“Chúng tôi bảo đảm hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên an toàn”

(Dân trí) - "Theo đánh giá hiện nay của Bộ Tài nguyên - Môi trường về hai hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên, chúng tôi bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, để an toàn về mặt lý thuyết, chúng ta vẫn phải tiếp tục nghiên cứu về hệ số an toàn", Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên bày tỏ.

“Chúng tôi bảo đảm hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên an toàn” - 1
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên trong vòng vây của báo chí (ảnh: Việt Hưng).
 
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã cho biết như vậy, khi trao đổi với báo giới bên lề kỳ họp Quốc hội.
 
Qua sự kiện vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN - MT) có xem xét lại hệ số an toàn hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên?
 
Bộ TN - MT thẩm định rất cẩn thận. Chúng tôi đã sang khảo sát mô hình bùn đỏ của Brazil, Úc và khu vực bùn đỏ ở những nơi này đã trồng cây xanh được 20 năm nay. Hiện tại, chúng ta đang làm theo mô hình của Brazil và Úc, chứ không phải mô hình của Hungary.
 
Theo đánh giá hiện nay của Bộ TN - MT về hai hồ bùn đỏ, chúng tôi bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, do chưa vận hành và để an toàn về mặt lý thuyết, chạy mô hình, qua sự việc của Hungary, chúng ta vẫn phải tiếp tục nghiên cứu về hệ số an toàn.
 
Ông từng nói, nhiều dự án của Việt Nam chưa tính đến hiệu quả môi trường, chưa tính đúng tính đủ chi phí cho môi trường ngay từ khi thực hiện. Với dự án bô xít thì như thế nào?
 
Riêng về đề án bùn đỏ, chi phí cho môi trường 30 hay 50 triệu USD để làm khu bùn đỏ đã được tính toán rồi. Công nghệ thẩm định cho dự án này rất cẩn thận, có sự tham gia của Hội đồng quốc gia và chuyên gia nước ngoài.
 
Xin được nói là hệ số an toàn nơi đây đã được tăng lên gấp đôi. Khu động đất ở Tây Nguyên lúc đầu dự tính cấp 7, nhưng nay đã được tính lên cấp 9.
 
Công nghệ xử lý bùn đỏ ở Tây Nguyên làm hơi khác ở chỗ, Hungary chứa vào một cái hồ, nhưng Tây Nguyên chúng tôi chia ra từng lô một. Mỗi lô 5 ha, khi đổ đầy lô này và xử lý các biện pháp an toàn rồi mới làm đến lô khác.
 
Ngay tại thời điểm này, Bộ có thêm hoạt động gì để tăng tính an toàn cho dự án không?
 
Chúng tôi đã thành lập một tổ giám sát, gồm có Bộ TN - MT, Bộ Công thương, UBND các tỉnh liên quan để giám sát hàng ngày và làm nhật ký xây dựng các hồ bùn đỏ. Từ trước đến nay, chưa có một công trình xây dựng nào tại Việt Nam lại có một tổ giám sát quốc gia như thế.
 
Thưa ông, bên cạnh vấn đề bùn đỏ, các vấn đề khác về môi trường của dự án bô xít đang được quản lý thế nào?
 
Dự án bô xít có 3 vấn đề về môi trường. Một là hồ bùn đỏ, hai là công nghệ khai thác, khai thác đến đâu phải phục hồi rừng đến đấy và thứ ba là chất thải của nhà máy bô xít. Trong thẩm dịnh dự án đã tính hết.
 
Tại Việt Nam, hiện có bao nhiêu dự án đã tính đúng, tính đủ về chi phí môi trường, thưa ông?
 
Phần lớn các dự án sản xuất ở Việt Nam chưa tính chi phí tác động đến môi trường. Nhiều nhà máy, xí nghiệp hiện nay với công nghệ lạc hậu, thải ra ngoài môi trường mà tính đủ phí môi trường sẽ có nhiều nhà máy phải đóng cửa.
 
Khi tính chi phí môi trường, DN sẽ phải trích từ khoản lợi nhuận ra. Tới đây Nhà nước sẽ có quy định về dán mác môi trường cho các sản phẩm đóng thuế đủ và đã tính đến chi phí môi trường.
 
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
 

Theo lãnh đạo của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), trước sự cố bùn đỏ ở Hungary, Việt Nam đã liên hệ bên phía bạn để sang tìm hiểu. Được biết, phía Hungary đã chấp thuận và sẽ mời đoàn Việt Nam sang khảo sát tình hình thực tế vào một thời điểm thích hợp.

 
Nguyễn Hiền - Lan Hương (ghi).