Về nhà!
(Dân trí) - Đã hai mươi ngày đêm trôi qua, cặp mắt của bao em thơ, người già... vẫn trân trân ngóng đợi tin tức người thân ở Libăng. Và 14h30 chiều 4/8, sau nhiều giờ chịu đựng không khí khô rát, thiếu ôxy và trạng thái căng thẳng, họ - những lao động Việt tại Libăng - đã về đến đất Mẹ trong niềm vui vô hạn của gia đình, bà con…
Ngóng trông…
Niềm vui hiện trên khuôn mặt nhăn nheo khắc khổ của ông Đặng Phúc Thắng ở Hà Tây khi đang chờ đón người con gái của mình: “Cả đêm hôm qua, tôi và gia đình không sao ngủ được, thao thức chờ đến sáng để đi đón con. Chúng tôi đã thuê hẳn một chiếc xe ôtô để đi đón. Nhà có 10 người đều đi hết. Từ khi chiến sự xảy ra, con tôi đã gọi điện về khóc và nói là về lần này sẽ không còn đồng nào. Trời ơi, vào lúc này còn nói đến chuyện tiền bạc làm gì. Cứ về nhà đoàn tụ là vui hơn Tết rồi!”
Trong số những thân nhân ra đón các lao động tại Libăng trở về, chúng tôi đặc biệt chú ý tới một bé gái, đang xúng xính trong bộ váy xanh, đã cũ nhưng sạch sẽ. Có lẽ đây lần đầu tiên em đến một nơi đông người như sân bay, bé cứ níu lấy tay một người đàn ông có nước da sạm nắng, nét mặt căng thẳng.
“Cháu nó tên là Phạm Thị Xuân, còn tôi là Phạm Văn Minh, bác ruột của nó, được cả gia đình cử đi đón chị Lê Thị Yến, mẹ nó”. “Sao chồng chị Yến không đến hả anh?”. “Ba nó mất bốn năm nay rồi. Tội thân con nhỏ, phải sống với bà nội từ nhỏ. Mẹ đi từ khi nó mới 15 tháng tuổi, đến giờ là 7 tuổi rồi mà đâu được gặp mẹ lần nào. Cứ khi nào đòi gặp mẹ là cả nhà lại túm lấy cái ảnh cưới của gia đình…”. Nói đến đây, người đàn ông đưa tay vuốt vội những giọt nức mắt lăn dài trên má.
Cùng tâm trạng như ông Thắng, mẹ chị Nhạn ở Mỹ Hào, Hưng Yên rơm rớm nước mắt: “Giờ tôi vui lắm, sướng lắm vì con an toàn trở về. Tôi cũng biết nó trong danh sách trở về nhưng không biết chính xác về đợt nào. 10h sáng nay nhận được điện Nhạn nó gọi điện nói rằng đang ở Băng Cốc, 2h chiều về đến Nội Bài, ra đón con nhé. Cả nhà tôi mừng quá, ôm nhau khóc. Vì chỉ xem tivi và nghe đài là có tên nó trở về nhưng không biết có phải không. Khi Nhạn gọi về, nghe được tiếng con, lúc đó tôi mới tin đó là sự thật. Nó về lần này nhất định tôi không cho sang nữa, vì đã chứng kiến chiến tranh tôi mới thấy sự khắc nghiệt của nó”.
Phạm Thị Chúc năm nay 17 tuổi, con gái chị Nhạn, đã 6 năm nay không được gặp mẹ, nghẹn ngào nói: “Khi xem trên tivi nói có xảy ra chiến sự ở Libăng, em lo lắng không ngủ được. Suốt ngày, em ngồi bên điện thoại để chờ tin tức của mẹ. Bố em luôn phải động viên em trai vì em luôn mồm gọi và nói nhớ mẹ, sợ mẹ không về nữa. Nhưng em tin là mẹ em trở về. Và mẹ đã trở về”.
Còn anh Đặng Văn Phòng, chồng chị Luyến ở Đan Phượng, Hà Tây với khuôn mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng vì nhiều đêm không ngủ cho biết: Mấy hôm trước, Luyến gọi điện về, khóc nói rất sợ chiến tranh và muốn trở về nước. Đầu tiên, khi xảy ra chiến sự, chủ nhà nhất định không cho về vì sợ đi không an toàn. Nhưng tôi phải động viên và khuyên cố gắng thuyết phục chủ nhà, bằng mọi cách phải về. Anh và các con chờ! Sáng nay nghe tin là trong danh sách về đợt này, bố con tôi đã thuê xe ra đón.
Nước mắt ngày về
14h30 đám đông hàng trăm người bỗng trở nên nhốn nháo, những tiếng khóc cùng oà lên vì vui sướng khi thấp thoáng bóng người từ phía sau màn kính dày. Người đầu tiên bước ra là chị Tống Thị Dung, người làng La Mai, Ninh Bình, chỉ kịp nói: “Dung, Ninh Bình” và bật khóc nghẹn ngào sau những vòng ôm siết chặt của người thân.
Những người Việt Nam đầu tiên bước ra khỏi phòng chờ
“Cha ơi, con đã về. Các em đâu cha? Thằng út đâu? Thằng Năm đâu?”, chị Trần Thị Luyến nước mắt lưng tròng ôm lấy người cha già đang đứng như trời trồng, lặng lẽ đưa tay quệt nước mắt đang lăn dài trên gò má thâm quầng. Từ sáng sớm, đại gia đình hơn mười người đã ra sân bay, đợi chờ.
Trong số những lao động Việt Nam về nước ngày 4/8, Lê Thị Vân Anh, 27 tuổi ở Hà Tĩnh, tuy không tỏ ra mệt mỏi sau chuyến đi dài nhưng lại canh cánh nỗi lo “hậu về nước”. “Khi nghe tiếng bom đạn, em sợ run hết cả người. Em đã gọi điện về nhà liên tục để thông báo tình hình. Không như các chị khác bị nhốt trong nhà, chủ nhà của em tốt bụng nhưng không cho về vì sợ không an toàn. Khi Nhà nước cử người sang đón, họ đã đồng ý cho em về”.
Nỗi lo của Vân Anh hiện tại là về nước không biết làm gì nữa ngoài làm ruộng. Tại sân bay, Vân Anh cùng các bạn ở quê tự thuê xe ôtô về nhà, không có người nhà ra đón. Chúng tôi đưa điện thoại cho Vân Anh liên hệ về với gia đình. Cuộc điện thoại vui mừng: “Mẹ à! Con đã về đến sân bay Nội Bài - Hà Nội, chút nữa con cùng các bạn thuê xe về, cả nhà yên tâm nhé!” - “Mẹ đón con ở nhà...”, tiếng bà mẹ vui mừng.
Chị Phạm Thị Tỉu ở Thái Bình, vừa xuống sân bay đã khóc ngất lên trong tay chồng và con, không tin là mình đã về đến Việt Nam: “Mặc dù ở nơi an toàn với chủ nhà nhưng vì lý do an ninh nên chủ không cho về, họ sợ đi ra ngoài không an toàn. May mà Nhà nước mình cử người sang đưa về nên họ đã đưa tôi đến tận nơi tập trung người Việt mình để về nước”.
Còn chị Võ Thị Lý tâm sự: “Khi tôi về, cả nhà chủ đều khóc vì họ luôn nói người Việt Nam tốt bụng, dũng cảm và anh hùng trong chiến tranh và chúng tôi sẽ học tập theo các bạn. Tôi hứa, hết chiến tranh tôi sẽ trở lại đó làm việc vì ở nhà tôi cũng làm ruộng thôi mà”.
Cùng lúc đó, hai bác cháu bé Phạm Thị Xuân ôm nhau ngồi thụp xuống. Khuôn mặt người đàn ông bất động, thẫn thờ không nói nổi một câu an ủi đứa cháu đang ôm mặt khóc thút thít phía sau lưng: “Không thấy Yến. Yến đã không về trong đợt này”. Có lẽ, đó là nỗi buồn duy nhất trong ngày gặp lại này!
Bài: Hồng Hạnh - Phúc Hưng
Ảnh: Việt Hưng