1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Về kiến nghị dừng các dự án Bô xít ở Tây Nguyên...

(Dân trí) - Từ thảm họa bùn đỏ ở Hung-ga-ri, nhiều nguyên lãnh đạo cao cấp, chuyên gia kinh tế đã cùng ký tên vào một văn thư gửi tới các cấp lãnh đạo cao nhất đề nghị dừng triển khai dự án bô xít Tây Nguyên. Đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng.

Về kiến nghị dừng các dự án Bô xít ở Tây Nguyên... - 1
Thảm họa từ các hồ chứa bùn đỏ ở Hungary
 

Thảm khốc nhất trong lịch sử Hungari

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhà nghiên cứu Trần Đức Nguyên, Giáo sư Hoàng Tụy... cùng nhiều nhân vật nổi tiếng khác, đã ký vào văn thư kiến nghị.

Theo bản kiến nghị này, sự cố vỡ bùn đỏ phế thải từ việc sản xuất alumina cho luyện nhôm của Nhà máy Bauxit tại vùng Ajka vào ngày 4/10 vừa qua được Chính phủ Hungary coi đây là thảm họa hóa chất thảm khốc nhất trong lịch sử quốc gia này.

Khoảng 1,1 triệu m3 nước thải bùn đỏ từ hồ bị vỡ đổ xuống các vùng thấp chung quanh rộng gần 40km và một số con sông. Sự cố nghiêm trọng này đã làm 122 người bị thương do các hóa chất độc hại có chất ăn mòn cao trong bùn gây ra, 6 người mất tích, 5 người chết, cuốn trôi 270 căn nhà, phá hủy nhiều cầu đường, xe cộ…

Thậm chí số người thương vong còn có thể tăng lên do tác động của bùn đỏ chứa hóa chất tiếp tục ngấm vào cơ thể những người đã tiếp xúc với chất thải này khi hồ vỡ.

Thủ tướng Hungary buộc phải đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vùng nơi xảy ra thảm họa và thừa nhận các khu vực bị bùn đỏ tấn công đã “không còn thể sống được nữa”…

Trước sự việc trên, nội dung bản kiến nghị là khẩn thiết yêu cầu các vị lãnh đạo cao nhất ra quyết định ngừng việc xây dựng nhà máy chế biến alumina ở Tân Rai, Lâm Đồng để nghiên cứu tiếp cách xử lý.

Bên cạnh đó, tạm hủy dự án đang đàm phán với đối tác nước ngoài về Nhà máy Nhân Cơ ở Đắc Nông. Đình chỉ việc triển khai toàn bộ dự án hiện thời liên quan đến khai thác bô xít ở Tây Nguyên để tổ chức nghiên cứu lại một cách nghiêm túc và khoa học.

Và để cho kết quả nghiên cứu khách quan, trong thư còn đề nghị lập nhóm nghiên cứu độc lập để tiến hành nghiên cứu lại toàn bộ vấn đề bô xít Tây Nguyên. "Kết quả nghiên cứu cần được trình bày trước Quốc hội, đồng thời đem ra trưng cầu ý kiến nhân dân cả nước để đưa ra quyết định", bản kiến nghị viết.

Cần bàn ngay tại Quốc hội 
 
Sau khi có bức thư kiến nghị nói trên, đại biểu Dương Trung Quốc có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng kiến nghị về vấn đề cũng liên quan đến bô xít Tây Nguyên. Ông Quốc cho rằng, vấn đề bô xít nếu không có riêng một chương trình nghị sự chính thức thì Quốc hội cũng cần tạo ra một diễn đàn phát biểu ý kiến, đánh giá báo cáo của Chính phủ.

Trao đổi bên lề kỳ họp Quốc hội sáng nay, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Chúng tôi đang tập hợp tất cả ý kiến để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội. Chúng ta phải lắng nghe tất cả ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là nhân sĩ, trí thức để thảo luận, bàn bạc, dân chủ để quyết định cuối cùng đưa ra đạt được mục tiêu hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường”.

Cũng theo ông Phúc: “Lo ngại của nhân sĩ trí thức là cần thiết, chúng ta phải lắng nghe, nhưng kết luận cuối cùng cần phải có thời gian vì đây là chủ trương đã được trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội chỉ đạo. Chúng ta lắng nghe, thảo luận thêm để có quyết định cuối cùng về vấn đề này trên tinh thần bảo đảm hiệu quả kinh tế, môi trường và phát triển bền vững”.

Trả lời báo giới về việc khi nào có buổi làm việc cụ thể của Chính phủ với các bên liên quan để lắng nghe các nhân sĩ trí thức, ông Phúc cho hay: “Chúng tôi sẽ tập hợp hết ý kiến và báo cáo Chính phủ trong thời gian tới. Tôi nghĩ, tại kỳ họp này chắc chắn sẽ có câu chất vấn về bô xít và các thành viên Chính phủ sẵn sàng trả lời về vấn đề này. Dự án bô xít đã được trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội thông qua. Việc dừng hay không, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét cụ thể sau”.

Nguyễn Hiền - Lan Hương