1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Việt Nam là nước thứ 12 “dám” làm đường sắt cao tốc

(Dân trí) - Chiều 21/5, dự án đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam với số vốn dự kiến tới 55 tỷ USD tiếp tục là đề tài nóng tại các tổ khi thảo luận. Có đại biểu đặt câu hỏi: Tại sao trên thế giới hiện chỉ có 11 nước “dám” làm đường cao tốc?


Việt Nam là nước thứ 12 “dám” làm đường sắt cao tốc - 1
Đường sắt cao tốc (ảnh minh họa)
 
Vốn 55 tỷ USD: Khó hay không khó
 
Lo ngại về tính khả thi của dự án, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (tỉnh Yên Bái) cho rằng, về chủ trương thì đa số đại biểu Quốc hội có vẻ thống nhất nhưng vẫn còn không ít băn khoăn. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường cũng nêu ra hàng loạt vấn đề còn vướng mắc. “Tại sao trên thế giới chỉ có 11 nước dám làm đường sắt cao tốc? tính hiệu quả và khả năng huy động vốn như thế nào?, đại biểu Tuyết đặt câu hỏi.

Trước việc đề xuất QH thông qua và đồng ý “về mặt chủ trương” để tiếp tục nghiên cứu dự án, đại biểu Tuyết e ngại: "Nếu sau này nghiên cứu thấy phương án không thực hiện được thì lại thôi à?. Theo tôi, cần phải nghiên cứu kỹ hơn, cung cấp thêm thông tin trước khi trình QH".

Tiến sĩ Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) cho rằng, thông qua hay không thông qua dự án đường sắt cao tốc thể hiện trách nhiệm rất lớn với tương lai, với thế hệ sau. Cũng theo ông Lịch, 20 năm nữa, sự thay đổi về công nghệ, kinh tế, đời sống sẽ rất lớn... nên đòi hỏi phải có tầm dự báo.

Trước khi đưa ra quan điểm của mình, ông Lịch đưa ra bài toán ngược: phương tiện giao thông gì sẽ là chủ yếu trong 15 - 20 năm nữa? Không thể là ô tô bởi đây là phương tiện cá nhân. Tàu thủy nước ta đã từng làm, nhưng cần suy nghĩ thêm… “Đi lại bằng tàu sắt sức chứa lớn là phương tiện chủ lực và lẽ ra chúng ta phải đầu tư cho đường sắt từ lâu rồi”, ông Lịch lập luận.

Về lựa chọn phương án, theo ông Lịch, nếu chọn tàu thường chở người và hàng hóa với tốc độ 200km/h, sau này đất nước phát triển cần có tàu cao tốc sẽ không nâng lên được. “Đầu những năm 1990, viễn thông nước ta là con số 0, chúng ta phải bàn luận chọn anolog hay kỹ thuật số và may mắn là chúng ta đã chọn loại hình hiện đại nhất, kỹ thuật số - đó là chiến lược đúng đắn. Điều gì sẽ xảy ra khi lúc đó chúng ta chọn anolog?”, ông Lịch nói.

Từ phân tích này, ông Lịch nhận định, phương án đường sắt cao tốc là phù hợp. Tuy nhiên, điều khiến ông Lịch băn khoăn là việc sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn nhà cung cấp và phải làm sao để không bị chèn ép về giá.

Về mối lo ngại xung quanh nguồn vốn triển khai dự án, ông Lịch phân tích: “Nếu cứ lấy 55 tỷ USD đối chiếu với GDP ta thấy ngán, nhưng bóc tách ra, chia 20 năm sẽ không đến nỗi quá khó đáp ứng”.
Việt Nam là nước thứ 12 “dám” làm đường sắt cao tốc - 2
Đại biểu Trần Du Lịch: Bóc tách ra, 55 tỷ USD trong 20 năm sẽ không quá khó
 
Có cùng quan điểm, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng, phải chọn phương án đầu tư hiệu quả nhất. Bà Loan cho biết, Đài Loan dự kiến làm đường sắt cao tốc 27 tỷ USD, sau đó đấu thầu chỉ có 16 tỷ USD, thu hồi vốn nhanh. “Nên chọn phương án đầu tư nhà nước và dân cùng làm, đồng thời tổ chức đấu thầu, nhưng cần có những qui định pháp luật phù hợp, tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia”. Theo bà Loan, chọn phương án này, có thể sẽ thu hồi vốn nhanh hơn, không phải 40 năm mà có thể chỉ là 20 năm như Đài Loan đã làm.
 
Bộ đã trình Chính phủ 4 phương án 
 
Trước những ý kiến lo lắng về dự án của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã dành tới nửa tiếng đồng hồ để cung cấp thêm thông tin về dự án. Theo ông Dũng, hệ thống đường sắt ở nước ta hiện nay được xây dựng cách đây 120 năm, nhìn lại thì thấy vào thời điểm đó, việc xây dựng tuyến đường này là “rất vĩ đại”.

“Giai đoạn phát triển hiện nay đòi hỏi phải có đầu tư, phục hồi ngành đường sắt cho đúng với đúng vai trò của nó. Không có nước nào vận tải đường bộ dài tới cả ngàn km như ở ta, vì thế chúng ta phải đầu tư vào đường sắt”, ông Dũng nói.

Người đứng đầu ngành giao thông cho biết, kế hoạch phát triển ngành đường sắt, Bộ GTVT trình Chính phủ tới 4 phương án, trong đó có phương án làm thêm tuyến đường sắt rộng 1m45 “lồng” với tuyến đường rộng 1m hiện nay. Tuy nhiên, qua phân tích, Chính phủ quyết định chọn phương án làm đường sắt cao tốc.

Vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là vốn, ông Dũng giải thích, có thể phải huy động nhiều nguồn vốn khác nhau như ODA, OCE, vốn vay thương mại… Ngoài ra, có thể nhà nước đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị. “Vì thế, hiện nay chưa thể làm rõ được nhiều vấn đề liên quan do chưa nắm được cơ cấu nguồn vốn ”, ông Dũng cho hay.

Về vấn đề an toàn, ông Dũng cho biết, 2/3 tuyến đường được bố trí trên cầu cạn, tách khỏi khu dân cư, những nơi khác thì có rào cách ly.

“Chốt” phần phát biểu của mình, Bộ trưởng GTVT khẳng định, chúng ta nên làm tuyến đường sắt cao tốc, chỉ có điều cần cân nhắc phân kỳ đầu tư, ví dụ ưu tiên 1 là đoạn TPHCM- Nha Trang, ưu tiên 2 là đoạn Hà Nội - Vinh…

“Sau khi hoàn thành các đoạn này, chúng ta sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để đưa ra quyết định cho các đoạn còn lại”, ông Dũng nói.

Nguyên Đức - Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm