1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Văn Chấn vật vã trong nước mắt

Bên bờ con đập tràn bị lở một mảng lớn như chiếc hàm ếch khổng lồ vì nước xoáy, một bàn thờ sơ sài được dựng vội nhìn ra bờ suối, hai bát cơm, quả trứng và nghi ngút khói hương. Rất nhiều người đang vật vã khóc. Một cô gái gọi em, một cậu trai gọi chị…

Nơi họ ngồi chắc hẳn là nền một ngôi nhà, đó là cửa hàng đồ gỗ Quyến Chắt. Hai người con gái của gia đình này, một cô tên Quyên, 21 tuổi, sinh viên sư phạm mẫu giáo; một cô tên Phượng, 19 tuổi, đang học cấp ba đã bị nước cuốn trôi trong đêm định mệnh nọ. Chùi liên tục mà vẫn không khô hai dòng nước mắt, một người xưng là cô của hai em nói trong tiếng nấc: "Tội nghiệp chị em nó, con Quyên vừa về nhà được hai hôm, lúc lũ về, cả nhà chạy lên gác hai, tưởng không việc gì, nào ngờ nước cũng cuốn đi. May mà thằng em tên Ngọc bám được vào ngọn cây nên thoát chết". Cậu bé tên Ngọc bây giờ ngồi kia, rũ rượi khóc không thành tiếng: "Chị ơi, em nhớ hai chị lắm, hai chị về đi...".

 

Đã hơn một ngày kể từ khi thảm họa lũ quét xảy ra, ông Dương Đức Lợi, Bí thư Đảng ủy xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vẫn còn bàng hoàng. "Đến phút này, chúng tôi mất tất cả 21 người, đã tìm được 7 người, có 2 nhà chết 4 người, một nhà chết 2 người, 7 học sinh trọ học" - ông nói. Nhưng chúng tôi biết, con số thiệt hại về người của riêng Cát Thịnh không hẳn đã dừng ở đó.

 

Một đoạn phố của khu thị tứ khá sầm uất trước đây nay đã bị san bằng. Đi qua con đập tràn, nước còn ồ ồ chảy qua những đường hầm, tôi sang địa phận thị trấn Trần Phú, tiếng trống kèn tắc nghẹn ở bên phải đường, một đám ma đang cử hành trong cơn mưa núi u ám. Tấm bảng cáo phó ghi tên hai người xấu số: "Đinh Quang Tú, sinh năm 1970. Nguyễn Thị Quyên, sinh năm 1973". Họ là hai vợ chồng, sinh sống bên kia con đập tràn và cùng chết trong cơn lũ quét. Ngôi nhà nơi cử hành tang lễ là nhà bố đẻ của Tú, bên chiếc quan tài kê ngay lối ra vào, một cậu bé con mắt đẫm lệ đứng chịu tang. Thằng bé cứ vừa khóc vừa dụi mắt. Nó tên Chính, 11 tuổi, học lớp 5, người ta mới chỉ tìm được bố cho nó chịu tang, còn mẹ giờ chưa có tin gì.

 

Chị Quyên cùng chết với ba người anh, gia đình chị là gia đình có số người chết nhiều nhất trong thảm họa này. Căn nhà làm đám tang ở một vị trí khá cao bên bờ suối, nhưng tôi phải với tay để chạm vào ngấn nước của cơn lũ kinh hoàng. Ông Hà Văn Yêu, người dân tộc Tày, nhà ở cạnh nhà máy chè, cách trung tâm cơn lũ khoảng 1 giờ đi bộ nói với tôi: "Cái lũ này 60 năm mới thấy to như thế, năm 44 hay 45 cũng to như thế này nhưng không chết nhiều người vì khi ấy người thưa mà ở trên cao".

 

Sự khủng khiếp của cơn lũ, dù đã đi qua nhưng dấu vết của nó vẫn làm người ta bàng hoàng: những nền nhà xoáy thành ao, cột điện cao thế gãy vụn, thân tre núi bị đánh dập như xơ mướp, còn những khối gỗ to như cột đình từ trên núi bị nước đưa xuống nhẹ nhàng như những món đồ chơi. Chỉ cần 10 phút để cho cơn lũ lên tới đỉnh cao 3-4 mét của nó. Chẳng thế mà những người chết lũ đều được tìm thấy ở tận Phú Thọ, hoặc cách nơi rốn lũ đến vài chục cây số, còn những người sống sót thì nhờ bám được vào gốc cây hay ngọn tre.

Văn Chấn vật vã trong nước mắt - 1

Một đoạn phố sau cơn lũ quét

Vòng lên trên dốc, tôi gặp một đám đông bên cạnh UBND xã Cát Thịnh, một cái lán dựng tạm bằng nilon trên đường vào Trường PTTH Văn Chấn đã bị ngăn cách bởi một dòng suối mà cây cầu đã bị lũ xóa sổ. Dưới mái lán, năm sáu cỗ quan tài xếp thành hàng. Lại một bàn thờ dựng tạm bên cạnh một xác người đã khâm liệm. Một người đàn bà đang vật vã khóc bằng tiếng Tày. Bàn tay chị đập đập lên cái xác quấn vải xô, trên mặt đậy chiếc khăn màu đỏ, dưới cái khăn, mái đầu con trai hiện ra.

 

"Con chị ấy à?", tôi rụt rè hỏi những người đàn bà mặt đầy nước mắt túm tụm ngồi bên. "Không, bà ấy tên Phạm Thị Thực, là bác. Còn nhà ấy chết cả ba mẹ con, đây là thằng lớn tên là Phạm Văn Kham, mới tìm thấy sáng nay, thằng bé thì thấy hôm qua, đã chôn rồi". "Còn mẹ nó đâu?", tôi hỏi. "Nghe nói được bộ đội tìm thấy rồi, đang trên đường đưa về đây". Mẹ của đứa bé tên là Hoàng Thị Ngũ, sinh năm 1968, còn bố của nó đi làm trong miền Nam, mãi sáng nay người ta mới có thể gọi điện thông báo vì mấy ngày qua mạng điện thoại không hoạt động...

 

Đám đông bỗng rẽ ra khi một chiếc xe tải nhẹ chạy đến, người ta khiêng xuống một cái cáng bọc nilon. "Mẹ nó đấy" mọi người xôn xao. Tôi không thể cầm lòng, chân bước đi mà lòng nặng trĩu. Họ đều ở xóm Ba Khe 1, một xóm nằm ở thượng nguồn con suối gây tai họa này: "Lúa của chúng tôi mất hết, không biết lấy gì mà ăn cho qua năm nay, không biết sống bằng cái gì nữa".

 

Tôi tạm biệt họ sau khi đặt vài đồng tiền trên bàn thờ, ngoài đường, một đoàn công tác của trung ương đang đi kiểm tra tình hình, dẫn đầu là Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trương Tấn Sang. Tôi nói với ông Lê Huy Ngọ, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương: "Đồng bào thiệt hại nặng lắm, bác có đề nghị Chính phủ hỗ trợ gì không?". "Có, có chứ, nhất định là phải trợ cấp rồi" - đôi mắt ông rơm rớm. Có lẽ trong đời người cán bộ đã nhiều lần đối diện với những tổn thất thiên tai như ông Ngọ, đây là tai họa vào hàng lớn nhất.

 

Tôi rời Cát Thịnh khi người đã bê bết bùn đất, trong lúc những chiến sĩ bộ đội Tiểu đoàn Công binh D17, Quân khu 2 đang giúp dân khắc phục hậu quả do cơn lũ gây ra, một vài chiến sĩ nhận ra chúng tôi là người đã tặng họ khẩu phần xôi của mình từ lúc sáng.

 

Đường phố đã gọn ghẽ hơn nhiều so với những gì mà tôi thấy khi mới đến lúc sáng. Anh Lò Quang Tú, Phó bí thư tỉnh đoàn cho biết, ngay sáng 28/9, tỉnh đoàn đã huy động 120 thanh niên tình nguyện giúp dân khắc phục hậu quả, nỗi đau của người dân Cát Thịnh chắc còn lâu mới nguôi, nhưng hy vọng với tấm lòng mà đồng bào các dân tộc Yên Bái và đồng bào cả nước dành cho, họ sẽ vượt qua khó khăn này.

 

Ghi chép của Lưu Quang Phổ
Báo Thanh Niên

Dòng sự kiện: Lũ quét tại Yên Bái