Bò đói trên đồng, thuyền “chết” trên sông
(Dân trí) - Thời gian qua, nắng nóng kéo dài đã khiến nhiều nơi ở tỉnh Sóc Trăng bị khô hạn nghiêm trọng, đến nỗi một chú bé chăn bò nói rằng: “Giờ thả bò ra ruộng chủ yếu là cho bò đi "thể dục" giãn gân cốt chứ ngoài đồng làm gì còn cỏ tươi nữa”.
Ghi nhận ở huyện Trần Đề, nhiều cánh đồng khô kiệt, nhiều kênh rạch gần như không còn nước khiến cho sản xuất, sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Ông Phạm Văn Tuấn (ngụ thị trấn Trần Đề) cho biết: “Tôi sản xuất hoa màu gồm các loại rau, quả như ớt, cà chua, khổ qua, bầu…nhưng không có nước tưới nên phải bỏ cho chết khô, thiệt hại hàng chục triệu đồng”.
Chỉ vào mấy ngàn mét vuông ớt đang cho trái, ông Tuấn cho biết do thiếu nước nên ớt cho trái nhỏ, không được thương lái mua nên gia đình ông bỏ luôn. Theo ông Tuấn, diện tích ớt nói trên trước đây mỗi ngày ông thu hoạch từ 150- 200kg, bán với giá từ 15.000-17.000 đồng/kg nhưng vụ này không bán được đồng nào.
Còn ở xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề), nhiều hộ chăn nuôi bò cũng khốn đốn vì hạn khiến cỏ khô cháy, đàn bò thiếu thức ăn tươi. Nhiều hộ mua rơm dự trữ làm thức ăn cho bò trong những ngày khô hạn này. Một chú bé chăn bò nói rằng: “Con đi thả bò nhưng chủ yếu là cho bò đi "thể dục" cho giãn gân cốt chứ ngoài đồng làm gì còn cỏ cho bò ăn”.
Ở xã Viên Bình (huyện Trần Đề), nhiều hộ dân đang lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng bởi các dòng kênh đã cạn kiệt, giếng ngầm cũng không đủ nước sử dụng nên bà con phải mua nước ở nơi khác đưa lại với giá từ trên 100.000 đồng/m3. Nhiều hộ dân nuôi bò cho bò ra ruộng ăn rơm và kèm theo một thùng nước để sẵn cho bò uống…
Trong khi đó, tại xã An Thạnh Nam (huyện Cù Lao Dung), ông Võ Thanh Quang- Bí thư Huyện ủy, cho biết: Có lúc độ mặn từ 15‰ đến 18‰, gây thiệt hại trực tiếp hơn 1.163 ha đất trồng mía, rau màu, nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, tình trạng hạn mặn cũng gây ảnh hưởng đến cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây lương thực, thực phẩm và vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện hàng ngàn hecta.
Quan sát thực tế tại ấp Vàm Hồ (xã An Thạnh Nam), chúng tôi ghi nhận nhiều diện tích mía của nông dân đã bị khô cháy hoàn toàn, thiệt hại cho bà con hàng tỉ đồng… Dự báo người dân ở các xã An Thạnh 3 và An Thạnh Nam có khả năng thiếu nước ngọt và nước sạch sinh hoạt trong mùa khô này.
Ông Võ Thanh Quang cho biết, lãnh đạo huyện đã đề nghị các địa phương chú ý việc mở cống lấy nước ngọt vào sản xuất, sớm nạo vét các tuyến kênh nội đồng, vận động nông dân tái sản xuất phải tuân thủ khung lịch thời vụ của ngành chuyên môn, kịp thời giúp các hộ dân ổn định sản xuất và đời sống.
Cà Mau: Không để người dân thiếu nước ngọt sinh hoạt
Tại tỉnh Cà Mau, cho đến thời điểm này, qua thống kê của huyện Trần Văn Thời cho biết, do ảnh hưởng nắng nóng, toàn huyện có trên 13.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại từ 30 - 70%. Nhiều tuyến kênh rạch đã bị khô hạn, ảnh hưởng rất lớn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Cũng qua rà soát của , hiện có gần 2.000 hộ đang bức xúc về vấn đề nước ngọt, nước sạch để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Trong khi đó, tại huyện U Minh, thống kê cho thấy, toàn huyện có trên 17.170ha lúa, hoa màu và tôm nuôi bị thiệt hại do thời tiết. Hiện có hơn 900 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt.
Cũng theo ngành chức năng, có trên 41.000 ha rừng thuộc huyện U Minh và Trần Văn Thời đã bị khô hạn ở cấp độ từ III trở lên, với tình trạng có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải vừa có chỉ đạo các địa phương rà soát, nắm chắc số hộ có nguy cơ thiếu lương thực, thiếu nước ngọt sinh hoạt, nhất là các hộ nghèo, hộ chính sách, dân tộc để kịp thời hỗ trợ theo quy định; không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt, sử dụng nước không hợp vệ sinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, dẫn đến bùng phát dịch bệnh.
Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu Sở NN&PTNT kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong và gần rừng; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp với từng khu vực trọng điểm, kịp thời khống chế nhanh nhất khi có cháy rừng xảy ra.
Bạch Dương - Huỳnh Hải