Bộ Nội vụ giải trình các trường hợp huyện, xã không bắt buộc sáp nhập
(Dân trí) - Bộ Nội vụ giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về các trường hợp huyện, xã không bắt buộc thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính vì "có yếu tố đặc thù".
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Tại cuộc họp thẩm định trước đó, Bộ Tư pháp đề nghị làm rõ và cụ thể hóa trường hợp không bắt buộc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính "có yếu tố đặc thù" tại Kết luận số 48-KL/TW của Trung ương; đồng thời rà soát quy định về các trường hợp không bắt buộc sáp nhập, sắp xếp để bảo đảm tính khả thi…
Bộ Nội vụ khẳng định, Kết luận số 48-KL/TW yêu cầu "không bắt buộc thực hiện sắp xếp (trừ trường hợp địa phương có nhu cầu sắp xếp) đối với các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn trước, ổn định từ lâu, có vị trí biệt lập, có các yếu tố đặc thù và các đơn vị hành chính nông thôn đã được quy hoạch thành đơn vị hành chính đô thị".
Thể chế hóa điều đó, dự thảo nghị quyết do Bộ Nội vụ xây dựng đã quy định cụ thể các trường hợp không bắt buộc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2030. Cụ thể, ngoài các trường hợp đã thực hiện sắp xếp giai đoạn trước, ổn định từ lâu, có vị trí biệt lập, dự thảo quy định trường hợp có yếu tố đặc thù là đơn vị hành chính cấp xã được xác định là xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Việc xác định các trường hợp đặc thù này nhằm bảo đảm nguyên tắc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính gắn với yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội đã được quy định tại điều 2 dự thảo nghị quyết.
Bên cạnh đó, cụ thể hóa Kết luận số 48-KL/TW và tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ đã chỉnh lý dự thảo về việc không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với đơn vị hành chính nông thôn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023-2030 (bao gồm cả đơn vị hành chính nông thôn đã được quy hoạch nhập vào đơn vị hành chính đô thị) có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị dự kiến thành lập.
Nêu rõ lộ trình, cách thức thực hiện lấy ý kiến nhân dân
Về bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân, Bộ trưởng Nội vụ cho biết Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định Đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải được lấy ý kiến của nhân dân là cử tri ở đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới.
Nếu có trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn tán thành thì cơ quan xây dựng đề án có trách nhiệm hoàn thiện đề án và gửi Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính có liên quan để lấy ý kiến (Điều 132).
Chính phủ cũng có Nghị định số 54/2018 hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, trong đó quy định cụ thể trình tự, thủ tục lấy ý kiến cử tri.
"Dự thảo nghị quyết viện dẫn áp dụng quy định về trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đã bảo đảm tính đầy đủ, toàn diện của quy trình, thủ tục sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó có trình tự, thủ tục về lấy ý kiến nhân dân về hồ sơ đề án sắp xếp", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định
Ngoài ra, để triển khai thực hiện nghị quyết, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về kế hoạch thực hiện sắp xếp, sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023-2030, trong đó nêu rõ lộ trình, cách thức thực hiện lấy ý kiến nhân dân, công tác tuyên truyền, vận động và các hình thức khác để bảo đảm sự đồng thuận khi thực hiện sắp xếp.
52 huyện và 1.037 xã trên cả nước sắp được sáp nhập
Thống kê của Bộ Nội vụ cho thấy, giai đoạn 2019-2021 sau sắp xếp tuy đã giảm được 8 cấp huyện và 561 cấp xã, nhưng đa số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định của Nghị quyết số 1211 và Nghị quyết số 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ Nội vụ đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có đồng thời 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định.
Những đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định... cũng nằm trong diện sắp xếp, sáp nhập.
Như vậy, từ nay tới năm 2025, dự kiến có khoảng 52 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.037 đơn vị cấp xã trên cả nước thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập.