Ủy ban TVQH sẽ xem xét việc sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023-2030

Hoài Thu

(Dân trí) - Dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2030 sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp thứ 23.

Đây là một trong những nội dung quan trọng tại phiên họp 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến diễn ra từ 9 đến 12/5.

Trong tờ trình gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi giữa tháng 4 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2030, Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành sắp xếp với những huyện, xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định.

Những đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định... cũng nằm trong diện sắp xếp, sáp nhập.

Ủy ban TVQH sẽ xem xét việc sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023-2030 - 1

Các đại biểu dự phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Phạm Thắng).

Đến năm 2030, Chính phủ cho biết sẽ hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định.

Theo tính toán của Chính phủ, từ nay tới năm 2025, dự kiến có 52 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.037 đơn vị cấp xã trên cả nước thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập.

Ngoài nội dung này, phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về các dự án: Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85 của Quốc hội khóa XIII về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; đồng thời xem xét việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Liên quan các vấn đề kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021; báo cáo tài chính Nhà nước năm 2021… cũng được cho ý kiến tại phiên họp lần này.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Vì là phiên họp diễn ra ngay trước kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Ngoài ra, phiên họp thứ 23 sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách Nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có; lập, phân bổ dự toán, quản lý, thanh toán, quyết toán dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách Nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dự phòng một ngày để cho ý kiến về một số nội dung của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.