1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Không dự báo được lũ quét

Lũ quét ở Yên Bái vừa qua thực sự là một thảm họa với con người. Tuy nhiên, để dự báo nó thì hiện khoa học vẫn bó tay, ông Ngô Trọng Thuận, Vụ phó Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên Môi trường khẳng định như vậy.

Thưa ông, lũ quét xảy ra tại Yên Bái và nhiều địa phương rất tàn khốc, tại sao cơ quan khí tượng không thể dự báo trước?

 

Tất nhiên phải có mưa thì mới có lũ quét. Nhưng để khẳng định mưa bao nhiêu thì xuất hiện lũ là vấn đề nan giải. Ví dụ lũ quét ở Yên Bái vừa qua, mưa chỉ trên 100 mm, tập trung khoảng 2-3 tiếng, nhưng cũng có những trận mưa như thế không xảy ra lũ. Hiện trình độ khoa học, nhận thức về lũ quét, cơ chế hình thành ra sao, để đi vào bản chất là chưa thể. Nhưng các điều kiện, nguyên nhân có tính chất định tính thì đã được xác định.

 

Mặt khác, lũ quét thường xảy ra ở địa bàn hẹp, trong khi dự báo khí tượng thủy văn là trên quy mô lớn. Rađa quét gặp đồi núi trập trùng, sóng bị cản, khó phát hiện. Cho nên việc dự báo lũ quét là không thể, mà chỉ cảnh báo thôi. Trong dự báo bão số 7, cơ quan khí tượng chỉ nói các tỉnh miền núi phải cảnh giác và đề phòng lũ quét, chứ không thể chỉ đích danh Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Thực tế không riêng gì ta, thế giới cũng vậy.

 

Vậy lũ quét được hình thành trong điều kiện nào?

 

Điều kiện địa hình là phải ở vùng đồi núi rất dốc (trên 30 độ), địa hình bị chia cắt mạnh mẽ thành những hẻm, vực sâu, độ dốc rất lớn. Phạm vi bị lũ quét tác động là những lưu vực nhỏ, chỉ 100-200 km2, thậm chí chỉ vài chục km2. Những khu vực từng xảy ra lũ quét ở Việt Nam đều có độ dốc lớn, ví dụ một lưu vực của sông Nậm La (Sơn La) dốc 45,2 độ, Mường Lay (Lai Châu) 37-48 độ, Bát Xát (Lào Cai) dốc 37-42 độ.

 

Về điều kiện khí tượng, vùng xảy ra lũ quét thường có chênh lệch nhiệt độ không khí trong ngày và trong năm rất lớn (ở Lai Châu, Sơn La khoảng 10 độ C, Lào Cai, Yên Bái khoảng 7-8 độ C). Do tác động của nhiệt độ, mưa nắng, bề mặt đất bị phong hoá, giảm tính liên kết và dễ sụt lở khi có mưa.

 

Nhưng động lực trực tiếp gây ra lũ quét là mưa. Theo các nghiên cứu của ta, lượng mưa thường trên 150 mm một ngày (thực tế chỉ tập trung trong 2-3 tiếng) thì có nguy cơ xảy ra lũ quét. Cường độ mưa khi xảy ra lũ quét rất cao, lớn nhất có thể là 70-100 mm/h.

 

Con người tác động như thế nào tới sự xuất hiện của lũ quét?

 

Có một nguyên nhân phụ làm gia tăng lũ quét là sự tác động của con người khiến bề mặt lưu vực sông suối bị thay đổi. Việc phá rừng để sản xuất, xây dựng nhà cửa đã làm hạn chế khả năng giữ nước của mặt đất. Khi xảy ra mưa lớn, nước không thấm sẽ chuyển động nhanh hơn, tạo thành lũ. Con người cũng đã ngăn cản dòng chảy để bắt cá, dâng nước dẫn vào ruộng.

 

Những nơi hay xảy ra lũ quét như Sơn La, Lai Châu rừng bị phá rất nhiều. Trước năm 1975 người ta tính diện tích rừng ở lưu vực này còn 10%, đến nay không quá 6%, nhưng toàn là cỏ ranh, sim mua, không có khả năng giữ nước.

 

Xin ông nói rõ hơn về khả năng tàn phá của lũ quét?

 

Lũ quét nếu xảy ra ở vùng hoang vu thì chỉ làm sạt lở đất, tắc nghẽn dòng chảy, thay đổi cảnh quan. Nhưng nếu xảy ra ở vùng dân cư, vùng sản xuất thì sẽ trở thành thảm họa. Bởi lũ quét bao giờ cũng kèm theo sạt lở đất, cuốn trôi những tảng đá cực lớn. Theo tính toán, với độ dốc 30 độ, triều dài sườn dốc 100 m thì tốc độ chảy của nước lũ có thể đạt trên 30 m/s và đủ khả năng di chuyển những tảng đá đường kính 1-2 m. Trên đường đi, lũ quét san bằng mọi thứ, làm thay đổi cảnh quan cả một khu vực.

 

Sự tàn khốc của lũ quét còn ở chỗ nó rất hay xảy ra ban đêm, sớm thì 10-11h, muộn thì 3-4h sáng, nên khả năng chạy lũ của con người rất khó. Điểm này khoa học cũng chưa giải thích được.

 

Để phòng tránh lũ quét, theo ông cần phải làm gì?

 

Trước mắt, ở những vùng núi cao, dốc, có dân cư sinh sống thì luôn phải cảnh giác. Nếu thấy thông báo có khả năng mưa lớn thì phải sẵn sàng tư thế chạy, thậm chí phải sơ tán trước khi mưa. Mặc dù có thể lần này chạy không xảy ra lũ quét, nhưng nhỡ xảy ra thì còn tránh được thiệt hại về người. Chứ nếu đã có lũ quét thì con người đành bất lực vì chỉ thoáng thấy thì nó đã đến rồi. 

 

Về lâu dài, chúng ta phải triệt để bảo vệ và trồng rừng ở những khu vực đã phá. Đây là biện pháp rất kinh điển, ta đã nói mãi, nhưng thực tế làm rất kém. Người dân cũng phải thực hiện quy định không được canh tác ở những sườn núi dốc từ 30 độ trở lên. Dưới 30 độ thì được canh tác, nhưng phải có biện pháp chống xói mòn. Ở các lâm trường người ta thực hiện quy định này tương đối tốt, còn dân thì cứ thoải mái phá rừng làm rẫy.

 

Một biện pháp quan trọng không kém là phải quy hoạch khu dân cư. Nếu cứ an cư ở những vùng đồi dốc, các thung lũng hẹp thì nguy cơ bị lũ quét rất lớn. Thực tế dân thường chọn những vùng hẻm sinh sống vì nơi đó mới có nước trong mùa khô, nhưng đó cũng là vùng có nguy cơ lũ quét.

 

Theo Như Trang
VnExpress

Dòng sự kiện: Lũ quét tại Yên Bái

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm