Về Đảng cầm quyền
(Dân trí) - Tại cuộc Hội thảo “Nâng cao vị thế, vai trò và trách nhiệm cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tình hình hiện nay” diễn ra ngày 28/1 tại Quảng Ninh, Nhà báo Hữu Thọ đã có một bài tham luận chỉ ra những nguy cơ, đồng thời qua đó đặt ra một vấn đề rất quan trọng là đổi mới để giữ gìn sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng.
Được sự đồng ý của Nhà báo Hữu Thọ, Dân trí xin trích đăng một phần nội dung bản tham luận này (Tít phụ và các phần in đậm do Dân trí đặt).
Sự lãnh đạo đúng đắn là nhân tố hàng đầu quyết định thành công
Trong Di chúc cũng như nhiều lần trước đó, Hồ Chủ Tịch đã nói “Đảng ta là đảng cầm quyền” và đưa ra những yêu cầu đối với một đảng cầm quyền.
Nói ngắn gọn và dễ hiểu đảng cầm quyền là đảng lãnh đạo chính quyền khi giành được chính quyền. Nội dung lãnh đạo, phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền khác với khi chưa giành được chính quyền. Khi chưa có chính quyền tổ chức đảng và đảng viên phải trực tiếp vận động, tổ chức nhân dân đứng lên giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ. Khi đã có chính quyền, thì chính quyền là công cụ mạnh mẽ, sắc bén nhất để thể chế hóa quan điểm của đảng thành luật pháp nhà nước, đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Công thức “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” của Đảng ta đã được xác lập từ rất sớm và ngày càng có nội dung cụ thể hơn nhưng chắc chắn còn cụ thể hơn thế nữa.
Nhà báo Hữu Thọ (Ảnh: Việt Hưng)Tổng kết kinh nghiệm của Đảng ta, cương lĩnh thông qua Đại hội 7 của Đảng năm 1991 (từ đây viết tắt là CL 1991) cũng như cương lĩnh bổ sung, sửa đổi được thông qua ĐH 11 của năm 2011 (từ đây viết tắt là CL 2011) đều khẳng định “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta là nhân tố hàng đầu quyết định thành công của cách mạng”. Sự lãnh đạo của đảng cầm quyền có nhiều mặt, nhưng theo tôi hiểu sự quan tâm sâu sắc nhất của nhân dân là mong muốn đảng xác định đúng đường lối, chính sách và đánh giá, bổ nhiệm đúng người lãnh đạo, quản lý đất nước, vì nhân dân.
Ba điều cốt lõi để giữ vững quyền lãnh đạo
Khi Liên Xô tan rã, chủ nghĩa xã hội (CNXH) lâm vào thoái trào, trong một thế giới chao đảo thì Đại hội Đảng lần thứ 7 đã xây dựng CL phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH, đã xác định mọi nội dung CNXH mà ta xây dựng để thấy cái đích đi tới… Việc làm quan trọng trong đó tỏ rõ bản lĩnh và trí tuệ của Đảng ta để đổi mới mà không đổi màu mà ĐH lần thứ 6 đã xác định. Sau Tổng kết 20 năm đổi mới, tổng kết từ thực tiễn đổi mới ĐH lần thứ 11 xác định 8 nội dung CNXH mà chúng ta xây dựng. Nội dung đó có những thay đổi quan trọng…
Với nội dung dân giàu nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh đã đưa “Dân chủ” trên “Công bằng”; nội dung “Nhân dân làm chủ” thay cho “Nhân dân lao động làm chủ”. Những thay đổi đó theo tôi không chỉ là sự thay đổi cấu trúc ngôn ngữ.
Cương lĩnh 2011 thêm nội dung về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; không còn nội dung “chế độ công hữu về tư liệu sản xuất”, và con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực hưởng theo lao động. Sẽ có dịp chúng ta cùng nhau thảo luận về sự thay đổi quan trọng trong này phù hợp với thực tiễn xây dựng CNXH ở Việt Nam.
Tổng kết thực hiện 20 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Cương lĩnh 2011 đã nêu rõ hơn nội dung lãnh đạo của đảng giải quyết tốt 8 mối quan hệ: giữa kinh tế thị trường xây dựng hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất XHCN, giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giữa xây dựng và bảo vệ tổ quốc XHCN, giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế.
Theo tôi việc bổ sung các nội dung đó rất quan trọng, là tư duy mới đặt ra yêu cầu mới về sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đổi mới, nhưng thực hiện các mối quan hệ đó không dễ, có thể đưa ra nhiều thí dụ:
Thực hiện kinh tế thị trường con người, doanh nghiệp đều quan tâm đến lợi ích kinh tế để làm giàu và phát đạt. Làm giàu là động lực của phát triển những khoảng cách giàu nghèo cách nhau bao nhiêu là vừa phải và với chính sách gì để vừa giữ được động lực tăng trưởng vừa giữ được ổn định xã hội.
Thực hiện kinh tế thị trường con người hướng tới lợi nhuận ngày càng cao, quan tâm đến lợi ích vật chất, chủ nghĩa thực dụng, cơ hội phát triển, làm sao giữ được đạo đức cán bộ, viên chức và đạo đức xã hội?…
Do đó, sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới đòi hỏi đảng phải có bản lĩnh vững vàng, trí tuệ và cần có nghệ thuật lãnh đạo.
Sự cầm quyền của Đảng ta là duy nhất cầm quyền. Cầm quyền trong điều kiện đó có thuận lợi là không có đảng đối lập cạnh tranh, công khai, hợp pháp được hiến pháp khẳng định, có chính quyền (nếu chính quyền đó thực sự của nhân dân, do dân vì dân như đảng yêu cầu) thì việc thể hiện đường lối chủ trương của đảng hợp với qui luật, sát thực tiễn, hợp lòng dân được nhân dân ủng hộ.
Tuy nhiên cũng có nguy cơ lớn mà cương lĩnh đã chỉ ra là: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu xa rời nhân dân và sự thoái hóa biến chất của cán bộ, đảng viên. Nhưng nguy cơ đó đang xảy ra như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11) đã chỉ rõ, làm mất lòng tin của nhân dân một tài sản quý giá làm nên sức mạnh của Đảng.
Thực ra, Đảng cầm quyền ở chế độ đa đảng nào cũng đều lo mất quyền và họ đã tổng kết từ những nguyên nhân có thể dẫn đến mất quyền, đó là: Để kinh tế chậm phát triển, trì trệ, đời sống nhân dân không được nâng cao, thậm chí suy giảm; không thực hiện dân chủ và công bằng xã hội trong đánh giá con người và phân phối lợi ích; lợi dụng lợi ích để tham nhũng, lợi dụng quyền hành để lãng phí công quỹ… Có khi chỉ một việc thuộc các nội dung nói trên cũng có thể là kẽ hở cho các thế lực đối lập lợi dụng, có thể trở nên bất ổn xã hội, mất vị trí cầm quyền.
Tất nhiên với bản chất tư bản chủ nghĩa không thể điều chỉnh căn bản các mối quan hệ kể trên nhưng họ cố gắng điều chỉnh theo hướng giải quyết chừng mực nào các mối quan hệ đó để giữ chế độ tư bản và vị trí cầm quyền của họ.
Ba vấn đề nêu trên tuy không sâu sắc và đầy đủ bằng 8 mối quan hệ mà CL 2011 đã nêu lên nhưng lại cụ thể, do đó xin đưa ra để tham khảo.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền
Cương lĩnh 2011 đã tổng kết 20 năm đổi mới nêu rõ: Phương thức lãnh đạo của Đảng là: “Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, định hướng về chủ trương, chính sách lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị”, Đảng yêu cầu MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội tham gia “Phản biện và giám sát xã hội”; báo chí cũng có chức năng phản biện, Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng đảng, chịu sự giám sát của nhân dân hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp”.
Kết luận trong CL nêu trên còn phải cụ thể hơn như nào là chủ trương, chính sách lớn?, phương thức của Đảng thống nhất lãnh đạo và quản lý cán bộ như nào để thực hiện sự dân chủ, các cuộc bầu cử được thực chất và không xâm phạm quyền của các cơ quan trong việc đánh giá và bổ nhiệm cán bộ. Rồi nhân dân có trách nhiệm “Giám sát đảng thì giám sát theo cơ chế nào?... tuy còn những vấn đề cụ thể hơn nhưng phương thức lãnh đạo như thế là thích hợp, nếu thực hiện đúng sẽ hoàn toàn bác bỏ luận điệu vu cáo của thế lực thù địch cho là đảng ta thực hiện “đảng trị”, “xã hội toàn trị”.
Trên đây tôi đã trình bày những đổi mới của Đảng về nội dung và phương thức lãnh đạo trong thời kỳ đổi mới, nhưng dù sao mới là phương hướng điều quan trọng là hành động thực tế; cũng nên thẳng thắn và nói rằng không ít việc chưa làm được, có việc làm trái ngược gây mất niềm tin trong nhân dân vì niềm tin chỉ có khi thấy qua hành động chứ không phải từ lời hứa tốt đẹp với thành tâm.
Ở trên tôi đã đề cập đến nội dung lãnh đạo và phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền đã rút ra kinh nghiệm lãnh đạo trong 30 năm đổi mới. Tuy nhiên, nếu đọc các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 14 quyển toàn tập thì đều là những nội dung Người đã từng nhắc tới nhưng vì sao trong Di chúc khi nói Đảng ta là Đảng cầm quyền thì Người chỉ nhấn mạnh và đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải cần, kiệm, nghiêm, chính, chí công vô tư, là người lãnh đạo và đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Phải chăng chính vì có được phẩm chất đó thì mới thực hiện đúng nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền, vì chính sự suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống, tham ô, lãng phí, lợi ích nhóm đang là nguyên nhân chính dẫn đến niềm tin trong nhân dân bị suy giảm và một số nội dung và phương thức lãnh đạo không được thực hiện?
Hữu Thọ