"Tôi muốn Quốc hội ra nghị quyết mới về bô xít"
(Dân trí) - Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, nguy cơ xảy ra thảm họa từ việc khai thác bô xít là hoàn toàn có thể, trong khi đại biểu QH Phạm Thị Loan đề nghị xem xét lại quy mô, mức độ đầu tư và rà soát lại về kỹ thuật.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng: “Ngành công nghiệp này quá nguy hiểm!”
Tôi đã đọc bản kiến nghị nhân sĩ trí thức về khai thác bô xít ở Tây Nguyên và nhiều bạn bè thân thiết của tôi cũng đã đặt bút ký ủng hộ. Nhưng lần này tôi không tham gia ký vì Quốc hội cũng là một diễn đàn, một kênh để chúng tôi bày tỏ ý kiến rồi.
Tôi thấy những người ký vào bản kiến nghị là những người yêu nước, có quá trình hoạt động cách mạng được kiểm chứng và đông đảo trí thức cho nên chúng ta không thể không quan tâm. Tôi nghĩ Chính phủ và Quốc hội nên có trả lời kiến nghị này.
Tôi mong muốn Quốc hội sẽ ra một Nghị quyết mới về khai thác bô xít vì từ thảm họa bùn đỏ Hungary, tôi thấy ngành công nghiệp này quá nguy hiểm. Tôi cũng sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, vì một số ý kiến lãnh đạo ở Bộ này cho rằng, Việt Nam khác Hungary vì Việt Nam có thung lũng.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng: "thảm họa ở Hungari làm tôi rất suy nghĩ"
Nói như vậy là họ quên, thung lũng ở trên cao còn nguy hiểm hơn. Thung lũng Tây Nguyên có rất nhiều đá vôi, đá vôi tan trong nước, bùn đỏ có khả năng sẽ ngấm xuống mạch nước ngầm, từ đó sẽ chảy xuống cả đồng bằng Nam bộ, rất nguy hiểm!
Thảm họa xảy ra ở Hungary làm tôi rất suy nghĩ vì họ đã có hơn 30 năm kinh nghiệm mà vẫn phải chịu thảm họa như thế. Nguy cơ thảm họa đối với ta là hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Tôi cũng rất băn khoăn ở chỗ, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta làm nhưng không có lãi. Nếu có lãi nhiều, mình còn có lý do làm ngay, còn không mình sẽ để lại khi có trình độ kỹ thuật cao, con cháu mình sẽ làm.
Đại biểu Phạm Thị Loan: “Phải cân nhắc lại cho thấu đáo”
Về trách nhiệm với đất nước, ai cũng lo lắng và những người cùng ký tên gửi kiến nghị đó là những người rất lo lắng.
Ở đây có 2 yếu tố, dự án đầu tư lớn, nhưng hiệu quả kinh tế xem ra không tương xứng. Thứ nữa, trong tình hình đất nước còn nhiều khó khăn, đang khan hiếm về đồng vốn như thế này, nên chăng chúng ta ưu tiên những dự án có hiệu quả tức thời và lâu dài.
Ngoài ra, ngành công nghiệp khai thác bô xít rủi ro cũng rất lớn. Những nước như Hungary có kinh nghiệm từ rất lâu rồi mà bây giờ họ bị thảm họa như vậy, mình cũng phải có những suy xét rất nghiêm túc về sự đầu tư đó.
Bà Phạm Thị Loan: "Nên chăng ưu tiên những dự án hiệu quả tức thời và lâu dài" (Ảnh: Việt Hưng)
Nhưng đến lúc này bao nhiêu công sức đã bỏ ra rồi, dừng lại ngay các dự án bô xít cũng rất khó. Tôi nghĩ, chúng ta nên xem lại quy mô, mức độ đầu tư như thế nào và phải rà soát lại về mặt kỹ thuật để xem đầu tư thế nào cho tương xứng. Phải cân nhắc lại cho thấu đáo và mình làm thử, rồi dần dần mở rộng sau.
Đầu tư như hiện nay tôi chưa đồng tình. Tôi nghĩ, với bô xít mình chưa khai thác lúc này, vẫn có thể khai thác lúc khác nên phải làm hết sức thận trọng.
Cấn Cường (ghi)