1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ứng phó hạn, mặn lịch sử: Vừa ngăn mặn vừa điều tiết ngọt

(Dân trí) - ĐBSCL đang đối diện với thiên tai lịch sử. Nguồn nước ngọt suy kiệt, nhiều vùng đất bị nhiễm mặn, hàng triệu người dân thiếu nước ngọt sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do nước mặn tràn vào! Việc tìm giải pháp để điều tiết nước ngọt, hạn chế những rủi ro, thiệt hại do hạn – mặn gây ra là cấp bách.

Hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn cao khiến nhiều con sông ở ĐBSCL cạn trơ đáy
Hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn cao khiến nhiều con sông ở ĐBSCL cạn trơ đáy

Trong chuyến đi kiểm tra thực tế và làm việc với lãnh đạo vùng ĐBSCL về các giải pháp chống hạn – mặn hồi đầu tháng 3/2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có nêu một vấn đề đáng quan tâm: “Trong thách thức luôn ẩn chứa cơ hội, tạo hóa thiên nhiên dường như định sẵn điều đó. Nếu chúng ta tranh thủ biến thách thức thành cơ hội, thì sẽ vượt qua được thiên tai khắc nghiệt. Nước mặn xâm nhập cũng là cơ hội để phát triển vùng nuôi tôm ven biển”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý, tôm đang được giá, các địa phương ven biển cần tận dụng cơ hội hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật để nông dân nuôi tôm tăng thu nhập.

Còn theo Gs.Ts Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, là người tâm quyết và dành nhiều thời gian nghiên cứu cho vùng đất ĐBSCL, nên nhìn nước mặn là bạn tốt của con người khi ta biết: “Với nước mặn, ta có thể nuôi trồng cây con gì có lợi lớn, mà không phải tốn tiền làm đê ngăn mặn. Nước mặn giúp điều hòa môi trường sinh thái một cách bền vững. Tôi đã nhiều lần đề xuất đối tượng để chuyển dịch cơ cấu là con tôm hoặc một ít cây trồng giá trị cao hơn lúa nhưng ít đòi hỏi lượng nước ngọt đắt tiền và quí hiếm, như cây xoài trên đất giồng ven biển. Nói con tôm vì tôm đang và sẽ có thị trường lớn. Cây xoài cát chu vì hiện nay đang có nhiều doanh nghiệp đang về ký hợp đồng với nông dân vùng cát giống ven biển Bến Tre để đầu tư, hướng dẫn trồng, và bao tiêu sản phẩm. Không thể nói cây gì hoặc con gì một cách khẳng định được vì điều kiện qui hoạch ngày nay không thể theo mong muốn của lãnh đạo mà phải theo tín hiệu thị trường và có doanh nghiệp nắm được tín hiệu đó.

Thực tế, tình hình hạn – mặn đã diễn ra nhiều năm qua, nhưng đỉnh điểm là mùa khô hạn năm nay rất khốc liệt. Đến cuối tháng 3/2016, hàng trăm ngàn héc-ta lúa, mía, hoa màu... bị khô cháy. Nhiều gia đình phải tạm ly hương để tìm phương kế mưu sinh. Trong đó, vùng bán đảo Cà Mau đã phát sinh nhiều mâu thuẫn giữa mặn – ngọt. Việc quy hoạch sản xuất, để người dân có cuộc sống ổn định trong bối cảnh – hạn mặn khôc liết là khẩn thiết.


GS.TS Tăng Đức Thắng – Phó giám đốc Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam.

GS.TS Tăng Đức Thắng – Phó giám đốc Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam.

Mới đây bên lề về hội nghị phòng chống hạn, mặn vùng ĐBSCL, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS.TS Tăng Đức Thắng – Phó giám đốc Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam:

Thưa ông tình trạng thiếu nước ngọt, thừa nước mặn ngày càng diễn ra nghiêm trọng, chúng ta sẽ ứng phó ra sao?

Theo tôi, về lâu dài để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (hiện tại hạn mặn đang tác động đến hàng triệu người dân ĐBSCL – PV), chúng ta cần có kế hoạch tổng thể để ứng phó với xâm nhập mặn. Trong đó việc quan trọng nhất là sự phối hợp của chúng ta với các nước thượng nguồn MeKong. Hiện nay, chế độ nguồn nước ở ĐBSCL phụ thuộc rất nhiều vào tác động của các nước thượng nguồn, trong đó có thủy điện của Trung Quốc và các nước khác. Sau đó, chúng ta phải chủ động kiểm soát tác động của nước mặn từ biển Đông. Cụ thể là ứng phó với hạn, mặn. Qua đó, đưa ra kế hoạch ứng phó nước mặn từ biển xâm nhập, và nắm bắt lưu lượng nguồn nước từ thượng nguồn đổ về. Cách ứng phó: phải có hệ thống công trình để kiểm soát xâm nhập mặn. Các công trình này phải có tính kết nối liên thông giữa phần biển và phần nội đồng. Để tận dụng khả năng cung cấp được các nguồn nước từ nội đồng đến phần ven biển.

Nghĩa là phải tiến hành cùng lúc hai công việc: ngăn mặn, và điều tiết nguồn nước ngọt, thưa ông?

Ở đây có hai vấn đề lớn: một là phải có công trình để chuyển nước ngọt từ trong ra khu vực ven biển; hai là quản lý vấn đề sử dụng nước vùng ven biển. Không chỉ riêng công trình là quyết định được mà còn là khả năng thích ứng, sử dụng nước một cách hợp lý. Thay đổi môi trường sản xuất ở vùng ven biển phải theo hướng làm gia tăng hiệu quả tổng hợp của giải pháp thích ứng với xâm nhập mặn. Tác động hiện nay của hạn mặn ở vùng ven biển ĐBSCL là thiếu nước tưới cho cây trồng (lúa, hoa màu, cây ăn trái ). Đồng thời thiếu nguồn nước ngọt pha loãng nước mặn ven biển, nên hạn mặn đã xảy ra ảnh hưởng rất lớn đến nuôi trồng thủy sản ven biển, đặc biệt là nuôi tôm của Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre… Biện pháp của chúng ta không chỉ đảm bảo cho cây trồng, cho sinh hoạt người dân mà còn đảm bảo nước cho nuôi trồng thủy sản ven biển vì đó là nguồn lợi rất lớn - một thế mạnh cạnh tranh của chúng ta. Vì vậy tôi xin nhắc lại giải pháp công trình để kiểm soát nguồn nước vùng ven biển là rất quan trọng.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng: các công trình thủy lợi hiện nay ở các địa phương thường mạnh ai nấy làm. Liệu có phù hợp với thực tế không?

Tôi nghĩ không phải mạnh ai nấy làm đâu! Hiện nay, chúng ta đã có quy hoạch rồi và đang điều chỉnh kịp thời theo điều kiện thực tế. Nhưng vì nguồn vốn không dồi dào nên có thể chỗ này làm trước, chỗ kia làm sau. Tôi nghĩ rằng sắp tới, nhà nước cần quan tâm đầu tư toàn diện hơn cho ĐBSCL. Đặc biệt, ưu tiên vùng ven biển. Tôi cũng xin nhắc lại rằng đầu tư mang tính kết nối các vùng, vì chỉ đầu tư ở vùng ven biển mà phần kết nối để cung cấp nước ngọt ra biển không được đầu tư thì hiệu quả sẽ không cao!

Đáng quan tâm hiện nay là bán đảo Cà Mau, nơi chịu tác động rất lớn từ nước mặn biển Đông và biển Tây. Trong khi đó, tác động của nguồn ngọt từ nội địa ra rất phức tạp! Thực ra thời gian qua, chúng ta đã ứng phó cho từng tiểu vùng khá tốt! Nhưng ở mức độ sắp tới của thiên tai, của thay đổi nguồn nước ở thượng lưu thì những giải pháp như hiện nay không đủ; và có thể nói là khó phát huy được, khó chống đỡ được với biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Chắc chắn rằng biến đổi khí hậu ngày một tác động mạnh hơn, lún sụt đất ở bán đảo Cà Mau đang xảy ra, điều đó đã làm cho xâm nhập mặn, nguồn nước ngọt bị ảnh hưởng xấu. Chắc chắn tác động lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Tôi xin nhắc lại ở đây là một giải pháp tổng thể cho bán đảo Cà Mau để giải quyết vấn đề kiểm soát mặn - ngọt một cách chủ động thì chúng ta có thể vượt qua được thách thức biến đổi khí hậu.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Tâm

Dòng sự kiện: Hạn, mặn khốc liệt