1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vì sao chuỗi động đất liên tiếp xảy ra tại Kon Tum?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Theo ông Phạm Thế Truyền - Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và sóng thần, Viện Vật lý địa cầu, nhận định sơ bộ chuỗi động đất xảy ra ở khu vực tỉnh Kon Tum có nguyên nhân do hồ chứa.

Chiều 24/8, tại Hà Nội, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến với các thành viên Ban chỉ đạo và Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam.

Theo báo cáo, trong các trận động đất xảy ra vừa qua tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum không ghi nhận thiệt hại về người.

Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã ghi nhận 146 trận động đất, với cường độ từ 2,5-4,7 độ richter, trong đó trận động đất mạnh nhất 4,7 độ richter xảy ra ngày 23/8 vừa qua. Chỉ tính riêng trong ngày 23-24/8, trên địa huyện Kon Plông đã xảy ra 12 trận động đất.

Vì sao chuỗi động đất liên tiếp xảy ra tại Kon Tum? - 1

Ông Trần Quang Hoài phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Nguyễn Dương).

Ông Phạm Thế Truyền - Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và sóng thần, Viện Vật lý địa cầu - cho biết, theo nhận định sơ bộ chuỗi động đất xảy ra ở khu vực tỉnh Kon Tum có nguyên nhân do hồ chứa, nhưng để có cơ sở phải đánh giá chi tiết và nghiên cứu cụ thể cho khu vực này.

Ngay sau khi có Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó động đất ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, Viện đã phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị quản lý các công trình Thủy điện Thượng Kon Tum, hồ thủy điện Đắk Đrinh để lên kế hoạch lắp đặt 3 trạm quan trắc, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 3/9, nâng tổng số trạm quan trắc ở khu vực này lên 6 trạm.

"Về lâu dài, chúng tôi kiến nghị cần tăng cường hệ thống trạm quan trắc động đất không chỉ ở khu vực Kon Plông mà ở cả các địa phương khác. Ngoài ra, chúng ta phải có phân vùng rủi ro động đất trên toàn quốc. Do chúng ta chưa có bản đồ phân vùng rủi ro động đất trên phạm vi quốc gia, do đó, việc đưa ra các thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo gặp khó khăn", ông Truyền nói.

Về nguyên nhân phát sinh và xu thế hoạt động của động đất, ông Lê Văn Chính -  Phó phòng Khoa học Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ - cho rằng, các kết quả nghiên cứu trước đây về hoạt động kiến tạo động đất tại khu vực Kon Tum và lân cận chưa đủ chi tiết để đánh giá về nguyên nhân, mức độ nguy hiểm của động đất đối với công trình thủy điện và dân sinh.

"Về nghiên cứu động đất kích thích thì chưa có nghiên cứu chi tiết nào. Vì vậy để xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm của động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp cần có phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương, các chủ đầu tư những công trình thủy điện trên địa bàn cùng góp sức vào để làm nghiên cứu chi tiết" - ông Chính thông tin.

Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - yêu cầu các thành viên và tỉnh Kon Tum thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng về ứng phó động đất. Viện Vật lý địa cầu triển khai sớm các trạm quan trắc để có thông tin nhanh nhất, chính xác nhất và cung cấp đầy đủ thông tin về động đất nhanh chóng, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo. Thông tin dự báo động đất còn gặp khó khăn, tuy nhiên cần xác định rõ nguyên nhân để chủ động có giải pháp ứng phó phù hợp với tình hình, tránh tâm lý hoang mang trong nhân dân.

"Công trình thủy lợi thủy điện, nhất là các hồ chứa trong thiết kế theo như báo cáo là an toàn nhưng vẫn phải thông tin cho nhân dân được biết. Đồng thời, phải thường xuyên chú ý và có báo cáo theo dõi, đánh giá kịp thời. Đề nghị các địa phương và nhất là Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khu vực động đất phải soạn ngay các bản tin thông tin trên các đài địa phương, nhất là đài truyền thanh ở cơ sở về những công trình đảm bảo an toàn, những công trình nào không đảm bảo an toàn để nhân dân yên tâm", ông Hoài nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm