1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyên gia nói gì về 11 trận động đất trong một ngày ở Kon Tum?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Tần suất xảy ra 11 trận động đất trong một ngày ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, chuyên gia đánh giá là "đột biến". Nguyên nhân ban đầu có thể là do kích thích hồ chứa.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, ngày 23/8, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra khoảng 11 trận động đất có độ mạnh từ 2,5 độ richter đến 4,7 độ richter.

Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân xảy ra các trận động đất có tần suất đột biến ở khu vực trên là do "kích thích hồ chứa".

"Trong lịch sử đã ghi nhận xảy ra trận động đất có độ lớn 3,9 độ richter, nhưng ngày hôm qua động đất tại khu vực trên đã lên tới 4,7 độ richter. Theo đánh giá nguyên nhân ban đầu, các trận động đất này xảy ra là do kích thích hồ chứa. Tuy nhiên, muốn xác định nguyên nhân chính xác thì phải có nghiên cứu sâu, dựa vào số liệu quan trắc", ông Xuân Anh cho biết.

Chuyên gia nói gì về 11 trận động đất trong một ngày ở Kon Tum? - 1

Động đất thường xảy ra ở các xã miền núi của huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Phạm Hoàng).

Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu thông tin thêm, hiện các trận động đất ở khu vực Kon Tum chưa gây thiệt hại về người và tài sản, nhưng đang gây ảnh hưởng tới tâm lý của người dân. Các trận động đất này vẫn được đánh giá là động đất nhẹ.

"Các nhà khoa học sẽ phải nghiên cứu để chỉ ra được trận động đất cực đại tại khu vực đó sẽ có độ lớn là bao nhiêu. Hiện nay các cơ quan nghiên cứu mới đưa ra dự báo động đất cực đại tại đây có thể đạt độ lớn 5,5 độ richter, nhưng cần phải đánh giá chi tiết tại khu vực mới chính xác hóa được thông số đó", ông Xuân Anh nói thêm.

Về giải pháp để phòng, tránh động đất, ông Xuân Anh cho biết, hiện Viện Vật lý địa cầu đang phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện quan trắc thu thập số liệu, sau đó đánh giá, nghiên cứu rồi đưa ra các thông số cảnh báo sớm phù hợp.

Phóng viên đặt câu hỏi: Nguyên nhân ban đầu của các trận động đất là do kích thích hồ chứa, vậy cơ quan nghiên cứu đã có trao đổi với chính quyền địa phương, đơn vị quản lý hồ chứa như thế nào?

Ông Xuân Anh cho biết, nguyên nhân đưa ra mới chỉ là nhận định ban đầu, khi có nghiên cứu, đánh giá chính xác nguyên nhân, nếu đúng do kích thích hồ chứa thì sẽ cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để bàn giải pháp, có thể sẽ thay đổi cách thức tích trữ nước, vận hành hồ chứa...

Trước tình hình các trận động đất liên tục xảy ra, UBND huyện Kon Plông (Kon Tum) đã chỉ đạo UBND các xã tăng cường công tác tuyên truyền và cung cấp thông tin về động đất. Thực hiện các biện pháp cần thiết để người dân biết, chủ động ứng phó và tránh tâm lý hoang mang, yên tâm sản xuất, sinh sống.

Theo Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum, tỉnh này đã ghi nhận liên tiếp các trận động đất xảy ra trong cùng ngày. Tuy nhiên may mắn chưa có thiệt hại gì lớn.

Kể từ khi xảy ra trận động đất mạnh 4,5 độ richter ghi nhận vào tháng 4 vừa qua, các đoàn chuyên gia, nhà khoa học, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra đi khảo sát tình hình động đất, đánh giá tác động của thủy điện, xây dựng kịch bản đối phó động đất.

Nhận định ban đầu, đây là dạng động đất kích thích có thể do thủy điện tích nước. Tuy nhiên, các ngành chức năng vẫn chưa thể đi đến kết luận cuối cùng.

Chính quyền tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị kiểm tra, đánh giá hiện trạng tình hình động đất. Đồng thời, đề nghị các chủ đầu tư, quản lý công trình thủy điện triển khai lắp đặt 5 trạm quan sát động đất sớm để phục vụ theo dõi diễn biến hoạt động động đất và vận hành an toàn công trình thủy điện.