Vĩnh Phúc tìm hướng khắc phục hậu quả trận ngập lịch sử

Thế Kha

(Dân trí) - Tính toán lưu lượng xả tràn các hồ Đại Lải, Thanh Lanh, Xạ Hương hợp lý để giảm áp lực ngập úng cho vùng hạ du thuộc huyện Bình Xuyên, TP Phúc Yên và khu vực phía nam TP Vĩnh Yên.

Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành tại hội nghị nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc báo cáo tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh và công tác khắc phục hậu quả.

Báo cáo cho biết, lượng mưa đo được tính đến sáng ngày 25/5 tại TP Vĩnh Yên là 506mm - cao nhất kể từ năm 1978 đến nay, cao hơn cả đợt mưa lũ lịch sử năm 2008.

Lượng mưa tại huyện Tam Đảo lên tới 937mm, huyện Tam Dương là 491,6mm, huyện Vĩnh Tường là 312,2mm, huyện Bình Xuyên là 485,6mm, TP Phúc Yên là 348mm.

Mưa lớn đã làm mực nước một số sông dâng cao: Sông Phó Đáy tại đập Liễn Sơn là +18.70m, sông Phan tại Sáu Vó là +8.67m. Mực nước các hồ chứa lớn ở ngưỡng cao và phải xả tràn. Hiện tại có 9 hồ nước đang xả tràn, trong đó 2 hồ có cửa van là hồ Đại Lải và hồ Thanh Lanh; 7 hồ xả tràn tự do gồm Làng Hà, Vĩnh Thành, Vân Trục, Bò Lạc, Suối Sải, Bản Long, Lập Đinh.

Mưa lớn cũng đã làm ngập úng diện tích 9.532ha (lúa 7.350ha; màu 1.651ha; thủy sản 411ha; cây khác 120ha). Qua kiểm tra cho thấy tình trạng ngập úng cục bộ kéo dài chia cắt các tuyến giao thông.

Vĩnh Phúc tìm hướng khắc phục hậu quả trận ngập lịch sử - 1

Tỉnh Vĩnh Phúc vừa trải qua một đợt mưa lũ lịch sử (Ảnh: Hải Yến).

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định, một số khu vực trọng yếu nước ngập sâu, một số đập tràn chảy mạnh, chảy xiết nhưng chính quyền địa phương chưa có giải pháp kịp thời tháo gỡ vật cản, khơi thông dòng chảy. Đặc biệt một số nơi thiếu các biện pháp ngăn chặn, cảnh báo, bảo vệ để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Việc này xảy ra tại xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo….

Một số địa phương chưa mở cửa xả lũ kịp thời, khiến nước dâng cao, dồn ứ. Chuyện này xảy ra ở hồ Khai Quang, TP Vĩnh Yên.

Trong khi đó, việc báo cáo, cung cấp thông tin của các sở, ban, ngành, đơn vị là thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc với lãnh đạo Ban Chỉ huy chưa tốt, cần phải được rà soát, chấn chỉnh kịp thời.

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, dự báo tình hình mưa bão trong năm 2022 sẽ còn diễn biến bất thường, các loại hình thiên tai có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ nguy hiểm.

Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc được yêu cầu tính toán lưu lượng xả tràn các hồ Đại Lải, Thanh Lanh, Xạ Hương một cách hợp lý để giảm áp lực ngập úng cho vùng hạ du - khu vực huyện Bình Xuyên, TP Phúc Yên và khu vực nam TP Vĩnh Yên.

Vận hành tối đa công suất các trạm bơm tiêu ra các sông Lô, sông Phó Đáy. Trong trường hợp thời tiết những ngày tới thuận lợi, căn cứ mực nước trong đồng tại bể hút, xem xét dừng vận hành trạm bơm tiêu Cao Đại để giảm lượng nước đổ vào sông Phan, giảm ngập úng cho các vùng hạ du gồm huyện Vĩnh Tường, huyện Yên Lạc và TP Vĩnh Yên.

Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra, khơi thông hệ thống thoát nước của đường giao thông được giao quản lý. Cung cấp thông tin các tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt để người dân chủ động trong việc tham gia giao thông.