Ký ức về người thanh niên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa
(Dân trí) - Bước chân theo con đường cách mạng khi tuổi đời mới tròn đôi mươi, ông là học trò nhiệt thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là người thanh niên cộng sản đầu tiên của Thanh Hóa. Cả cuộc đời ông cống hiến hết mình cho sự nghiệp cứu nước, cứu dân…
Ông là Lê Hữu Lập - người Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.
Cứ về thăm nhà là giặc lùng bắt
Những ngày này, về xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), nơi đâu cũng thấy người dân vui mừng phấn khởi vì công trình xây dựng Khu nhà tưởng niệm người chiến sĩ cách mạng Lê Hữu Lập sắp được khởi công.
Từ bao đời này, người dân huyện Hậu Lộc nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung luôn tự hào vì đã sinh ra người chiến sĩ cách mạng kiên trung. Ông là một trong những người đầu tiên vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng từ những ngày đầu khi Đảng ta mới thành lập.
Căn nhà nơi cụ La Thị Duệ (SN 1918 - cháu dâu của đồng chí Lê Hữu Lập) đang ở, những ngày qua lúc nào cũng đông người ra vào. Mọi người đến để chúc mừng, chia sẻ niềm vui khi công trình xây dựng Khu tưởng niệm nhà cách mạng Lê Hữu Lập sắp được khởi công xây dựng.
Dù đã hơn 90 tuổi nhưng cụ Duệ vẫn còn rất minh mẫn. Khi nhắc đến chuyện xưa về người chú của mình là nhà cách mạng Lê Hữu Lập, cụ vẫn hăng say kể lại những ký ức xưa kia được nghe về người chú của mình.
Cụ Duệ kể: “Khi tôi về làm dâu thì chú ấy (ông Lê Hữu Lập - PV) đã đi hoạt động cách mạng từ lâu rồi. Tôi là người cùng làng nên cũng biết chú theo cách mạng và đang bị giặc tìm bắt. Lúc nào gia đình ở quê cũng luôn bị bọn lý trưởng theo dõi để tìm tung tích của chú ấy”.
Trong câu chuyện được nghe lại về người chú của mình, cụ Duệ nhớ nhất về kỉ niệm hai lần mà nhà cách mạng Lê Hữu Lập về thăm nhà. Đó cũng là hai lần không chỉ gia đình mà cả dân làng cũng được một phen hỗn loạn khi giặc Pháp lùng sục khắp làng để vây bắt ông.
Cụ Duệ nhớ lại: “Lần về thăm nhà đầu tiên tôi được nghe kể lại. Hôm đó, chú về nhà dù rất kín đáo nhưng không hiểu sao bọn Lý trưởng biết được, thế là kéo quân đến nhà lùng sục để bắt theo lệnh của tòa án đã tuyên. Khi đến nhà thì không thấy chú ấy đâu, quân lính lùng sục khắp nơi cũng không thấy đành bỏ đi. Nghe bố tôi nói, khi biết lính đến, chú ấy đã nhanh chân nhảy xuống ao rồi núp vào một cái hầm ếch để trốn. Lần đó may mà thoát thân”.
Nghe mẹ kể với vẻ đầy tự hào về người chú, ông Lê Văn Đông (gọi nhà cách mạng Lê Hữu Lập là ông chú) cũng nhớ lại lời kể của bố về ông chú mình: “Lần thứ hai ông về thăm nhà cũng là lần cuối. Hôm đó, ông về chưa được bao lâu thì quân lính cũng từ đâu kéo đến. Chỉ trong tích tắc, ông đã leo lên mái nhà để trốn, khi quân lính phát hiện đang trốn trên mái nhà, ông đã nhanh nhẹn trượt từ mái nhà xuống rồi núp dưới gầm thùng đựng nước thế là quân lính không tìm ra được. Chúng tức quá nên đã bắt ông nội và bố tôi đưa đi sang huyện Hoằng Hóa. Sau khi tra khảo không được gì, 4 ngày sau chúng phải thả về’.
Cũng theo cụ Duệ, lần thứ hai về thăm nhà sau khi thoát được khỏi quân lính Pháp, nhà cách mạng Lê Hữu Lập có nói với bố và anh trai: Con về lần này thì lần sau con không dám về nữa. Con về mà cả nhà, cả dòng họ phải khổ. Đây là lần cuối con về thăm nhà. Từ đó, ông đi biền biệt không có tin tức gì về gia đình nữa, sau này gia đình mới nhận được tin ông đã mất ở Nghệ An.
Người chiến sỹ cách mạng kiên cường
Lê Hữu Lập sinh năm 1897, ở thôn Hữu Nghĩa, tổng Nam Trường, nay là xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ nhỏ, ông đã có lòng yêu nước thương dân, cảm nhận được nỗi khổ nhục của người dân bị mất nước, mất tự do và sự bất công của bọn thực dân Pháp và phong kiến gây ra.
Năm 1918, sau khi tốt nghiệp trường Pháp Việt, ông tham gia phong trào cách mạng đòi độc lập cho Việt Nam. Sau khi gặp nhà yêu nước Đinh Chương Dương, Lê Hữu Lập đã được giác ngộ và giới thiệu sang Trung Quốc tham gia vào Tâm Tâm Xã - một tổ chức cách mạng của người Việt Nam yêu nước ở Trung Quốc.
Khi tròn 28 tuổi, ông đã được gặp Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc và được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, rồi được cử về nước để tuyên truyền tư tưởng cách mạng cho thanh niên ở các tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Quảng Trị... và đưa một số người sang Quảng Châu huấn luyện.
Đầu năm 1927, ông đã đứng ra chỉ đạo việc thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội tỉnh Thanh Hóa và bầu Ban chấp hành Tỉnh bộ lâm thời. Lúc này, Lê Hữu Lập được cử làm Bí thư Tỉnh bộ lâm thời. Một năm sau đó, trong Hội nghị đại biểu Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội tỉnh Thanh Hóa, Ban chấp hành Tỉnh bộ với bảy ủy viên đã bầu Lê Hữu Lập làm Bí thư và sau đó được bầu vào Ban Chấp hành Kỳ bộ Thanh niên Trung Kỳ.
Năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập, Lê Hữu Lập trở thành Đảng viên Đảng cộng sản. Đến năm 1934, ông tham gia Ban viện trợ cách mạng Đông Dương và được cử về hoạt động ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tại đây, ông lâm bệnh nặng và được đưa về điều trị ở nhà thương Vinh. Do bệnh quá nặng, ông qua đời tháng 6 năm 1934 khi mới 37 tuổi.
Ông Trương Danh Tưởng - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lộc cho biết, từ lâu trong khuôn viên tượng đài liệt sỹ của xã đã có nhà bia ghi nhớ công lao của nhà cách mạng Lê Hữu Lập. Hàng năm vào các ngày lễ lớn kỷ niệm chính quyền địa phương và nhân dân đều dâng hương hoa tưởng niệm người chiến sỹ cách mạng lão thành của quê hương.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập do Tỉnh đoàn Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Chính quyền địa phương đã dành toàn bộ khu đất hơn 1ha đối diện với công sở của UBND xã để xây dựng công trình khu tưởng niệm ông Lê Hữu Lập. Tỉnh đoàn Thanh Hóa cũng đã triển khai kế hoạch vận động, quyên góp nguồn vốn từ việc xã hội hóa.
“21 hộ dân tự nguyện hiến đất để xây dựng công trình. Kinh phí xây dựng là hơn 10 tỷ đồng, UBND tỉnh Thanh Hóa đầu tư 2 tỷ đồng để khởi công và xây dựng công trình. Số tiền còn lại đang tiến hành xã hội hóa, kêu gọi sự ủng hộ từ các tổ chức cá nhân để tri ân với bậc tiền nhân. Dù địa phương đang còn gặp nhiều khó khăn nhưng khi được thông tin sẽ xây dựng nhà tưởng niệm cụ Lê Hữu Lập ai cũng hăng hái tham gia, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, ủng hộ tiền để công trình được triển khai xây dựng”, ông Tưởng cho biết thêm.
Thái Bá