là nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như năng lực cho cộng đồng NKT; phấn đấu cho một xã hội hoà nhập, không rào cản, nơi mà NKT có đủ năng lực tham gia vào các hoạt động xã hội một cách công bằng và bình đẳng. Đồng thời, mục tiêu chính yếu thứ 2 là thay đổi nhận thức của xã hội đối với NKT, biết cách hỗ trợ NKT để họ hòa nhập và phát triển bản thân.

Mục tiêu thì chỉ khái quát vài dòng đơn giản, nhưng công việc để thực hiện 2 mục tiêu trên mà chị Yến cùng các cộng sự ở DRD thực hiện trong hơn 13 năm qua là “vô thiên lủng”.

Ban đầu, chị Yến khảo sát và nhận thấy hầu hết NKT ngại ra đường, ngại đến trường học tập vì hầu hết các công trình giao thông, giáo dục, y tế... đều được xây dựng không đúng quy chuẩn cho NKT tiếp cận. Vậy là DRD tổ chức điều tra hàng ngàn công trình trên địa bàn TPHCM và làm báo cáo rõ ràng, đề đạt lên chính quyền TP yêu cầu sửa đồi. Đồng thời, DRD xây dựng bản đồ các công trình đạt chuẩn, NKT có thể tiếp cận được, làm thành cẩm nang phát miễn phí cho NKT, số hóa để đưa lên mạng internet...

Sau đó, chị Yến thấy NKT tại TPHCM vẫn ngại ra đường để hòa nhập xã hội vì thiếu phương tiện hỗ trợ, chị liền tìm kiếm các nguồn tài trợ thành lập đội xe taxi 3 bánh chuyên tuyển tài xế NKT và chuyên phục vụ miễn phí cho NKT đi lại.

8.JPG

Người phụ nữ khuyết tật này đã đi khắp đất nước để xúc tiến thành lập các hội nhóm NKT, giúp mọi người gắn kết, tương trợ lẫn nhau

14.JPG

Mong ước lớn nhất của chị là nâng cao năng lực của cá nhân từng NKT, rồi đến tập thể cộng đồng NKT

Chị Yến lại thấy có quá nhiều sinh viên khuyết tật học tập khó khăn, chị lập ra chương trình học bổng Người bạn đồng hành với hỗ trợ chi phí sinh hoạt hàng tháng, đồng thời mỗi sinh viên khuyết tật còn được bố trí 1 tình nguyện viên hỗ trợ việc học trong trường.

Thấy thanh niên khuyết tật rất ngại giao tiếp với người không khuyết tật, DRD lập ra hàng loạt chương trình đào tạo kỹ năng sống cho họ như kỹ năng làm việc nhóm, cách ứng xử khi phỏng vấn xin việc, kỹ năng làm việc nhóm, phát biểu trước đám đông... Rồi từ đó xúc tiến xây dựng các đội nhóm NKT như CLB sinh viên khuyết tật, CLB phụ nữ khuyết tật, CLB phụ nữ khiếm thính...

Để thuận tiện cho NKT học tập, DRD còn xây dựng hội quán Đời Rất Đẹp, mời những văn nghệ sĩ nổi tiếng đến biểu diễn cùng những NKT giỏi ca hát. Chị Yến nói: “Khách mời của các đêm nhạc có cả NKT lẫn người không khuyết tật. Đó là cơ hội để NKT giao tiếp, mở lòng, chứng tỏ bản thân. Đồng thời cũng là cơ hội cải thiện dần cái nhìn của người không khuyết tật về chúng tôi, về những giá trị của NKT...”.

9.jpg

Hội quán Đời rất đẹp là nơi để NKT và người không khuyết tật giao lưu để hiểu nhau hơn

Chị Yến tiếp tục khảo sát và nhận thấy cộng đồng vẫn rất ít quan tâm đến NKT, chị nỗ lực kết nối cùng các đơn vị truyền thông để nhờ họ truyền đạt các thông điệp tích cực của NKT đến cộng đồng. Đồng thời, chị sáng lập website về Luật và Chính Sách cho người khuyết tật (8/2010), lập thư viện điện tử về lĩnh vực khuyết tật (6/2008), tổ chức in ấn và phổ biến các tài liệu liên quan đến lĩnh vực NKT...

Ngoài ra, DRD còn xây dựng chương trình “1 thế giới cho tất cả” với những chương trình phô diễn tài năng của NKT, những gương sáng NKT, phổ biến những kiến thức liên quan đến lĩnh vực NKT... Những chương trình này được đưa đến biểu diễn tại các trường đại học ở TPHCM, cố gắng tiếp cận với sinh viên - tầng lớp tinh hoa sẽ làm chủ đất nước trong tương lai, để dần thay đổi cách nhìn của họ về NKT.

2.JPG

Chương trình 1 thế giới cho tất cả được kỳ vọng sẽ thay đổi nhiều hơn nhận thức của xã hội về NKT

Chị Yến nói: “Thay đổi nhận thức của cộng đồng về NKT rất quan trọng. Từ việc nhìn nhận NKT là những con người có đầy đủ khả năng làm việc bình thường thì các doanh nghiệp sẽ tiếp nhận NKT làm việc nhiều hơn, các chính sách mới khi ra đời sẽ chú ý đến NKT nhiều hơn, những cán bộ làm trong các lĩnh vực hỗ trợ NKT sẽ biết cách hỗ trợ NKT đúng hơn...”.

Hiện DRD đang xúc tiến mở rộng chương trình “1 thế giới cho tất cả” ra ngoài TPHCM, đầu tiên là xây dựng tại Tây Ninh và Bình Định nhằm giúp các cán bộ ngành xã hội, y tế... tại các địa phương này hiểu nhiều hơn về lĩnh vực NKT; giúp cộng đồng NKT tại các tỉnh xây dựng thành hội, nhóm, câu lạc bộ để gắn kết hoạt động, tương trợ lẫn nhau...

3.JPG

Chỉ có học tập thì NKT mới có thể nâng cao năng lực, có thể làm việc tốt hơn để tự nuôi sống bản thân, có vậy mới dần tích lũy và đóng góp cho xã hội

raocan.jpg

Và chị nỗ lực cả đời để xóa bỏ các rào cản hạn chế NKT phát triển, hòa nhập xã hội

Chị Hoàng Yến chia sẻ: “Hơn 13 năm qua, phải nói là nhận thức của xã hội đối với NKT đã thay đổi rất nhiều theo hướng tích cực. Nhưng vẫn còn đó rất nhiều rào cản hạn chế NKT ra đường học tập, làm việc. Mà chỉ có học tập thì NKT mới có thể nâng cao năng lực, có thể làm việc tốt hơn để tự nuôi sống bản thân, có vậy mới dần tích lũy và đóng góp cho xã hội. Bởi thế nên, công việc của tôi và các cộng sự ở DRD vẫn còn rất nhiều, con đường phải đi còn rất dài...”.

Võ Thị Hoàng Yến - Như cánh chim không mỏi

Chị Hoàng Yến cho rằng: “Muốn cộng đồng nhìn nhận mình có ích thì NKT phải không ngừng rèn luyện bản thân, nâng cao năng lực của chính mình. Khi NKT đóng góp giá trị của mình vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thì sự tham gia bình đẳng của NKT và các cơ hội công bằng cho NKT mới thực sự có ý nghĩa”.

Ngay bản thân mình, trong quá trình làm việc, chị Yến vẫn không ngừng học tập và nỗ lực phát triển bản thân. Chị đã hoàn thành nghiên cứu tiến sĩ về công tác xã hội của Đại học La Trobe ở Úc vào năm 2017. Ngoài ra, chị Yến tìm kiếm mọi cơ hội để cho nhân viên của DRD được tham gia các khóa học ngoại ngữ rồi đưa ra nước ngoài học nâng cao trình độ như đưa Lưu Thị Ánh Loan sang Mỹ học thạc sĩ, đưa Nguyễn Thanh Tùng sang Úc học thạc sĩ...

Bài: Tùng Nguyên
Ảnh + Clip: Phạm Nguyễn
(trong bài có sử dụng 1 số hình ảnh tư liệu của DRD)