Vì sao số vụ việc đăng ký lại khai sinh, cải chính hộ tịch tăng mạnh?
(Dân trí) - Chưa có sự phối hợp chủ động, chặt chẽ giữa cơ quan công an và tư pháp cùng cấp tại địa phương, dẫn đến tăng mạnh số vụ việc đăng ký lại khai sinh/bổ sung/cải chính hộ tịch tại nhiều địa phương.
Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2021 của Bộ Tư pháp, cơ quan này cùng với các Sở Tư pháp trên cả nước đã tích cực, chủ động hướng dẫn thực hiện thống nhất, linh hoạt tối đa về công tác khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, chứng thực cho người dân, đặc biệt tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội; đăng ký giám hộ, chăm sóc, hỗ trợ trẻ bị mồ côi, không có người nuôi dưỡng do mất cha, mẹ, người thân thích bởi dịch bệnh Covid-19.
Việc thực hiện đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc được đẩy mạnh, triển khai tại 63 tỉnh/thành phố. Đến nay đã ghi nhận trên 21,2 triệu dữ liệu khai sinh với trên 6,4 triệu dữ liệu khai sinh đủ điều kiện và được Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cấp số định danh cá nhân; trên 2,7 triệu dữ liệu khai sinh của trẻ em dưới 6 tuổi đã được chuyển thành công sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để cấp thẻ bảo hiểm y tế; trên 4,2 triệu dữ liệu kết hôn; trên 3 triệu dữ liệu khai tử và trên 5,6 triệu hồ sơ đăng ký các sự kiện hộ tịch khác.
Năm 2021 số lượng đăng ký khai sinh tăng cao do nhiều công dân thực hiện đăng ký mới (quá hạn) và đăng ký lại để làm căn cước công dân.
Bộ Tư pháp đã kịp thời trình Chủ tịch nước giải quyết 4.966 hồ sơ về quốc tịch, trong đó bao gồm 4.883 trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam, 3 trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam và 80 trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Đồng thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời gian thực hiện đề án giải quyết các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác cho người di cư tự do từ Campuchia về nước đến hết năm 2025.
Dù vậy, cơ quan này thừa nhận vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình sử dụng Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung (cả về vấn đề kết nối hệ thống và các tính năng của phần mềm); tiến độ cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh trong một số trường hợp còn chậm.
"Chưa có sự phối hợp chủ động, chặt chẽ giữa cơ quan công an và cơ quan tư pháp cùng cấp tại địa phương, dẫn đến tình trạng tăng mạnh số vụ việc đăng ký lại khai sinh /bổ sung/cải chính hộ tịch tại nhiều địa phương khi người dân thực hiện thủ tục cấp căn cước công dân có gắn chíp"- Bộ Tư pháp cho hay.
Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng thỏa thuận cho nhận con nuôi chỉ có giấy tờ viết tay hoặc tự ý đem trẻ em bị bỏ rơi về chăm sóc nuôi dưỡng, hoặc lợi dụng việc cấp giấy chứng sinh để hợp thức "cha mẹ nuôi" thành cha mẹ đẻ mà không thông qua thủ tục đăng ký nuôi con nuôi.
Tình trạng chậm cấp phiếu lý lịch tư pháp vẫn còn; chưa có giải pháp kết nối phần mềm dùng chung với phần mềm tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp.