1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tỷ lệ chậm chuyến của hãng bay Việt ngày càng tăng

Ngọc Tân

(Dân trí) - Ngành hàng không Việt Nam trải qua tháng thứ 2 liên tiếp ghi nhận chỉ số bay đúng giờ (OTP) giảm. Tín hiệu đáng ngại khi sắp tới là cao điểm nghỉ lễ 2/9.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, chỉ số bay đúng giờ của các hãng hàng không Việt trong tháng 7 tiếp tục đà giảm.

Cụ thể, trong số gần 25.000 chuyến bay, có hơn 9.200 chuyến bị chậm hoặc hủy chuyến. Tỷ lệ bay đúng giờ chỉ đạt 63,2%. Đây là mức OTP rất thấp nếu so với trung bình năm 2023 là 84,5%.

Trước đó, tỷ lệ bay đúng giờ trung bình của toàn ngành trong tháng 5 là 82,2% và tháng 6 là 69,3%. Số liệu nối tiếp từng tháng cho thấy tỷ lệ chậm chuyến có xu hướng tăng dần trong dịp cao điểm hè.

Tỷ lệ chậm chuyến của hãng bay Việt ngày càng tăng - 1

Số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam (Đồ họa: Ngọc Tân).

Tình trạng chậm chuyến (delay) thường xuyên đã gây ra nhiều phiền toái cho hành khách, trong đó có nhóm khách đi du lịch trong các tháng hè.

Qua khảo sát, hành khách có xu hướng phàn nàn, bức xúc vì chuyến bay bị lùi giờ nhiều lần, thông báo lùi giờ đến chậm gây lỡ công việc... hoặc lùi giờ bay đến đêm dẫn tới khó khăn trong việc đặt xe từ sân bay về nơi lưu trú.

Trong số các nguyên nhân gây chậm chuyến, lý do "tàu bay về muộn" vẫn chiếm tỷ trọng cao, cho thấy tần suất khai thác của máy bay đang bị đẩy lên đến mức ảnh hưởng tới chỉ số đúng giờ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo một hãng hàng không cho biết các nguyên nhân "truyền thống" dẫn tới chậm chuyến vẫn là việc rút ngắn thời gian quay đầu máy bay. Do thiếu hụt máy bay, mỗi chiếc cũng phải tăng thời gian phục vụ trong ngày lên 11-12 tiếng.

Tỷ lệ chậm chuyến của hãng bay Việt ngày càng tăng - 2

"Máy bay về muộn" vẫn là lý do chính gây ra tình trạng chậm chuyến (Ảnh minh họa: Ngọc Tân).

Thời gian qua, một số hãng hàng không đã đón thêm máy bay mới để bù đắp lượng thiếu hụt. Tuy nhiên, việc bổ sung "nhỏ giọt" này vẫn chưa đáng kể so với hàng chục máy bay phải dừng hoạt động vì lệnh triệu hồi động cơ của nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm phụ tùng máy bay cũng là một nguyên nhân khiến đội máy bay vốn đã thiếu hụt lại càng dễ "tổn thất" hơn.

"Thời dịch bệnh máy bay dư thừa, khi thiếu phụ tùng có thể tháo từ chiếc này lắp vào chiếc khác. Bây giờ cả đội máy bay đều hoạt động, chiếc nào thiếu phụ tùng thì phải nằm chờ, có khi mấy ngày vẫn chưa có phụ tùng thay thế", lãnh đạo hãng chia sẻ.

So với tháng 6, điểm mới trong tháng 7 là sự tăng vọt số lượng chuyến bay của Pacific Airlines, từ 32 chuyến lên 339 chuyến. Lý do là hãng này đã thuê được thêm máy bay từ Vietnam Airlines.

Trước đó, đầu tháng 7, Cục Hàng không đã có văn bản gửi các hãng bay bổ sung đội máy bay và kiểm soát chặt chẽ giá vé. Theo thống kê, số lượng máy bay quốc tịch Việt Nam tính đến ngày 15/6 là 211 máy bay, giảm 40 máy bay so với cùng kỳ 2023.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm