1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

30 năm đổi mới là chặng đường dài, đầy nỗ lực của dân tộc

(Dân trí) - Đánh giá 30 năm đổi mới là điểm son hết sức rực rỡ trong 85 năm lãnh đạo của Đảng, TS. Phạm Đình Đảng, Phó TBT Tạp chí Cộng sản, cũng đưa ra 6 nguy cơ với Đảng hiện nay. Trong các nguy cơ này, tham nhũng và lợi ích nhóm là “đứa con sinh đôi”, muốn chống hiệu quả, trước hết phải dựa vào nhân dân.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc đánh giá về kết quả của 30 năm đổi mới (1986 - 2016) sẽ được thực hiện với tinh thần thực sự khách quan, cầu thị, nhìn thẳng vào sự thật, không phiến diện, cực đoan. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc đánh giá 30 năm đổi mới?

30 năm đổi mới là một chặng đường dài, đầy nỗ lực của toàn thể dân tộc trên con đường XHCN dưới ngọn cờ của Đảng. Nghiêm khắc nhìn lại chặng đường này là hết sức cần thiết để tự tin đi tiếp. Về mặt thời gian, công việc cũng đã đủ để định lượng. Nhưng quan trọng nhất, từ toàn bộ sự nghiệp đó rút ra sự định tính cơ bản nhất là sự chuyển mình của đất nước, với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong hàng trăm năm nay nói riêng, trong mấy ngàn năm đất nước chúng ta.

Theo tôi, lộ trình phát triển của dân tộc 30 năm đổi mới cũng là điểm son hết sức rực rỡ. Xét lịch sử 85 năm Đảng lãnh đạo Cách mạng Việt Nam làm nên Cách mạng Tháng Tám, tiếp tục giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thì đổi mới là cuộc cách mạng trong cách mạng, mang tầm vóc lịch sử xếp hàng thứ ba.

Nhìn lại 30 năm để tiếp tục chỉnh đốn mình, dân tộc soát xét lại mình, nhìn rộng ra thế giới, nắm đại cục, hành động trên vị thế của Việt Nam độc lập và chủ nghĩa xã hội là vấn đề hết sức quan trọng, để tiếp tục tiến lên, dù trong bối cảnh hội nhập quốc tế có thế nào.

Bên cạnh những thành công đã đạt được trong gần 30 năm đổi mới, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh đến những nguy cơ với Đảng hiện nay. Tại hội thảo “Nâng cao vị thế, vai trò và trách nhiệm cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tình hình hiện nay”, ông cho cho rằng, hiện không chỉ có 2 nguy cơ mà có tới 6 nguy cơ, ông có thể phân tích rõ hơn về điều này?

Các nhà kinh điển thì nói 2 nguy cơ chủ yếu của một Đảng cộng sản cầm quyền: một là nguy cơ sai lầm đường lối, hai là nguy cơ về quan liêu tham nhũng. Tôi cho rằng, ngoài hai nguy cơ trên, có thể đề cập tới bốn nguy cơ nữa. Cụ thể 6 nguy cơ là nguy cơ biến dạng nền tảng lý luận cầm quyền; nguy cơ chệch hướng các quyết định chính trị cầm quyền; nguy cơ quan liêu, tham nhũng, suy thoái trong thực tiễn cầm quyền, tổ chức bộ máy; nguy cơ xa rời cơ sở xã hội – chính trị của Đảng; nguy cơ lợi ích nhóm làm phân hóa Đảng và nguy cơ tự cô lập, bị cô lập.

Muốn chống tham nhũng hiệu quả phải dựa vào dân
TS. Phạm Đình Đảng: Khi lợi ích nhóm tồn tại thì rất dễ sa vào tham nhũng, khi tham nhũng đến mức nào đó thì lợi ích nhóm càng được củng cố, phát triển.

Nhân nói về nguy cơ tham nhũng, bản thân Đảng chúng ta tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kì vào tháng 1/1994 nói tới 4 nguy cơ, trong đó có tham nhũng. Nhớ lại cách đây gần 250 năm, nhà bác học Lê Quý Đôn cũng đã nói về vấn đề này. Cụ nói, có 5 nguy cơ làm mất nước: Trẻ không trọng già, trò không kính thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan và sĩ phu thức giả ngoảnh mặt trước thời cuộc… Ngay khi nước Việt Nam non trẻ mới ra đời được chín tháng, vào tháng 1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quốc lệnh, trong đó điều 8 phần phạt, có ghi trộm cắp của công tức tội tham nhũng, phải xử tử.

Nguy cơ ấy giờ đang thường trực, thậm chí làm khuynh đảo quốc gia, đất nước bại hoại, nếu chúng ta không xử lý ngang tầm. Ở đây cũng phải nói, không phải tham nhũng là vấn đề riêng của Việt Nam mà nó là đại sự quốc tế hóa. Nước nào cũng đang gặp chuyện như vậy. Đặc biệt Singapore là nước nổi tiếng về chống tham nhũng, tôi từng biết tới chuyện do nhận quà tặng trên 50 USD, không báo lên cấp trên, bị phát hiện, mà nguyên một Bộ trưởng phải tự sát.

Còn những nguy cơ khác, thưa ông?

Theo ý kiến của tôi, chưa bao giờ như bây giờ, phải đặt ra vấn đề củng cố và phát triển cơ sở chính trị - xã hội của Đảng. Đảng có xa Nhân dân không? Trước kia Đảng chưa có chính quyền, Đảng sống trong lòng Nhân dân, bây giờ Đảng có chính quyền rồi, nhiều cán bộ, đảng viên sống xa Nhân dân, xa lạ với Nhân dân, thậm chí “làm khách” của Nhân dân. Đau lắm! 

Nhưng phải cẩn thận hơn khi Nhân dân xa Đảng, xa chính quyền, xa cán bộ đảng viên. Theo tôi, nếu không giải quyết vấn đề này, không trở về giữa lòng Nhân dân, không nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của Nhân dân, Đảng không có uy tín trong lòng Nhân dân, rất khó lãnh đạo, nếu không nói không làm được việc gì.

Vấn đề này ông cha ta nói rồi, cụ Nguyễn Trãi nói rồi, cụ Trần Hưng Đạo cũng nói rồi, rằng anh em hòa thuận, cả nước góp sức thì không có gì không thành cả; rằng lật thuyền mới biết dân như nước… Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói, trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân, được lòng dân là được lòng thiên hạ, được lòng dân đất nước nhất định ổn định và phát triển.

Cùng với nguy cơ xa rời Nhân dân là nguy cơ lợi ích nhóm. Đây là nguy cơ mà tôi cho là nếu không cảnh giác, nó phát triển đến mức nào đó thì dẫn đến sự tan rã trong Đảng. Vì vấn đề này sẽ khiến trong Đảng bị phân hóa, thậm chí như có người nói trong Đảng xuất hiện giai cấp.

Nguy cơ thứ 6, nếu Đảng chúng ta không tự đổi mới, không bắt nhịp được với sự phát triển của thời cuộc là rơi vào nguy cơ tự cô lập mình, mà tự cô lập mình thì tự tiêu vong. Trong thế giới hiện nay, không thể nói đến sự phát triển, nếu sa vào tự cô lập mình.

Lợi ích nhóm như ông nói là một nguy cơ và đây cũng là vấn đề được các lãnh đạo cấp cao đề cập trong nhiều phát biểu. Ông nhìn nhận và đánh giá như thế nào mức độ của vấn đề này hiện nay?

Nếu hỏi "nó thành trào lưu chưa" thì chưa, nhưng nói "có mầm mống, có biểu hiện nguy hiểm không" thì có. Thậm chí, điều này hết sức nguy hiểm. Bởi đây là những nhóm nhỏ có từ trong hoạch định chính sách đến tổ chức thực hiện chính sách, từ trong bộ máy chính quyền đến hiện tượng lợi ích nhóm trong Đảng. Trong Đảng mà có lợi ích riêng theo nhóm sẽ làm Đảng chia bè, xẻ cánh, phường hội, cục bộ, khép kín, thậm chí xung đột các nhóm. Đảng ta phải là một Đảng đoàn kết thống nhất, phải là một Đảng cầu thị tiến bộ, là một Đảng cách mạng, khoa học và hành động vì Nhân dân. Lợi ích nhóm là phi chính trị, nếu không cảnh giác, rất nguy hiểm.

Ông nói gì về sự liên hệ giữa lợi ích nhóm và tham nhũng?

Có thể nói đây là đứa con sinh đôi. Khi lợi ích nhóm tồn tại thì rất dễ sa tham nhũng, khi tham nhũng đến mức nào đó thì lợi ích nhóm càng được củng cố, phát triển… làm khuynh bại Đảng, làm đất nước kiệt quệ, dân tộc yếu hèn, chế độ ta bạc nhược.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, các lãnh đạo cấp cao đều nói chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu và trong dư luận đây là vấn đề nóng bỏng. Theo ông, vấn đề chống tham nhũng phải được đặt ở mức như thế nào trong thời gian tới và trong Đại hội Đảng XII?

Điều mong mỏi của riêng tôi là phải làm nghiêm ngặt và triệt để. Trong đó, quan trọng nhất là cơ chế kiểm soát. Không ai có thể thoát khỏi sự kiểm soát, qua tai mắt Nhân dân. Người ta có thể giấu tổ chức, giấu cá nhân này, cá nhân kia, nhưng hãy hỏi Nhân dân, xuống với Nhân dân sẽ rõ, cơ quan có trách nhiệm phải nghe dân và quan trọng nhất là bảo vệ Nhân dân. 

V.I. Lê-nin nói một câu rất hay, nếu có những điều chúng ta ngồi trong phòng nghĩ mãi không ra thì hãy xuống hỏi thợ thuyền dân chúng, người ta sẽ chỉ cho ta lối giải quyết. Tôi nghĩ, muốn cuộc chống tham nhũng của chúng ta hiệu quả, có ba điều cần làm tốt: trước hết dựa vào dân, thứ hai nghiêm pháp luật, thứ ba nêu gương từ trên xuống, theo phương châm dân chủ hóa, minh bạch hóa.

Xin cảm ơn TS!

Cấn Cường (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm